Vậy mà một sơ sở tư nhân không có chức năng, nhưng vẫn cho ra đời hàng loạt đồng hồ điện mang thương hiệu cơ quan chủ quản ngành điện, có dán tem bảo hành rồi cung cấp ra thị trường.
Qua theo dõi, nghi vấn cơ sở kinh doanh Minh Ngọc (đường Nguyễn Văn Luông, P12Q6) sản xuất hàng giả, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CSĐTTP về TTQLKT&CV) Công an quận 6 kết hợp với công an phường, tiến hành kiểm tra hành chính lúc 11 giờ ngày 9-4-2015. Kết quả, đơn vị phát hiện cơ sở này đang sản xuất rất nhiều công tơ điện mang thương hiệu Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex Emic). Bước đầu, Đội CSĐTTP về TTQLKT&CV lập biên bản, bảo vệ hiện trường sản xuất và mời đơn vị có thẩm quyền là Gelex Emic đến thẩm định.
Đại diện Gelex Emic cho biết, cơ sở này không phải chi nhánh của tổng công ty, hàng thành phẩm đều làm giả sản phẩm của Gelex Emic. Từ cơ sở trên, Đội CSĐTTP về TTQLKT&CV đã lập biên bản, tạm giữ hơn 300 đồng hồ điện thành phẩm, hàng chục bao nguyên liệu, thiết bị dùng để sản xuất đồng hồ điện, 50 tờ tem kiểm định chất lượng và nhiều loại máy mài, in lụa, phun sơn, đánh bóng... dùng để sản xuất đồng hồ điện.
Cơ sở Minh Ngọc do Phan Thị Ngọc (SN 1980, ngụ P12Q6) đứng tên giấy phép kinh doanh, có chức năng gia công, sửa chữa đồ điện gia dụng. Làm việc với công an, Ngọc cho biết chỉ đứng tên trên giấy phép, mọi hoạt động của cơ sở đều do chồng là Hoàng Quốc Thịnh điều khiển. Cơ sở Minh Ngọc là căn nhà một trệt một lầu, có thêm gác suốt. Tại thời điểm bị kiểm tra, cả ba khu vực trên đều ngổn ngang máy móc dùng để sản xuất công tơ điện theo quy trình khép kín.
Thịnh khai khoảng một năm trước, có một người bạn cho biết thương hiệu đồng hồ điện của Gelex Emic đang có uy tín lớn trên thị trường, nên hướng dẫn cho Thịnh cách thu gom đồng hồ điện cũ và nguyên liệu trôi nổi về làm giả. Thịnh làm theo và sản xuất ra hai loại đồng hồ công tơ điện với bốn loại giá thành khác nhau là 30.000 đồng, 40.000 đồng, 55.000 đồng và 60.000 đồng rồi cung cấp ra thị trường. Các linh kiện khác như hộp nhựa ốp, giấy nhãn, niêm chì... đều được đặt hàng tại các điểm in ấn, sản xuất hàng nhựa.
Tự hoàn thành mọi công đoạn cho một công tơ điện, nhưng trên bao bì và mặt chính của đồng hồ, sản phẩm của Thịnh vẫn đàng hoàng mang hàng chữ: “Công tơ điện 1 pha 2 dây”, sản xuất tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam. Sở hữu của Công ty Điện lực 2. Trụ sở sản xuất kinh doanh: Trần Nguyên Hãn với hai số điện thoại liên lạc. Có lôgô ISO 9001 và tem bảo hành hẳn hoi. Với tem bảo chứng như trên, chắc chắn nhiều người tiêu dùng sẽ mua trúng hàng giả mà không biết.
Cơ sở Minh Ngọc có năm công nhân, tuổi đời đều rất trẻ, trình độ học vấn thấp, chấp nhận hưởng lương 3 triệu đồng một tháng. Chính các “kỹ sư” này đã lắp ráp ra hàng loạt công tơ điện, cung cấp ra thị trường nên càng cho thấy mức nguy hiểm, đáng lo ngại của nó.
Theo nhiều người dân trong khu vực, mặc dù có nhân công làm việc nhưng thời gian gần đây, cơ sở này thường cửa đóng then cài, làm việc kín đáo bên trong, nên không ai biết cụ thể họ đang sản xuất mặt hàng gì. Khi công an xuất hiện, phanh phui, mọi người mới vỡ lẽ họ đang làm giả đồng hồ điện trái phép.
Theo CATP