TMĐT giải bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa
Gia đình chị Nga cũng như nhiều hộ sản xuất nông nghiệp khác tại địa phương này đang từng bước làm quen với thương mại điện tử (TMĐT) với mong ước khi “4.0” len lỏi vào từng vườn cam sẽ mang theo những cơ hội phát triển chưa từng có.
Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel - doanh nghiệp sở hữu nền tảng TMĐT Vỏ Sò - là một trong những đơn vị tham gia chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021 (VDA 2021), ở lĩnh vực doanh nghiệp thương mại chuyển đổi số xuất sắc.
Nhắc đến cam Cao Phong, chị Nga luôn nói với giọng đầy tự hào: “Cam Cao Phong có màu vàng rám nắng, không sáng chói như các nơi khác. Đó là đặc trưng của thời tiết, ngày nắng nhưng đêm se lạnh, sáng sớm lại có sương. Thời tiết Cao Phong tạo ra sự khác biệt, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho trồng cam. Chính vì thế, quả cam Cao Phong có hương thơm đặc trưng gợi nhắc tới tinh hoa của đất trời xứ Mường, khi ăn vị ngọt thanh không gắt”.
Gia đình chị Nga có truyền thống trồng cam lâu đời. Những quả cam sai trĩu cành, những tán lá xanh mướt còn đọng hơi sương gắn liền với tuổi thơ khi theo chân bố mẹ lên đồi thu hoạch quả chín luôn thôi thúc chị tìm cách phát triển bứt phá sản vật quê hương.
Là nông sản đã tạo được chỗ đứng trên thị trường nên hàng năm, đều đặn vào vụ cam Cao Phong, thương lái từ khắp nơi đổ về Hoà Bình thu mua và tiêu thụ cam trên toàn quốc.
Những trái cam Cao Phong tươi được đóng thùng ngay tại vườn. |
Dẫu vậy, giá thu mua không ổn định, câu chuyện được mùa mất giá đến hẹn lại lên. Thêm vào đó, 2 năm gần đây, tác động của dịch COVID-19 khiến lượng tiêu thụ cũng co hẹp. Thực tế này đặt ra yêu cầu, muốn giữ được thương hiệu cam Cao Phong phát triển bền vững thị trường trong nước và mở rộng ra là xuất khẩu cần có cách tiêu thụ, quảng bá mới. Thương mại điện tử là lời giải cho bài toán trên.
Mang sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt thông qua nền tảng TMĐT, Viettel Post nhanh chóng triển khai các chương trình giúp bà con nông dân Hoà Bình tiếp cận TMĐT. Tại địa bàn huyện Cao Phong, Chi nhánh Viettel Post Hòa Bình phối hợp với sàn TMĐT Vỏ Sò (Viettel Post) thực hiện đồng loạt các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh nói chung như chanh, bưởi, trứng gà, chè… và đặc biệt là cam Cao Phong, mặt hàng chủ lực của địa phương thông qua sàn TMĐT Vỏ Sò.
Hành trình dài vượt khó “công nghệ”
Thời gian đầu, chị Đào Quỳnh Nga cho biết: “Chúng tôi đã nghe về TMĐT đã lâu. Ban đầu các thành viên trong hợp tác xã Hùng Khoa không tin Viettel Post có thể hỗ trợ bà con tiếp cận TMĐT thành công. Hơn nữa, không phải hộ sản xuất nào cũng muốn bán trên sàn TMĐT bởi thương lái thường đến nhà vườn mua sản lượng rất lớn với một giá chung trong khi bán trên sàn TMĐT sản phẩm đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn”.
Là người con lớn lên trên đất Mường Hoà Bình và luôn ấp ủ giấc mơ nâng tầm cam Cao Phong, chị Nga nhanh chóng nhận ra những tiềm năng mà TMĐT đem lại sau những cuộc tiếp xúc với nhân viên Viettel Post. Vì vậy, chị quyết định cùng Viettel Post thuyết phục bà con về cách làm mới. “Mưa dầm thấm lâu” kèm theo hiệu quả thực tế khi các đơn cam giao dịch thành công trên sàn Vỏ Sò đã giúp người dân trên địa bàn thêm tin tưởng. Các hộ nông dân trồng cam nói riêng cũng như các hộ kinh doanh nông sản khác nói chung hào hứng hơn với kênh tiêu thụ mới.
Chị Nga luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng: “Chỉ cần kiên trì, chắc chắn TMĐT sẽ là động lực đưa cam Cao Phong tiến xa đến thị trường quốc tế”. Tính đến nay, khi vụ cam Cao Phong bắt đầu vào mùa, hơn 4 tấn cam Cao Phong đã được tiêu thụ qua sàn TMĐT Vỏ Sò.
Chốt đơn thành công trên sàn là một hành trình dài vượt khó “công nghệ” của người nông dân Hoà Bình. Bởi theo như lời chia sẻ của Giám đốc Chi nhánh Viettel Post Hoà Bình Nguyễn Thị Thu Hiền: “Trong các hộ trồng cam phần lớn là các bác lớn tuổi nên chúng tôi phải hướng dẫn cách họ trả lời tin nhắn khi phát sinh đơn hàng, cách quảng cáo gian hàng để nhiều người biết tới, hướng dẫn cách đăng chi tiết sản phẩm lên sàn, tạo gian hàng, tạo kho, chỉnh sửa giá, cũng như cách chụp ảnh sao cho đẹp nhất,… Những người nông dân vốn chỉ quanh quẩn với cây cỏ, trình độ tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế nay làm quen với chiếc điện thoại thông minh không phải dễ dàng gì”.
Đại diện Viettel Post cho biết luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn bà con tiếp cận TMĐT một cách chuyên nghiệp và bài bản. |
Trước khi vụ cam bắt đầu, nắm bắt tâm lý bà con qua những lần thực tế xuống nhà vườn, cán bộ công nhân viên Viettel Post đã lên kế hoạch rõ ràng, vận động, hướng dẫn người nông dân tham gia bán hàng trên sàn TMĐT. Cùng với cách thức “cầm tay chỉ việc” tại chính vườn cam, Viettel Post Hoà Bình phối hợp với sàn TMĐT Vỏ Sò cùng lãnh đạo địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn về TMĐT cho 3 nhóm đối tượng khác nhau. Qua đó, đưa ra những giải đáp cụ thể trước thắc mắc của từng đối tượng.
Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ bà con tại địa phương, Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Đồng hành cùng bà con để bà con yên tâm, tin tưởng là rất quan trọng. Bất cứ khi nào người dân vướng phải thắc mắc gì, chúng tôi ngay lập tức hỗ trợ. Nếu không thể giải quyết bằng cách hướng dẫn hay giải thích trực tuyến, chúng tôi sẽ xuống trực tiếp nhà vườn”.
Để tăng cường quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cam Cao Phong, Viettel Post Hoà Bình treo các băng rôn và tấm quảng cáo chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ cam cao phong” tại bưu cục, cửa hàng Viettel trên toàn tỉnh. Đặc biệt, Chi nhánh cũng kết hợp với sàn Vỏ Sò và Công ty Công nghệ Bưu chính Viettel chạy quảng cáo sản phẩm; truyền thông trên các ứng dụng ViettelPost, My Viettel,…
Trao đổi với VietTimes, đại diện Viettel Post cho biết luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn bà con tiếp cận TMĐT một cách chuyên nghiệp và bài bản để người nông dân có hướng phát triển bền vững trong bối cảnh nông nghiệp 4.0. Đại diện sàn TMĐT Vỏ Sò Trần Trung Kiên khẳng định: “Viettel Post, Vỏ Sò đã có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi hoàn toàn có khả năng giúp người nông dân Hoà Bình giải quyết bài toán đầu ra về tiêu thụ nông sản qua kênh TMĐT”.
Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là giải thưởng danh giá, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sự đổi mới, đóng góp xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm hiện thực hoá khát vọng Chuyển đổi số của Việt Nam.
Đây là Giải thưởng thường niên và uy tín, do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức, VietTimes tổ chức thực hiện, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Giải thưởng sẽ được trao vào trung tuần tháng 12/2021.