Sáng nay (30/5), Bộ Văn hòa, thể thao và du lịch phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà”.
Tại buổi Tọa đàm xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới trên cơ sở lưu trú Bán đảo Sơn Trà của Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng.
Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trương Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, kiến nghị này có thể dẫn đến một số hệ quả lớn, như các dự án dang dở thì phải tháo dỡ toàn bộ, các dự án đã được phê duyệt thì phải hủy bỏ. Đây là vấn đề phức tạp cần phải được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được chấp thuận trước thời điểm lập quy hoạch.
Đại diện UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng về vấn đề này. Theo đó, đến năm 2012, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án đầu tư phát triển du lịch có lưu trú cho nhà đầu tư trong nước với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha và 7 dự án khác (quốc phòng, an ninh, cơ sở tín ngưỡng, hạ tầng kỹ thuật...).
Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch các dự án này đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh, quốc phòng với cao trình xây dựng không quá 200m so với mặt nước biển và không có nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tính đến nay có 11/18 dự án du lịch đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích khoảng 344 ha. Có 3 dự án đã đầu tư (hoặc đầu tư hoàn chỉnh một phần) và đưa vào hoạt động với tổng số phòng là 253 phòng. Một dự án đang triển khai và chưa hoàn thành là dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa. 3 dự án đã triển khai một phần, đang tạm dừng và 11 dự án chưa triển khai.
Liên quan đến kiến nghị của ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề nghị xem xét lại “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà”, UBND TP Đà Nẵng cho rằng, để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm (gần gấp 3 lần) đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế thì TP Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp.
Tại Tọa đàm ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đơn vị đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định, nếu không có bản kiến nghị gửi Thủ tướng thì chỉ ngày một, ngày hai rất nhiều dự án sẽ mọc lên tại Sơn Trà và như thế Đà Nẵng sẽ mất Sơn Trà.
Theo tính toán của ông Huỳnh Tấn Vinh, Quy hoạch Bán đảo Sơn Trà dự kiến đến năm 2025 đón 3,5 triệu khách đến 2030 có 1.600 phòng ở trên Sơn Trà. “Cho đến thời điểm hiện nay Đà Nẵng đã có 22.000 phòng chưa nói đến các hotel, nếu cộng thêm thì có 30.000 phòng và với 30.000 phòng này có thể đón trên 20 triệu lượt khách mỗi năm. Trong khi đó, năm 2016 chỉ đón 5,5 triệu khách du lịch, như vậy là chưa tới 30%. Vậy có nhất thiết phải xây các dự án trên Sơn Trà hay không?”
Ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, ông thất vọng vì quy hoạch Bán đảo Sơn Trà vì đây là quy hoạch sẽ mở đường cho doanh nghiệp phá hủy Sơn Trà, bêtông hóa Sơn Trà. Ông Huỳnh Tấn Vinh cho biết Hiệp hội cùng với ông sẽ “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ Bán đảo Sơn Trà trước nguy cơ bị phá hủy.
Cụ thể, ông Vinh nói: “bản Quy hoạch sẽ đặt cơ sở cho những quyết định thu hồi đất đai chưa rõ ràng, chưa nhất quán. Bởi vì, Sơn Trà là đất đai của toàn nhân thành phố Đà Nẵng không thể tùy tiện khi thì nói rằng tổng diện tích là 4000m2, lúc lại 2000m2 rồi lúc lại chữa thành 3000m2”.
Ngoài ra, “Chúng ta tự hỏi rằng, du khách nước ngoài đến với Sơn Trà nói riêng và đến với Việt Nam nói chung để làm gì? Họ không cần các công trình tráng lệ, xa hoa, họ tìm đến với đất nước ta bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã, vì báu vật Sơn Trà chứ không phải cái gì khác”- ông Vinh chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại Quy hoạch Bán đảo Sơn Trà, đề nghị tạm dừng cấp phép, tạm dừng thi công bất cứ dự án nào trên Sơn Trà.
Một lần nữa ông Huỳnh Tấn Vinh nhấn mạnh: “Hy vọng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của tôi và hơn một vạn người dân Đà Nẵng bởi việc phá hủy thì rất là nhanh còn phục hồi, bảo vệ Sơn Trà mới là chuyện khó. Liệu rằng, với cách làm này, con cháu chúng ta sau này sẽ lấy gì để phát triển”.