Nắng nóng đi tắm biển, cảnh giác kẻo bị sứa “tấn công”

VietTimes – Với thời tiết nắng nóng kinh hoàng như đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, bãi biển là địa điểm lý tưởng được các gia đình lựa chọn để xua tan cái oi bức mùa hè. Tuy nhiên, tình trạng sứa “tấn công” khi đi du lịch biển vẫn đang diễn ra tại nhiều bãi tắm, gây nhiều hậu quả đe dọa sức khỏe của mọi người.
Vết thương do sứa cắn bị mẩn đỏ, ngứa rát
Vết thương do sứa cắn bị mẩn đỏ, ngứa rát

Trong tháng 6 vừa qua, nhiều du khách tắm ở khu vực bãi biển Thuận An (TP.Huế) bị nổi mẩn đỏ, ngứa rát, đặc biệt đã có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Tại các bãi biển Ninh Chữ (Ninh Thuận), Hồ Cốc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng như ở Nha Trang, nhiều du khách đang “than trời” khi gặp phải tình trạng tương tự.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sứa lửa đang vào mùa phát triển mạnh trôi dạt vào bờ, nhiều người vô tình chạm phải gây ra sưng đỏ, bỏng rát.

 “Cuối tuần vừa qua, khi xuống tắm biển tại Vũng Tàu, tôi phải hốt hoảng chạy lên bờ sau 20 phút tắm vì có cảm giác châm chích ở vùng cẳng tay và cổ. Tưởng đơn giản dị ứng do nước biển bẩn, gãi mạnh vùng ngứa thì càng lan rộng, phồng rộp.

Khi quay trở về, ngay lập tức đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám, tôi mới biết bị sứa biển cắn, phải liên tục điều trị. Một số vết thương sâu hiện vẫn chưa lành và có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ” -  chị Nguyễn Hoài Trang (Phường 19, Quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ.

Theo BS. Nguyễn Thị Bích Huê - quyền Chủ nhiệm Khoa Da liễu, Bệnh viện Quân Y 175 - cho biết: “Đây là thời điểm sứa biển sinh sản ở nhiều bãi tắm. Đó là lý do gây nên các bệnh lý ở da do tiếp xúc với sứa biển. 

Nắng nóng đi tắm biển, cảnh giác kẻo bị sứa “tấn công” ảnh 1

BS. Nguyễn Thị Bích Huê

Sứa biển chứa nhiều độc tố. Trong đó, độc tố manotocyste nằm ở xúc tua của sứa, khi tiếp xúc với da sẽ xuất hiện các biểu hiện ở da.”


Về biểu hiện xuất hiện ngay khi tiếp xúc với sứa, “trường hợp nhẹ thì nạn nhân chỉ bị ngứa và nổi các nốt đỏ ở da. Vết thương thường dạng thẳng hoặc xoắn, nổi bọng nước, bỏng rát dữ dội, đau nhức nhiều, ngứa nhiều.

Tuy nhiên, nếu nặng hơn thì có biểu hiện toàn thân, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng, như: khó thở, vã mồ hôi, đau đầu, nôn ói, tức ngực, tím tái, đau bụng, tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, huyết áp tụt… và có thể hôn mê hoặc tử vong” – BS. Bích Huê cho hay.

Theo BS để xử lý khi bị sứa biển cắn, nạn nhân cần nhanh chóng thực hiện những bước cơ bản dưới đây:

Trường hợp nhẹ: 

-  Sử dụng túi nilon hoặc đeo găng tay để gắp bỏ các xúc tu của sứa trên da (nếu có)

-  Làm sạch vết thương bằng cách sử dụng: nước biển, nước dấm, nước chanh pha loãng (không dùng nước nóng, nước ngọt khiến vết thương nghiêm trọng hơn)

- Hạn chế vận động ở khu vực bị thương

- Để giảm đau, nạn nhân có thể chườm lạnh lên vết thương khoảng một tiếng đầu tiên

- Bôi tại vết thương bằng giấm ăn, kem Corticoid, các thuốc kháng Histamin (như: Phenergan) hoặc uống các thuốc kháng Histamin (như: Cetirizil, Loratadin...) để giảm ngứa, giảm sưng

- Đưa nạn nhân đến các trung tâm da liễu để khám, theo dõi bởi vết thương do sứa cắn thường lâu khỏi và có thể tái phát ngứa trở lại

Tình trạng da mẩn đỏ, sau đó phồng rộp mụn nước khi vô tình chạm vào sứa
Tình trạng da mẩn đỏ, sau đó phồng rộp mụn nước khi vô tình chạm vào sứa

Trường hợp nặng: Nạn nhân có thể bị ảnh hưởng đến sinh mạng, như: nôn ói, huyết áp tụt, đau bụng, mệt... nên kịp thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tích cực.

Để phòng chống tình trạng trên, “người dân nên tránh tiếp xúc các bãi biển có nhiều sứa. Nếu tắm biển phát hiện cơ thể có cảm giác ngứa bất thường, cần lên bờ để kiểm tra ngay. Khi đi biển, hãy nhớ mang theo các thuốc chống ngứa dạng uống và thuốc bôi” - BS. Bích Huê khuyến cáo.