Sinh viên TQ kiếm tiền nhờ khen ngợi người khác trên mạng

Tự bỏ tiền để người khác khen mình đang là thú tiêu khiển được nhiều sinh viên Trung Quốc lựa chọn trong thời gian gần đây.

Trên các trang thương mại điện tử như Taobao, có tới hàng chục người bán dịch vụ. Người mua có thể bỏ ra khoảng 50 tệ (hơn 170.000 đồng) để được thêm vào các nhóm chat trên WeChat hay QQ. Sau khi vào nhóm chat, người mua sẽ được liên tục nhận những lời khen ngợi, tán dương từ thành viên trong nhóm.

Thời gian nhận lời khen tỉ lệ với số tiền bỏ ra. Nếu thích, người mua có thể yêu cầu lời khen dành riêng cho bạn bè, người thân của mình.

Nhiều nhóm trò chuyện trên WeChat xuất hiện để người dùng có thể nghe lời khen ngợi, động viên mình từ những người lạ. Ảnh: SCMP.

Phóng viên Xinmei Shen của SCMP đã thử bỏ ra 50 tệ để gia nhập một nhóm chat được đánh giá cao. Cô đã phải chờ tới hơn 1 giờ sau khi bỏ tiền mới được mời vào nhóm với hơn 130 thành viên. Chỉ sau vài giây, những lời khen đã tới tấp bay đến.

Dù vậy, cô Shen cho rằng có quá nhiều lời khen rập khuôn, thiếu sáng tạo. Cô muốn mọi người chú ý đến nhu cầu của mình, nhưng vì những lời khen cứ liên tiếp hiện lên, tin nhắn của cô hầu như không được chú ý đến. Chỉ sau vài phút, thời gian của cô đã hết và nhóm chat lại bắt đầu gửi lời khen tới một người dùng mới.

Không phải ai cũng có trải nghiệm tệ như vậy. Cô Meng Zha, sinh viên tại đại học Đồng Tế, Thượng Hải cho biết mình đã thử dịch vụ này và cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều sau khi nhận lời khen. Những người không hề quen biết trong nhóm chat khen ngợi cô với những từ ngữ rất hoa mỹ, thậm chí trích cả lời bài hát.

“Tôi ngồi trong lớp mà không thể nhịn cười khi đọc những lời khen này. Hi vọng là lần tới tôi cũng có thể khen người khác với những lời bay bướm như vậy”, cô Meng chia sẻ trên Straits Times.

Mức giá cho khoảng 5 phút nghe lời khen ngợi là 50 tệ, tương đương hơn 170.000 đồng. Ảnh: Taobao.

Trào lưu này bắt đầu rộ lên từ tháng trước tại các trường đại học ở Trung Quốc, sau khi những nhóm chat nhỏ giữa các sinh viên được lập ra để khen ngợi, cổ vũ và động viên tinh thần lẫn nhau. Hiện tại có hàng chục nhóm chat như vậy ở các trường đại học lớn như Phúc Đán, Thanh Hoa. Mỗi nhóm có tới hàng trăm thành viên.

Mỗi khi một người dùng trong nhóm có chuyện gì buồn, họ có thể chia sẻ vào nhóm và nhờ mọi người khác động viên, khen ngợi mình. Những phản hồi thường rất hài hước hoặc dí dỏm.

Khi một thành viên để quên ô trên xe bus, có người động viên “nhưng ít nhất bạn vẫn còn điện thoại và có thể chat trong này, thế là tuyệt rồi”.

Một người khác chia sẻ là mình không thể theo nổi môn tin học, và được phản hồi là “tâm hồn bạn quá trong sáng để hiểu được những thuật toán phức tạp đó”.

Các chuyên gia tâm lý đánh giá thích nghe khen ngợi là tâm lý chung của sinh viên Trung Quốc. Ảnh: Hexun.

Số tiền thu được sẽ được chia cho các thành viên trong nhóm chat. Với mỗi giao dịch, mỗi người chỉ nhận một khoản tiền rất nhỏ, chẳng đủ để uống nước. Tuy nhiên họ làm điều này chủ yếu cho vui.

“Tôi thấy trò này rất vui. Tôi cũng rảnh mà”, một sinh viên trong nhóm chat chia sẻ.

“Mọi người đều thích được khen và động viên. Trò chơi này giúp mọi người đều cảm thấy thoải mái”, một sinh viên khác kể lại trên SCMP.

Các chuyên gia cho rằng “nhóm động viên” có thể là một hình thức đối nghịch lại với “nhóm chửi bới”, một trào lưu vào năm ngoái cũng tại Trung Quốc. Người dùng sẽ lựa chọn nhóm của mình theo chủ đề, ví dụ chọn hệ điều hành iOS hoặc Android, hay đội bóng rổ Cavaliers hay Warriors.

Mặc dù núp dưới bóng là các nhóm tranh luận, thực tế hầu hết người dùng vào đây để mạt sát, chửi bới nhau. Một số thành viên sáng tạo thì làm hẳn những bài thơ, rap để chửi người khác.

Trước tình hình này, WeChat đã phải can thiệp. Họ cho biết đã nhận được nhiều báo cáo về tình hình xúc phạm lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm, thậm chí có nhiều nội dung vi phạm quy định.

“Chúng tôi luôn cổ vũ quyền tự do bày tỏ ý kiến trên WeChat, nhưng mọi người cần phải làm việc đó một cách hợp lý”, WeChat viết trong một bài viết trên blog vào tháng 6/2018.

Giáo sư tâm lý đại học Phúc Đán, bà Chen Kan cho biết các nhóm động viên trở thành trào lưu, sau đó được nhiều người khai thác kiếm tiền bởi nó đánh đúng vào tâm lý muốn được động viên, khen ngợi của sinh viên Trung Quốc. Tuy nhiên các sinh viên chỉ nên coi đây là trò vui chứ không nên quá tin vào những lời khen ngợi.

“Ai cũng muốn được khen, nhưng nghe những lời khen ngợi và động viên quá nhiều trên các nhóm này lại có thể phản tác dụng. Nguy cơ lớn nhất là người dùng có thể quá tin vào các lời khen và quên mất đi khả năng thật của mình”, bà Kan nói trên China Daily.

Theo Zing

http://news.zing.vn/sinh-vien-tq-kiem-tien-nho-khen-ngoi-nguoi-khac-tren-mang-post927678.html