Sẽ tăng cường toạ đàm trực tuyến giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp

VietTimes -- Chính phủ yêu cầu tăng cường tổ chức đối thoại, tọa đàm trực tuyến giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong thực thi chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, tạo đồng thuận xã hội.
Tăng cường tọa đàm trực tuyến để giải toả các lo ngại một cách công khai, minh bạch. Ảnh minh hoạ: VGP
Tăng cường tọa đàm trực tuyến để giải toả các lo ngại một cách công khai, minh bạch. Ảnh minh hoạ: VGP

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 117 phiên họp thường kỳ tháng 10/2017. Tại Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh  tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công đã được chú trọng triển khai; môi trường kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 14 bậc, từ vị trí thứ 82 lên vị trí 68/192 nền kinh tế; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng khá…

Trong 2 tháng cuối năm 2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, bằng lòng; phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, chủ động theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt hành động, thúc đẩy thực hiện động bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ  và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2017.

Đáng chú ý, đối với Bộ TT&TT, Chính phủ yêu cầu Bộ tập trung chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin trong Nhân dân để cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017; tích cực tuyên truyền kỷ cương, phép nước, văn hóa, đạo lý. Kiểm tra, ngăn chặn, phản bác kịp thời các thông tin sai sự thật gây phương hại đến an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Riêng về tình hình triển khai thực hiện các kênh đối thoại, tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 nêu rõ, công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ  thời gian qua đã được đông đảo người dân và doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế như: việc trả lời phản ánh kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm hoặc trả lời chưa được thấu đáo; bên cạnh đó có nhiều nội dung phản ánh, kiến nghị không phù hợp, có tính chất tiêu cực.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và thực hiện nghiêm Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 574 ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời việc xử lý phản ánh kiến nghị và trả lời của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Chính phủ yêu cầu Cổng Thông tin điện tử Chính phủ công khai, minh bạch tình hình tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; tăng cường tổ chức đối thoại, tọa đàm trực tuyến giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong thực thi chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, tạo đồng thuận xã hội.

Bộ TT&TT được Chính phủ yêu cầu chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền về kênh đối thoại, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, những điển hình tích cực trong xử lý, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.