Cụ thể, theo thiếu tướng Võ Hồng Thắng, 17 doanh nghiệp quân đội này có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng kết hợp với lao động sản xuất.
Đồng thời, trong đề án sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng còn có 12 doanh nghiệp sẽ cổ phần với trên 50% vốn do Nhà nước nắm giữ. Các này vừa sản xuất, kinh doanh nhưng có nhiệm vụ sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng hay chịu sự điều động của Bộ khi có yêu cầu, hoặc khi xảy ra chiến tranh.
Theo thiếu tướng Thắng, quân đội sẽ thoái hết vốn tại những doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần như xây dựng, thương mại, dịch vụ...
Hiện nay, đề án sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội đã được báo cáo Chính phủ và chờ thông qua để triển khai. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này, ngoại trừ một số vấn đề cần bảo mật thì sẽ công khai đề án này.
Thiếu tướng Thắng khẳng định, trong hoạt động, doanh nghiệp quân đội không được hưởng bất cứ ưu tiên nào. Ông cho biết, các doanh nghiệp quân đội đều bị tính đủ chi phí, hoạch toán như doanh nghiệp khác và cũng phải cạnh tranh như doanh nghiệp khác. Hàng năm, doanh nghiệp quân đội đều bị thanh tra, kiểm toán về tình hình sản xuất, tài chính…. Lợi thế của doanh nghiệp quân đội sản phẩm được người dân tin tưởng hơn – thiếu tướng Thắng tự tin.
Về số lượng, sau 16 năm, số lượng các doanh nghiệp quân đội đã giảm từ 305 doanh nghiệp (năm 2000) xuống còn còn 88 doanh nghiệp (năm 2016).
Về kết quả hoạt động, doanh nghiệp quân đội phát triển tốt, đảm bảo tốt việc làm và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2016, các doanh nghiệp quân đội đạt doanh thu 345.124 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 43.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 40.273 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu doanh nghiệp quân đội ước đạt 189.000 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng đạt 52% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước trên 21.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch. Hiện, tổng số lao động của các doanh nghiệp quân đội là 185.000 người, thu nhập bình quân đạt trên 11,8 triệu đồng/người/tháng.