Theo WSJ, Samsung đang tìm cách cắt giảm các dòng sản phẩm để tiết kiệm chi phí sản xuất. Họ đã thay thế chip xử lý mua từ Qualcomm bằng chip tự sản xuất, nhằm tăng lợi nhuận và tăng khả năng kiểm soát. Samsung cũng thiết kế lại dòng Galaxy S, cải thiện hình ảnh cao cấp để cạnh tranh với iPhone 6 và đầu tư mạnh vào các nhà máy ở những nước chi phí thấp như Việt Nam.
Samsung Electronics công bố rót 8,9 tỷ USD vào các nhà máy ở Việt Nam (tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM). Cùng với việc dự định chuyển hơn 20.000 máy cán kim loại đến các nhà máy tại Việt Nam, vừa qua Samsung cũng đề nghị được bố trí một nhà ga chuyên dụng, phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của hãng qua sân bay Nội Bài.
Được biết, hiện nay, khoảng 35% sản lượng điện thoại di động của Samsung cung ứng trên thị trường toàn cầu được lắp ráp và sản xuất tại các nhà máy của Samsung ở Việt Nam và con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 50% trong thời gian tới. Do đó nhu cầu mua linh phụ kiện trong nước của Samsung là rất lớn.
Theo thông tin trên báo chí, đã có 2 lần Samsung đưa đơn đặt hàng doanh nghiệp Việt các linh, phụ kiện.
Tuy nhiên, có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe... mà doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được hoặc không đáp ứng được điều kiện sản xuất của Samsung về công nghệ và giá thành.
Ở thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ có thể cung cấp cho Samsung các loại mặt hàng đơn giản như sản phẩm in ấn, bao bì... Thậm chí, số lượng doanh nghiệp Việt đáp ứng yêu cầu cũng rất ít.
Theo thông tin trên báo Hải quan vào tháng 10/2014, trong số 67 doanh nghiệp đang cung cấp nguyên vật liệu cho Samsung Electronics Việt Nam, có 4 doanh nghiệp của Việt Nam. Phần lớn linh phụ kiện ở Việt Nam cung cấp cho Samsung là do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất. Có tới 53/67 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc làm nhà cung cấp cho Samsung Electronics Việt Nam.
Có thể thấy, việc Samsung đưa máy móc sang Việt Nam để sản xuất điện thoại vỏ hợp kim nhôm như Apple là dấu hiệu chứng tỏ Samsung không muốn chờ đợi để song hành cùng với doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp những sản phẩm phụ trợ. Và điều này cũng đã được các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhiều lần lưu ý.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương từng trao đổi với Đất Việt rằng, Samsung đang áp đúng bài của cuộc chơi kinh tế thị trường và ở đó chắc chắn không có chuyện cầm tay chỉ việc và ép đối tác phải chờ đợi hay buộc phải mua sản phẩm của mình.
"Đây là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào được thì buộc phải có đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh so với các doanh nghiệp đang làm cùng Samsung. Khi đó cũng là sản phẩm đó, cung ứng ở trong nước, giá thành rẻ hơn, điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn thì không có lý do gì Samsung không lựa chọn”, TS Cung nói.
Thế nhưng, theo TS Cung, từ trước tới nay phần lớn doanh nghiệp trong nước (với những anh có ‘máu mặt’ trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước) lại quen làm ăn theo kiểu ký được một phi vụ nào đó, được nâng đỡ bằng các mối quan hệ nên ít khi phải va chạm với thị trường. Chính vì thế khi buộc phải tham gia vào cuộc chơi với sự cạnh tranh thực sự sẽ ngại thay đổi, không dám mạo hiểm.
Đồng quan điểm, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho rằng: “Không có nhà đầu tư nào có thể cam kết bằng mọi giá sẽ mua sản phẩm phụ trợ khi chưa biết rõ doanh nghiệp sẽ đáp ứng như thế nào.Trong thời đại khoa học kỹ thuật này việc đổi mới sản phẩm, công nghệ là đòi hỏi thường xuyên và chắc chắn nhà đầu tư sẽ có những lựa chọn tốt nhất cho họ và không có chuyện họ liều mình đánh đổi uy tín nếu thấy doanh nghiệp cung ứng sản phẩm trung gian chưa đạt được tiêu chuẩn họ đề ra.
Do đó không còn cách nào khác là các doanh nghiệp trong nước phải chuyển mình, chủ động tham gia vào cuộc chơi để nắm bắt cơ hội cũng như hưởng ưu đãi từ phía nhà nước để bứt phá".
Theo Đất Việt