Tờ Nikkei Asian Review cho biết Nhà Táo đã bắt đầu yêu cầu các nhà sản xuất của mình hỗ trợ thử nghiệm việc sản xuất AirPods tại Việt Nam. Đây là một phần trong kế hoạch đa dạng hóa sản xuất dòng sản phẩm điện tử tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Công ty Goertek (Trung Quốc), một trong những nhà sản xuất hợp đồng quan trọng của Apple, cũng cho biết trong một thông báo gần đây rằng hãng sẽ bắt đầu thử nghiệm khả năng của các quy trình sản xuất thế hệ AirPods mới nhất tại nhà máy ở miền bắc Việt Nam. Sự kiện này cũng đánh dấu việc lần đầu tiên công ty sản xuất tai nghe không dây ngoài Trung Quốc.
Airpods được tung ra thị trường lần đầu vào năm 2016, đây là sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Apple với 35 triệu lô hàng được xuất xưởng vào năm 2018, tăng 43% so với 20 triệu lô hàng trong năm 2017.
Ảnh: Kr-Asia
|
Apple đã viết một bức thư cho các nhà cung cấp linh kiện của mình, yêu cầu được hỗ trợ cho Goertek mặc dù số lượng sản xuất ban đầu rất nhỏ, theo Nikkei tiết lộ. Giá của thiết bị sẽ không thay đổi trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Nó chỉ được xem xét sau khi số lượng lô hàng sản xuất tăng lên.
Apple từ lâu đã sản xuất EarPods truyền thống (loại có dây) tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, AirPods vẫn chỉ được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp như Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek. Hiện Nhà Táo vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về kế hoạch sản xuất mới của AirPods.
Tuy nhiên, động thái khởi động sản xuất thử nghiệm, thường là dấu hiệu dự báo cho sự sản xuất hàng loạt tại Việt Nam xuất hiện khi Apple mở cuộc thăm dò với các nhà cung cấp rằng mình dự định chuyển 15% đến 30% dây chuyền sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ mất dần vị thế “công xưởng của thế giới” do các đợt trả đũa bằng thuế quan từ cả hai phía.
AirPods là tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới, với 60% thị phần và chính nó cũng mở ra một danh mục điện tử tiêu dùng mới khi chúng được ra mắt lần đầu tiên vào cuối năm 2016. Samsung, Huawei và các thương hiệu âm thanh truyền thống khác như Jabra và Bose đều đã chạy đua để cho ra mắt tai nghe không dây nhằm cạnh tranh với Airpod. Các lô hàng tai nghe không dây trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 48 triệu đôi trong năm 2018 lên 129 triệu đôi vào năm 2020, theo công ty phân tích Counterpoint.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng này đã tạo cho Apple thêm động lực để đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản xuất AirPods ra bên ngoài Trung Quốc mà không nhất thiết phải giảm số lượng tại đây.
Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan cho biết: "Rất có khả năng Apple sẽ áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" – một trong những nỗ lực đa dạng hóa của Bắc Kinh". Điều đó có nghĩa là công ty sẽ tăng sản lượng ở các nước bên ngoài Trung Quốc mà không giảm đáng kể sản lượng Trung Quốc khi bắt đầu kế hoạch đa dạng hóa này.
Dù có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhưng hiện tại Táo Khuyết vẫn giảm sản lượng sản xuất tại quốc gia tỷ dân này. Ảnh: Nikkei Asian Review
|
“Việc giảm sản lượng sản xuất tại Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay thực sự quá nhạy cảm với Apple cũng như đối với các nhà cung cấp”, ông Chiu nói. "Hơn nữa, đa phương hóa ban đầu sẽ liên quan đến việc vận chuyển một số hàng hóa bán thành phẩm đến địa điểm mới và sau đó lắp ráp tất cả những thứ này lại với nhau chứ không phải thực hiện tất cả các công đoạn từ đầu đến cuối".
Trung Quốc vốn là “công trường sản xuất” chính của Apple trong nhiều thập kỷ gần đây, hỗ trợ “người khổng lồ” trên nhiều mặt như nhà máy, cơ sở hạ tầng và nhân lực. Sự hiện diện của Apple đã tạo ra một chuỗi cung ứng chất lượng cao và được kết nối chặt chẽ, có khả năng huy động hàng trăm ngàn công nhân lành nghề và linh kiện trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh lại đang khiến Apple cảm thấy “bất an” vì nhiều lý do cộng hưởng. Tỷ lệ sinh thấp, chi phí lao động gia tăng cùng với cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến Apple phải xem xét lại sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc.
Theo Nikkei nhận định, Việt Nam đang nổi lên như một địa điểm sản xuất lý tưởng với các lợi thế như gần gũi với Trung Quốc về mặt địa lý, chi phí thấp và có nhiều tay nghề cao hơn.
Tuy nhiên, chỉ với 95 triệu người (gần bằng 1/10 dân số Trung Quốc), lực lượng lao động của Việt Nam sẽ bị hạn chế, có dấu hiệu thiếu hụt lao động tay nghề cao tiềm năng và chi phí lương có thể tăng lên khi nhiều công ty chuyển đến để thoát khỏi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
“Nhiều doanh nghiệp đang chuyển hoặc tăng sản xuất tại Việt Nam để tránh thuế quan vì gần Trung Quốc và nơi đây có chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh so với các nước Đông Nam Á khác”, chuyên gia phân tích về thị trường Karen Ma tại Viện nghiên cứu công nghiệp công nghệ ở Đài Loan nhận định.
Theo Nikkei Asian Review