Sắc lệnh của TT Trump: Đã đến lúc mạng xã hội phải chịu trách nhiệm cho những nội dung độc hại!

VietTimes – Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng cuộc chiến của ông đối với các mạng xã hội sau khi ký một sắc lệnh mới, làm dấy lên câu hỏi rất thực tế rằng liệu các công ty mạng xã hội có nên chịu trách nhiệm vì những nội dung sai lệch và xấu xa mà họ đăng tải hay không?
Tổng thống Trump cầm tờ New York Times, trả lời phỏng vấn, trong lúc ký sắc lệnh về các công ty mạng xã hội (Ảnh: CNBC)
Tổng thống Trump cầm tờ New York Times, trả lời phỏng vấn, trong lúc ký sắc lệnh về các công ty mạng xã hội (Ảnh: CNBC)

Đầu tiên phải thừa nhận rằng, bằng việc ký sắc lệnh về công ty mạng xã hội, Tổng thống Trump muốn phản ứng trước quyết định của Twitter dán nhãn xác minh thực tế (fact-check) đối với 2 đoạn tweet mà ông đưa ra có nội dung về bỏ phiếu qua email và quan ngại về việc Twitter có xu hướng thiên vị.

Tổng thống Trump cho rằng "thế độc quyền" các công ty công nghệ là "một trong những sự nguy hiểm lớn nhất" đối với tự do ngôn luận, nói rằng các công ty này có "những quan điểm" và "sức mạnh không được kiểm soát" khi tham gia vào quá trình kiểm duyệt.

Ai cũng biết là ông Trump đã khởi động cuộc chiến nhằm vào các công ty mạng xã hội giữa lúc thực hiện chiến dịch tái tranh cử, và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cướp đi hơn 100.000 sinh mạng người dân Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông nêu lên một vấn đề không hợp lý.

Theo Fox News, có một điều rất kỳ cục là Twitter lại lựa chọn chống lại các đoạn tweet của ông Trump, trong khi các đoạn tweet này chỉ đưa ra cảnh báo hợp lý rằng bỏ phiếu qua email có thể dẫn tới tình trạng gian lận bầu cử trên diện rộng.

Nhiều đảng viên Cộng hòa cũng như Dân chủ đều cho rằng lời cảnh báo của ông Trump có phần hơi quá, nhưng thực tế thì luận điểm mà ông đưa ra cũng là một dự báo mà lưỡng đảng từng đưa ra bởi vậy mà xét về mặt chính trị là có thể chấp nhận.

Trong khi đó, Twitter có xu hướng thiên vị khi thường xuyên đăng tải những nội dung "có khả năng sai lệch" dẫn từ các hãng CNN, NBC và Washington Post - vốn là những hãng tin mà ông Trump và các đồng minh của ông coi là có tư tưởng thù địch với ông.

Twitter đang phán xét sự thực?

Các đoạn tweet của ông Trump Twitter dán nhãn cảnh báo nội dung (Ảnh: BBC)
Các đoạn tweet của ông Trump Twitter dán nhãn cảnh báo nội dung (Ảnh: BBC)

Twitter có một vấn đề cố hữu, không giống như Facebook, công ty này chưa từng muốn chi tiền để xác minh các thông tin sai lệch hay các bài đăng có nội dung phỉ báng, bởi vậy mà việc họ dán nhãn fact-check đối với 2 đoạn tweet của ông Trump có thể bị coi là đang đặc biệt nhằm vào ông.

Ngay cả Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook - cũng nói với Fox News rằng bản thân anh không đồng tình với hành động trên của Twitter: "Tôi tin chắc rằng Facebook không nên biến thành bên phán xét đúng sai đối với mọi điều mà người ta nói trên mạng".

Một vấn đề lớn hơn đối với các nền tảng mạng xã hội như Twitter chính là việc họ bấu víu lấy ảo tưởng rằng họ là những nền tảng trung lập hơn so với phần lớn các hãng truyền thông hùng mạnh của thế giới. Người dùng mạng xã hội cung cấp cho họ vô số nội dung tự do, trong số này không thiếu những nội dung độc hại.

Bởi vậy, sắc lệnh mà Tổng thống Trump mới ký duyệt có mục đích là giải quyết vấn đề được gọi là "kiểm duyệt có chọn lựa" nhờ vào quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với nội dung người dùng đăng tải mà Twitter, Facebook, Google và nhiều nền tảng mạng xã hội khác đang được hưởng. Sắc lệnh mới sẽ gây sức ép để các công ty mạng xã hội này phải chi thêm nhiều nguồn lực để kiểm duyệt nội dung.

"Họ muốn 2 thứ - không có sự quản lý và không bị đánh thuế" - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói với đài MSNBC về các công ty mạng xã hội - "Họ chỉ có một mô hình kinh doanh để kiếm tiền, chứ không phải để truyền đạt sự thực".

Và ngay sau khi Mark Zuckerber chỉ trích Twitter bằng cách nói rằng ông không muốn công ty mình trở thành một "bên phán xét sự thực", Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey đã đáp trả. Dorsey nói rằng hành động của công ty ông "không thể biến chúng tôi thành "kẻ phán xét sự thực". Mục đích của chúng tôi là kết nối những phát ngôn mâu thuẫn và đưa ra thông tin đang gây tranh cãi để mọi người tự phán xét".

Dorsey cũng bác bỏ một số thông tin cho rằng Yoel Roth - người quản lý bộ phận đảm bảo liêm chính của Twitter - đã gọi ông Trump và đội ngũ của ông là "phân biệt chủng tộc" cùng nhiều cụm từ chỉ trích khác. Tổng thống Trump trong hôm 28/5 đã nói rằng Yoel Roth là một "kẻ thù hằn".

TT Trump đã đặt ra một câu hỏi thực tế

Tổng thống Trump nói
Tổng thống Trump nói "đây là một ngày vĩ đại đối với mạng xã hội và sự công bằng!" trên Twitter (Ảnh: NYPost)

Sắc lệnh mà ông Trump mới ký nhằm mục đích "gỡ bỏ hoặc thay đổi" điều khoản 230 của Đạo luật Truyền thông Đứng đắn (Communications Decency Act, CDA) vốn bảo vệ các công ty mạng xã hội khỏi chịu trách nhiệm pháp lý cho những nội dung mà người dùng của họ đăng tải.

Tổng thống Trump nói rằng Tổng chưởng lý Mỹ William Barr sẽ bắt đầu soạn thảo dự luật "ngay lập tức" để quản lý các công ty mạng xã hội.

Nhiều người lập tức chỉ trích sắc lệnh này, cho rằng nó sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ và sự tự do ngôn luận.

Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Google nói rằng "làm suy yếu Điều 230 theo cách này sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ và vị thế tiên phong toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực tự do Internet". Một phát ngôn viên của Facebook thì nói rằng việc tiêu hủy hoặc hạn chế Điều 230 sẽ tăng hạn chế ngôn luận trên môi trường mạng và khuyến khích các nền tảng mạng xã hội kiểm duyệt mọi thông tin có nội dung công kích người khác.

Nhưng trên thực tế, Điều 230 của Đạo luật CDA vốn đã chịu nhiều chỉ trích của giới lập pháp Mỹ vì những lý do khác nhau. Những nhà phê bình Điều 230 nói rằng nó cho phép các công ty Internet được tự do đăng tải nội dung mang tính chất thù hận, và nội dung ủng hộ các tổ chức khủng bố mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Các công ty mạng xã hội bấy lâu nay cũng chịu nhiều sức ép, cả ở Mỹ và các quốc gia khác, phải kiểm soát tốt hơn luồng thông tin sai lệch và nội dung độc hại xuất hiện trên nền tảng của họ.

Có thể nhiều người tin rằng việc ông Trump ký sắc lệnh mới là một hành động mang động cơ chính trị, nhưng thực tế ông đã đặt ra một câu hỏi xác đáng: Đã đến lúc các nền tảng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm cho những nội dung độc hại mà họ đăng tải?