Trong rất nhiều nguyên nhân, nguyên nhân quan trọng nhất là sự chưa hợp lý trong cơ chế, chính sách về tiền lương và điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các tổ chức KH&CN công lập, các doanh nghiệp nhà nước. Ở các đơn vị này, chính sách về tiền lương và điều kiện làm việc hiện không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của hoạt động KH&CN.
Có một thực tế là cán bộ nghiên cứu trong các tổ chức sự nghiệp KH&CN công lập (các viện nghiên cứu, trường đại học) không được hưởng phụ cấp ưu đãi (25%) như các giảng viên. Do đó, nhiều cán bộ nghiên cứu muốn chuyển sang làm cán bộ giáo dục hoặc quản lý.Các bất hợp lý trong chính sách tiền lương đã được đề xuất, kiến nghị từ lâu song vẫn chưa được giải quyết.
Suốt thời gian qua, giữa các bộ, ngành có liên quan vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ về quy hoạch, kế hoạch đào tạo sử dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chương trình, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lực lượng này để đảm bảo đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Phải khẳng định rằng các chính sách nhân lực KH&CN có liên quan đến tiền lương, điều kiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, quản trị nhân sự nghiên cứu và phát triển đang là các trở lực lớn. Cần coi đây là khâu đột phá phải được tập trung giải quyết sớm để có thể duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực KH&CN nói chung, nhân lực nghiên cứu và phát triển nói riêng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, là động lực phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp là cần thiết để tạo sức hút đối với nguồn nhân lực này, trong đó cần tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế, sớm đưa chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN vào cuộc sống.
Theo Khoa học & Phát triển