Sony xin chính phủ Mỹ cấp phép kinh doanh với Huawei

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sony và Kioxia (trước đây là Toshiba Memory) đã nộp đơn xin chính quyền Mỹ cho phép nối lại việc cung ứng linh kiện cho Huawei.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy đơn xin cấp phép sẽ được thông qua. Theo Nikkei, Sony và Kioxia đã làm theo các công ty Hàn Quốc, Samsung và SK Hynix cũng đang nỗ lực xin chính quyền Mỹ cho phép bán hàng với Huawei. Công ty Trung Quốc là hãng smartphone nhất trong quý 2 cũng như dẫn đầu thị trường viễn thông toàn cầu, một khách hàng rất lớn.

Theo tờ báo Nhật, nếu đơn xin cấp phép bị từ chối, cả hai sẽ đối mặt với rủi ro sụt giảm thu nhập. Sony là công ty số 1 ở thị trường cảm biến hình ảnh CMOS, trong đó gồm cả phân khúc cảm biến di động. Ước tính, Huawei chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu 9,5 tỷ USD của kinh doanh cảm biến. Khách hàng lớn nhất còn lại của Sony là Apple.

Trong dự báo tài chính gần nhất, Sony đã đặt mức suy giảm 45% lợi nhuận hoạt động của mảng cảm biến. Chủ yếu do sự suy thoái của thị trường smartphone khi đại dịch bùng phát, tuy nhiên, giới phân tích lo ngại tình trạng Huawei bị Mỹ đàn áp có thể đẩy ảnh hưởng đi xa hơn. Cảm biến hình ảnh hiện đang là "gà đẻ trứng vàng" của Sony, bên cạnh trò chơi điện tử và âm nhạc.

Còn Kioxia, tiền thân là Toshiba Memory, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi gián đoạn giao dịch với Huawei. Chip nhớ dành cho smartphone chiếm tới 40% trong doanh thu của công ty, và Huawei chiếm khoảng vài phần trăm tương ứng. Cũng vì căng thẳng Mỹ-Trung, công ty Nhật đã phải tạm hoãn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Tokyo.

Nikkei cũng cho biết, các doanh nghiệp châu Á từ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đã cung ứng 26,4 tỷ USD giá trị hàng hóa cho công ty Trung Quốc đầu năm nay. Nếu Huawei tiếp tục bị Mỹ trừng phạt, cả chuỗi cung ứng này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo Diễn đàn đầu tư