Sự tham lam khiến Apple, Facebook gặp rắc rối

Lý do bốn gã khổng lồ công nghệ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, 'mua để giết'.

Một trong những hành vi độc quyền mà cả 4 công ty bị cáo buộc là sao chép những gì các công ty khác đang làm. Cụ thể, Apple, Facebook, Google và Amazon bị cho là mua lại các công ty nhỏ như một cách để sở hữu các tính năng hấp dẫn; hoặc khiến các ứng dụng không thể xuất hiện trên nền tảng của các đối thủ cạnh tranh.

Đây là lần đầu tiên cả 4 CEO công nghệ hàng đầu phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Getty.

"Mua để giết"


Washington Post
cho biết Tiểu ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về Chống độc quyền có những bằng chứng cụ thể cho luận điểm này, và sẽ đưa ra vào phiên điều trần ngày 29/7.

Theo Washington Post, bà Pramila Jayapal, một trong những thành viên hội đồng sẽ đưa ra tài liệu chứng minh chiến lược cạnh tranh "mua để giết" không lành mạnh của các ông lớn công nghệ.

“Chúng ta cần hành động nhanh chóng để tái khẳng định thẩm quyền trong việc điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của những công ty công nghệ này”, bà Jayapal cho biết.

Theo 9to5Mac, các hành vi "mua để giết" của những gã khổng lồ gây hại cho cả những doanh nghiệp nhỏ lẫn người dùng. Với các doanh nghiệp công nghệ nhỏ, những tính năng mà họ phát triển có thể nhanh chóng bị sao chép và tích hợp lên sản phẩm của mình.

Apple được cho là sắp ra mắt Apple Tags, phụ kiện giúp nhanh chóng tìm các loại đồ đạc. Tile cho rằng ý tưởng này sao chép của họ. Ảnh: MacRumors.

Các công ty công nghệ có thể làm điều này với cả phần cứng cũng như phần mềm. Ví dụ: Apple dự kiến sẽ ra mắt Air Tags, được sao chép và cải thiện chức năng của startup Tile. Tile đã phàn nàn về hành vi này, sau đó Apple tuyên bố thay đổi trong iOS 14 để tạo ra một chức năng của riêng mình.

Người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi nếu như mất các ứng dụng và dịch vụ trên nền tảng ưa thích của họ sau khi chúng bị mua lại. Ví dụ, Apple đã đóng ứng dụng Dark Sky trên nền tảng Android sau khi mua lại công ty phát triển.

“Đây là thời điểm quan trọng để các công ty thể hiện những gì họ đang làm là ủng hộ sự đổi mới và ủng hộ người tiêu dùng”, ông Robert Atkinson, chủ tịch Quỹ Sáng tạo và Công nghệ Thông tin cho biết.

“Nếu họ không làm tốt điều đó, từ giờ sẽ ngành công nghiệp công nghệ thông tin sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều”, ông Atkinson nói thêm.

Bloomberg Law lưu ý rằng việc mua lại các công ty nhỏ của những gã khổng lồ công nghệ như Apple đã tăng lên trong năm nay.

Theo dữ liệu của Bloomberg, số công ty nhỏ bị 5 ông lớn bao gồm Amazon, Apple, Google, Facebook, và Microsoft mua lại tính đến tháng 6 đã đạt 27 công ty, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể năm 2015.

Hành vi mua bán ồ ạt này càng làm tăng khả năng các công ty sẽ bị giám sát về độc quyền. Việc đẩy nhanh các thỏa thuận mua bán là bằng chứng cho các nhà kinh tế, luật sư và nhà lập pháp thấy rằng những gã khổng lồ công nghệ, với tiền mặt đầy túi có đòn bẩy so với các đối thủ hiện tại và tăng thị phần.

Một mối lo ngại lớn hơn nữa là các công ty công nghệ có khả năng bóp nghẹt sự cạnh tranh bằng cách mua lại các đối thủ tiềm năng. Sau cùng, những gã khổng lồ này luôn có được lợi thế.

Còn nhiều câu hỏi khó cho "Big Four"


Bên cạnh hành vi mua lại các công ty nhỏ, nhóm đại gia công nghệ "Big Four" sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa khác.

Cụ thể, Apple sẽ phải trả lời những câu hỏi xung quanh tới sự độc quyền quản lý App Store và thu phí tới 30% đối với các nhà sản xuất ứng dụng.

CEO của Amazon sẽ phải đối mặt với những câu hỏi lớn về việc ra mắt những sản phẩm riêng mang thương hiệu Amazon và tự do phát hành trên trang thương mại điện tử của họ. Ngoài ra, Bezos cũng sẽ phải trả lời về cáo buộc sử dụng dữ liệu người dùng và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu.

Với lợi thế quá lớn, các gã khổng lồ công nghệ có thể dễ dàng "đè bẹp" các đối thủ cạnh tranh nhỏ bé. Ảnh: WSJ.

Trong khi đó, Facebook và Google sẽ phải trình bày về cách họ phân phối nội dung thù địch, sai sự thật và các chính sách về dữ liệu người dùng. 2 công ty này cũng phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng về việc độc quyền phân phối quảng cáo, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các công ty sản xuất nội dung khác.

Sự xuất hiện cùng lúc của 4 CEO từ các công ty công nghệ hàng đầu có thể thu hút rất nhiều sự chú ý từ truyền thông. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của buổi điều trần.

"Họ là những người đứng đầu mỗi tổ chức, họ đã được đào tạo để nói những thứ nên nói. Các nhà lập pháp sẽ khó khăn trong việc tổng kết ra một quy định chung vì đây là 4 công ty rất khác nhau nên tác động về sự độc quyền cũng rất khác", Gansler nhận định.

Phiên điều trần các gã khổng lồ công nghệ sẽ diễn ra vào rạng sáng 30/7 theo giờ Việt Nam.

Theo Zing