Theo tờ Nikkei Asian Review, thông thường, Bộ Lao động Nhật Bản được yêu cầu thu thập dữ liệu của tất cả các công ty có từ 500 nhân viên trở lên để thực hiện bản khảo sát lao động hàng tháng (Monthly Labor Survey). Nhưng trong giai đoạn từ năm 2004 - 2017, chỉ có 1/3 số các doanh nghiệp thỏa mãn tiêu chí này được thực hiện khảo sát ở Tokyo.
Những công ty lớn thường trả nhiều hơn các công ty nhỏ, do đó, sự thiếu sót này sẽ làm giảm mức thu nhập ước tính trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động cũng thừa nhận dữ liệu khảo sát không chính xác khiến cho 19,7 triệu người mất khoảng 53,7 tỷ yên (490 triệu USD) cho các khoản lợi ích không được chi trả. Khoản tiền này cộng với chi phí cho việc cập nhật các hệ thống máy tính của Bộ lao động để khắc phục hậu quả sẽ khiến số tiền thiệt hại có thể lên tới 79,5 tỷ yên.
Sự nghiêm trọng của sai phạm này đã thúc đẩy giới chức nước này mở rộng cuộc điều tra lại 56 chỉ số thông kê kinh tế quan trọng cơ bản khác của Nhật Bản. Kết quả cho thấy có đến 40% (22/56 chỉ tiêu) trong số đó bị phát hiện sai sót. Sau khi đưa ra kết quả trên, Bộ Thống kê Nhật Bản tiếp tục kiểm tra 233 chỉ số thống kê khác của Chính phủ.
“Tokyo đang quay cuồng vì vụ bê bối liên quan tới sai lệch số liệu thống kê, điều này làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của chương trình kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe (Abenomics)” - tờ Nikkei Asian Review nhận định.
Theo đó, vụ việc làm dấy lên nghi ngờ về các đánh giá kinh tế của Chính phủ Nhật Bản, khiến người dân tỏ ra thất vọng về chính sách tiền lương và đẩy ông Abe vào tâm điểm của sự chỉ trích từ các đối thủ trước thềm cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới một số chỉ tiêu quan trọng khác của Nhật Bản.
"Độ tin cậy của các chỉ số thống kê, đặc biệt là GDP và các dữ liệu quan trọng khác, là khá thấp. Điều đó có vẻ là đúng ngay cả trước vụ bê bối này được phát hiện" - tờ Nikkei Asian Reivew dẫn lời ông Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế cao cấp tại JPMorgan Securities Nhật Bản cho biết.
"Đây là một cơ hội tốt để chính phủ nhận ra tầm quan trọng của việc thực hiện các thống kê một cách tốt hơn. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng đối với người dân Nhật Bản là hiểu và tin tưởng các chính sách của chính phủ” - ông Masamichi Adachi chia sẻ thêm.
Kết quả số liệu tăng trưởng tiền lương trước và sau khi được kiểm tra (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Tốc độ tăng trưởng tiền lương, một phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát 2% của Chính phủ Nhật Bản, đã được điều chỉnh xuống sau 11 tháng năm 2018. Trước khi thực hiện điều chỉnh, chỉ số này được cho là tăng 3,3% vào tháng 6/2018, nhưng sau đó đã giảm xuống chỉ còn ở mức 2,8%.
Sự thay đổi càng khiến sự nghi ngờ về khả năng đáp ứng mục tiêu lạm phát của chính phủ gia tăng hơn nữa. Các nhà hoạch định chính sách đã lập luận rằng việc tăng lương làm tăng sức mua của người tiêu dùng và đẩy giá cả hàng hóa lên cao, nhưng các điều chỉnh giảm cho thấy các hộ gia đình có thu nhập khả dụng ít hơn so với trước đây.
Trước đó, Chính phủ của ông Abe cũng đã có một số động thái để xử lý vấn đề.
Vào đầu tháng 1, nội các của ông đã phê duyệt bổ sung thêm 650 triệu yen vào ngân sách cho năm tài chính tiếp theo để trang trải các chi phí sửa chữa sai lầm. Khoảng 22 quan chức, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ lao động Takumi Nemoto, đã bị trừng phạt. Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập vẫn tỏ ra không hài lòng và lên án cách chính phủ xử lý vấn đề này.
Tại phiên điều trần trước quốc hội kéo dài hơn 9 giờ đồng hồ, các nhà lập pháp từ cả phe đối lập và liên minh cầm quyền đều cho biết Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi không thể để sự việc này tiếp tục xảy ra./.