Chỉ riêng trong 2 năm 2015 và 2016, thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho thấy, đã phát hiện được 22 cơ sở có vi phạm (trên tổng số 99 cơ sở được thanh tra, chiếm xấp xỉ 22,2%), xử phạt 352 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm được xác định gồm giấy phép tiến hành công việc bức xạ; vi phạm về kiểm xạ; vi phạm quy định về chuyển giao nguồn phóng xạ ra khỏi đơn vị; vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ; vi phạm các quy định về an ninh nguồn phóng xạ dẫn đến làm mất nguồn phóng xạ…
Vì vậy, sắp tới Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ; thống kê thực trạng sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ có bức tranh tổng thể về tình hình đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ trong quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý về an toàn bức xạ hạt nhân đối với các đơn vị sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản gửi các địa phương trên để xây dựng đề cương, kế hoạch; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại một số địa phương (dự kiến vào cuối tháng 7, đầu tháng 8). Tại một số địa bàn trọng điểm, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ phối hợp với địa phương triển khai điểm một số cuộc thanh tra với đối tượng cụ thể.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổng hợp kết quả, tổ chức tổng kết, đánh giá trong quý IV/2017.
Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia. Theo đó, thông tin sự cố xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam được tiếp nhận qua hệ thống tiếp nhận thông tin 24/7 đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thông tin sự cố xảy ra bên ngoài biên giới Việt Nam có nguy cơ tác động ảnh hưởng đến an toàn đối với con người, môi trường của Việt Nam sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận thông qua Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), kênh trao đổi song phương giữa các quốc gia hoặc từ hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi tiếp nhận thông tin sự cố sẽ triển khai xác minh tính chính xác của thông tin; đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự cố, làm căn cứ đề xuất triển khai ứng phó sự cố cấp quốc gia và yêu cầu trợ giúp quốc tế.
Trường hợp cần thiết triển khai ứng phó sự cố cấp quốc gia hoặc yêu cầu trợ giúp quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn để quyết định.