Sốc: TP.HCM đã có ca tử vong thứ 7 do sốt xuất huyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính từ đầu năm tới giờ, TP.HCM đã có 7 ca tử vong vì sốt xuất huyết, trong khi số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đều tăng cao đột biến so với các năm trước.
Sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tiếp tục hoành hành với số bệnh nhân tăng cao
Sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tiếp tục hoành hành với số bệnh nhân tăng cao

Tử vong vì không được cấp cứu kịp thời

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) sáng ngày 24/5 cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn đang có xu hướng gia tăng trong tuần 20 của năm 2022.

Theo số liệu từ HCDC, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 là 6.639 ca.

Trong tuần 20 (từ ngày 13/5 đến 19/5/20222) ghi nhận 943 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Cũng trong tuần 20, đã có thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Củ Chi. Như vậy, số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại TP.HCM đã là 7 trường hợp. Thông tin từ các bệnh viện cho hay, các ca tử vong do sốt xuất huyết đều không được nhập viện cấp cứu kịp thời.

TP.HCM đã triển khai chiến dịch hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết" lần thứ 12, bắt đầu từ ngày 15/5, nhằm tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Các hoạt động được tổ chức ở địa phương nhằm giảm nguồn sinh sản của muỗi, chủ động giảm mật độ muỗi khi mùa mưa đến.

HCDC và Sở Y tế cũng tăng cường truyền thông giúp người dân nhận biết sớm các triệu chứng hoặc những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong. Đặc biệt, quan trọng nhất là Thành phố tạo phong trào sâu rộng đến từng người dân, mỗi gia đình, trong việc chủ động tìm và xử lý các vật đọng nước - nơi sinh sản của muỗi vằn.

Móng tại công trình có nguy cơ chứa nước khi mưa xuống

Móng tại công trình có nguy cơ chứa nước khi mưa xuống

Một số vật liệu xây dựng và rác thải có nguy cơ đọng nước phát sinh lăng quăng

Một số vật liệu xây dựng và rác thải có nguy cơ đọng nước phát sinh lăng quăng

Ca mắc tay chân miệng liên tục tăng cao

Về dịch bệnh tay chân miệng, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 2.562 ca với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Trong tuần 20 ghi nhận thêm 882 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Số ca tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện và thành phố Thủ Đức. Các quận huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là Bình Tân, thành phố Thủ Đức, Tân Phú, Gò Vấp.

Các bác sĩ cho hay, tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Hiện nay bệnh vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, đây là bệnh lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Số ca mắc bệnh thường tăng cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-11.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng bóng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện trong thời gian gần đây có xu hướng tăng

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại bệnh viện trong thời gian gần đây có xu hướng tăng

Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp 3 sạch:

Bàn tay sạch: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày kể cả người lớn và trẻ em). Chú ý rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Ăn sạch: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi). Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.

Ở sạch: thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Ngoài ra, lưu ý không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.