TP.HCM:

Số mắc sốt xuất huyết tăng đột biến, đã có 5 người tử vong

VietTimes - Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM những ngày qua cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị do sốt xuất huyết tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.
Bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết đang gia tăng
Bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết đang gia tăng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP đã có 24.768 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca) và có 5 trường hợp tử vong gồm 3 người lớn, 2 thiếu niên.

Nhiều ca nặng và tử vong

Ghi nhận từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, tính từ tháng 5/2019 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 3.788 ca đến khám do mắc sốt xuất huyết và 1.551 ca nhập viện điều trị.

BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM – cho biết, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa mưa từ khoảng tháng 6, 7. Số lượng bệnh nhân tăng đỉnh điểm vào tháng 10, 11 và 12.

Tuy nhiên, năm nay dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn 1 tháng. Số ca mắc cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.

Trong tháng 6 vừa qua, Bệnh viện ghi nhận 2 trường hợp tử vong và 4 ca sốt xuất huyết nặng đang nằm tại khoa cấp cứu hồi sức, trong đó 2 ca dần hồi phục và 2 ca đang diễn tiến phức tạp phải thở máy, lọc máu, truyền máu.

BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM
BS.CKII. Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM

Ghi nhận tại Khoa Nhiễm D vào ngày cuối tuần, các buồng bệnh trở nên quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm dọc lối ra vào hành lang. Trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết tăng nhanh như hiện nay, Bệnh viện cũng tăng cường thêm 30 giường bệnh để tiếp nhận các ca điều trị nội trú.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đến từ các tỉnh lân cận, như: Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước,… cũng đến khám và điều trị tại Bệnh viện này.

Bệnh nhân Tôn Luyện (39 tuổi, ngụ tại xã Phú Mỹ, Bà Rịa –Vũng Tàu) chia sẻ: “Trong suốt 3 ngày nằm bệnh ở nhà, tôi luôn cảm thấy lạnh run, hai chân tê buốt. Sáng ngày kế tiếp, cơ thể nhức mỏi, chóng mặt và đau đầu khủng khiếp. Qua ngày thứ 4, gia đình liền đưa đến khám và nhập viện.”

Hết sốt, bệnh trở nên nguy hiểm!

BS. Thanh Phong cho biết: “Với các bệnh truyền nhiễm: viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng máu… hết sốt là mừng, nhưng riêng sốt xuất huyết thì hết sốt mới đáng lo. Thông thường từ 5-7 ngày trở về sau, bệnh nhân hết sốt và chuyển sang giai đoạn nguy hiểm.”

Về dấu hiệu nhận biết, trong 3-4 ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, da niêm sung huyết (da nổi ửng đỏ), lạnh run, nhức mỏi… Từ 5-7 ngày kế tiếp, các triệu chứng giảm dần nhưng bắt đầu xuất huyết niêm mạc, như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, có trường hợp nặng ói ra máu, đi ngoài phân đen, suy đa cơ quan … Đặc biệt, sốt xuất huyết suy đa cơ quan có tỷ lệ tử vong rất cao.

Đối tượng béo phì, bệnh nhân có bệnh mãn tính đi kèm: tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim… có nguy cơ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm hơn. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có nguy cơ sinh non, sẩy thai.

Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến, bệnh viện bố trí thêm giường nằm dọc lối ra vào hành lang
Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến, khiến Bệnh viện quá tải

Để phân biệt giữa sốt xuất huyết và sốt phát ban, BS. Phong cho hay: “Thông thường người bệnh lầm tưởng giữa sốt xuất huyết và sốt phát ban. Tuy hai loại bệnh này đều là nhiễm siêu vi, nhưng triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và diễn tiến của bệnh khác nhau.

Các dấu hiệu chung khiến người bệnh dễ nhầm lẫn là sốt, đau cơ, đau đầu,… Sốt phát ban thì có da nổi ban rải rác toàn thân, còn sốt xuất huyết là da niêm sung huyết hoặc xuất huyết. Diễn tiến sốt phát ban tự khỏi sau 5-7 ngày, riêng sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng vào ngày 5-7 của bệnh.

Để xác định chính xác giữa hai loại sốt này, người bệnh cần làm xét nghiệm máu. Nếu kiểm tra NS1 (kháng nguyên) = dương tính (từ ngày 1-4 của bệnh sốt xuất huyết), bệnh nhân sẽ có kế hoạch theo dõi cụ thể.”

Trong giai đoạn điều trị, bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

“Người bệnh cần uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu, nghỉ ngơi và vệ sinh nơi ở thoáng mát. Đặc biệt, không sử dụng thức ăn màu đỏ đậm. Nếu bệnh nhân ăn thực phẩm màu đỏ, khi nôn ra thì dễ nhầm lẫn với máu” – BS. Phong cho biết.

Hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có diễn tiến thuận lợi và tự khỏi, nhưng một số trường hợp diễn tiến phức tạp, dẫn đến tử vong. BS. Phong khuyến cáo, khi có các triệu chứng sốt xuất huyết, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc uống và điều trị tại nhà.

Để giảm tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết tại cộng đồng, BS. Phong nhấn mạnh, vấn đề này cần sự phối hợp của nhiều ngành chức năng: trung tâm y tế dự phòng, chính quyền địa phương, phường, xã. Các tổ dân phố thường xuyên tổ chức buổi giao lưu truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân.

Mục đích chủ yếu tác động vào nhận thức của mọi người, từ đó thể hiện bằng hành động thực tiễn: diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy), không còn ao tù, nước đọng trong chum, vại… Hãy để mỗi người dân là một thành viên phòng chống sốt xuất huyết.