Nhà nghiên cứu Christopher Balding, ĐH Fulbright Việt Nam, đã trích xuất dữ liệu từ hơn 590 triệu bản lý lịch bị rò rỉ trên mạng hồi năm ngoái để đưa ra kết luận trên. Với sự giúp đỡ từ 3 nhà nghiên cứu đến từ tổ chức phân tích Henry Jackson Society của Anh, ông Balding đã phát hiện ra lý lịch của nhiều nhân viên đang làm việc cho Huawei.
Lần mò trong số 65.000 bộ lý lịch khác nhau, các nhà nghiên cứu cuối cùng tìm được khoảng 25.000 bộ lý lịch thuộc về các nhân viên hoặc cựu nhân viên của tập đoàn viễn thông khổng lồ này.
Các nhà nghiên cứu sau đó tìm kiếm theo một số từ khóa nhất định - ví dụ như Quân đội Giải phóng Nhân dân. Từ đó, họ thu hẹp danh sách trên còn khoảng 100 người, tất cả đều có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực an ninh quốc gia.
Mối quan hệ giữa Huawei và các cơ quan Chính phủ Trung Quốc luôn là câu hỏi mà Mỹ muốn tìm kiếm, bởi họ cho rằng Huawei tiềm ẩn mối đe dọa tới an ninh quốc gia của nước Mỹ. Mỹ đến nay vẫn cáo buộc Huawei cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc các backdoor để theo dõi nước khác. Huawei đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và CEO Huawei Nhậm Chính Phi từng nói hồi tháng 3 năm nay rằng ông thà đóng cửa công ty còn hơn là đi do thám cho Chính phủ.
Ông Balding đã đăng tải dữ liệu lý lịch mà ông tìm kiếm được trên mạng Internet, nhưng điều chỉnh chúng để giữ kín danh tính của những cá nhân trên. Trong số này có bản lý lịch của một nhân viên phát triển sản phẩm của Huawei, trong đó mô tả người này từng làm đại diện cho Bộ An ninh Trung Quốc.
Theo ông Balding, kỹ sư phát triển sản phẩm này "có tham gia vào hoạt động cài đặt công nghệ hoặc phần mềm thu thập thông tin vào các sản phẩm của Huawei". Người này cũng tham gia vào việc "tích hợp khả năng can thiệp thông tin hợp pháp vào các trang thiết bị của Huawei" trong các dự án cả ở trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu mới mà ông Balding đưa ra chưa toàn diện và, trong một câu trả lời phản ứng trước một số chỉ trích về nghiên cứu trên, ông nói rằng nó không phải một văn bản học thuật. Ông Balding nói rằng ông không hề có dự định thực hiện một bản nghiên cứu toàn diện dù các nhà hoạch định chính sách đang cần thông tin về Huawei.
"Trong điều kiện lý tưởng, chúng tôi sẽ mất khoảng 6-12 tháng để thực hiện một bản nghiên cứu chuyên sâu và hoàn thiện. Thực tế là có nhiều nước đang phải đưa ra những quyết định quan trọng liên quan tới Huawei" - ông Balding viết.
Nghiên cứu trên xuất hiện chỉ 1 tuần lễ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gỡ bớt các lệnh cấm áp đặt với Huawei. Dù bản nghiên cứu mà ông Balding đưa ra không cung cấp đủ bằng chứng vững chắc rằng Huawei đang làm việc cho Chính phủ Trung Quốc, nhưng nó cũng đủ khiến cho giới chức Nhà Trắng - và nhiều nước khác - phải lưu tâm.
Phản ứng trước sự việc trên, một phát ngôn viên của Huawei đã nói với chuyên trang kinh tế Business Insider rằng: "Chúng tôi không thể xác nhận cái gọi là "Lý lịch nhân viên của Huawei" mà ông Christopher Balding công bố, sau khi kiểm tra sơ bộ. Bởi vậy, chúng tôi không thể công nhận tính xác thực của mọi thông tin được tung lên mạng".
Phát ngôn viên này thêm rằng, Huawei cũng kiểm tra sát sao các ứng viên từng có kinh nghiệm làm việc trong quân đội hoặc trong Chính phủ. "Trong quá trình tuyển dụng, các ứng viên này được đề nghị cung cấp thông tin chứng minh rằng họ đã chấm dứt mọi mối quan hệ với quân đội hoặc Chính phủ" - người này khẳng định.
"Huawei hiểu rõ về các mối quan ngại an ninh mạng trong thế giới số ngày nay. Chúng tôi hoan nghênh các bản báo cáo chuyên nghiệp và dựa trên thực tế về sự minh bạch của Huawei. Chúng tôi hy vọng rằng các văn bản nghiên cứu trong tương lai sẽ có ít đi những lời phỏng đoán trong phần kết luận, và tránh các tuyên bố chủ quan như Giáo sư Balding đưa ra" - phát ngôn viên này nói thêm.
Theo Business Insider
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu