Thời cơ rất lớn, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế-xã hội tháng 1/2019 chuyển biến tích cực, là bước khởi đầu thuận lợi để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã được đề ra.
Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động, văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó khẳng định quyết tâm cao thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho năm 2019.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân năm 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kinh tế-xã hội tháng 1/2019 nhìn chung phát triển tích cực, lành mạnh. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ.
“Thời cơ của chúng ta rất lớn, các ngành, các địa phương phải sẵn sàng đón nhận”- Thủ tướng nêu rõ.
Với chủ đề của năm 2019 là: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Thủ tướng chỉ đạo từng thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong 2 Nghị quyết được Chính phủ ban hành ngay đầu năm và chương trình hành động của từng bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, bám sát mục tiêu tại các kịch bản tăng trưởng; quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Không được chủ quan trước những biến động khu vực và quốc tế
Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam quá lớn (theo nghĩa hẹp, chỉ tiêu này được đo bằng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP), đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp.
Được biết, trong năm 2018, Việt Nam đã đạt kỷ lục về kim ngạch xuất nhập khẩu với con số lên tới 480 tỷ USD, tương đương với độ mở của nền kinh tế đạt 196%. Trước đó, vào năm 2017, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế mở nhất thế giới (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới - World Bank) khi chỉ tiêu này đạt tới 200%.
Nhận định việc chủ quan, sơ suất trong điều hành sẽ dẫn đến hậu quả lớn, Thủ tướng cũng yêu cầu từng đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành cần đặc biệt quan tâm, sâu sát chỉ đạo thực hiện từng chỉ tiêu đề ra đối với bộ ngành mình; thường xuyên giao ban, kiểm điểm hàng tháng về tình hình thực hiện các chỉ tiêu để có đối sách phù hợp, kịp thời trước những biến động trong nước và quốc tế.
Tập trung điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt, hiệu quả hơn, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Tín dụng cần được mở rộng và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng bất động sản và chứng khoán; phấn đấu hạ lãi suất cho vay để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; bảo đảm nguồn chi trả lương, chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nhập khẩu, kiểm soát nhập siêu theo mục tiêu đã đề ra. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ kiểm tra chuyên ngành. Tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trong đó chú ý đến cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp đạt 45 tỷ USD trong năm 2019; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ./.