Startup gọi vốn qua các kênh nào?
Các kênh huy động vốn của Startup thường bao gồm: gọi vốn cộng đồng hoặc tìm nhà đầu tư thiên thần, gọi vốn từ Quỹ đầu tư, và huy động trên thị trường vốn như vay ngân hàng, thị trường chứng khoán.
Cách thứ nhất, gọi vốn từ cộng đồng hay từ nhà đầu tư thiên thần, thường nguồn vốn không ổn định, và cũng chỉ phổ biến ở nước ngoài. Ở thị trường Việt nam, không nhiều nhà đầu tư kiểu này sẵn sàng rót tiền cho các startup vừa bước chân vào thị trường.
Cách thứ ba cũng nhiều hạn chế cho các Startup, bởi thị trường vốn rộng lớn nhưng có vô số điều kiện khắt khe khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp gần như không thể chen chân hoặc chỉ huy động được một số vốn rất nhỏ từ ngân hàng.
Cách thứ hai, huy động vốn từ các Quỹ đầu tư, dường như là ‘cửa sáng’ nhất hiện nay cho các startup. Đặc biệt các Quỹ đầu tư thường không chỉ cung cấp tiền mặt mà còn dìu dắt, giới thiệu Startup đến mạng lưới các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng, hay tư vấn chiến lược phát triển cho Startup…
Quỹ đầu tư mạo hiểm là gì
Quỹ đầu tư là một dạng doanh nghiệp đặc biệt, không dùng vốn để mua máy móc thiết bị phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, mà để đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào doanh nghiệp khác. Có nhiều loại Quỹ đầu tư như: Quỹ đầu tư chứng khoán, Quỹ đầu tư hỗn hợp,… nhưng đối với môi trường khởi nghiệp, người ta chỉ nhắc đến Quỹ đầu tư mạo hiểm (hoặc gọi chung là Quỹ đầu tư), ở đó các Quỹ đầu tư cung cấp tài chính cho doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn trực tiếp, thường là dưới hình thức mua cổ phần của doanh nghiệp.
Các Quỹ đầu tư mạo hiểm thường do các công ty hay tổ chức lớn thành lập với nhiều mục đích, chẳng hạn để khai thác mô hình kinh doanh mới, để gia tăng vị thế trên thị trường, gắn kết với các đối tác tiềm năng,… nhưng mục đích quan trọng nhất của các Quỹ đều là tìm kiếm các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp chưa niêm yết có mô hình kinh doanh khả thi và nhiều tiềm năng để đầu tư nhằm thu lợi nhuận trong tương lai.
Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới hiện nay đều có Quỹ đầu tư riêng, nhất là các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như Google, Dell, Microsoft, Intel, Nokia, Comcast, Qualcomm… với ngân sách Quỹ mỗi năm lên tới hàng tỉ đô la.
Như vậy, nói ngắn gọn, mục đích của các Quỹ đầu tư mạo hiểm chính là để đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng. Mối quan hệ của các Startup với các Quỹ chính là mối quan hệ hai chiều, các Startup cần vốn để phát triển, còn các Quỹ đầu tư lại có vốn và cần Startup tiềm năng để đầu tư. Rõ ràng, hai bên cần nhau, và khi cung cầu giao thoa, chắc chắn sẽ tạo nên thành quả.
Vai trò của Quỹ đầu tư với startup: nhiều hơn cấp vốn đơn thuần
Mặc dù vốn là yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi Startup, các Quỹ đầu tư có thể giúp startup giải quyết bài toán này dễ dàng, nhưng hơn thế nữa, các Quỹ đầu tư còn có thể đem đến cho Startup những ‘giá trị tăng thêm’ mà không nguồn gọi vốn nào có thể mang lại. Các hỗ trợ này bao gồm:
Hỗ trợ tư vấn chiến lược và chiến thuật trong kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh nói riêng:
Các Quỹ đầu tư khi xem xét một Startup thường huy động những chuyên gia hàng đầu am hiểu lĩnh vực kinh doanh của startup đó, và nếu startup được lựa chọn, tất nhiên họ có thể học tập vô số kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia này cũng như được các chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược hiệu quả nhất.
Hỗ trợ vận hành kinh doanh:
Các Quỹ đầu tư bao giờ cũng là cánh tay nối dài của các công ty lớn, và khi đầu tư, các Quỹ có thể huy động nguồn lực to lớn từ các công ty đó hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Startup.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh sản phẩm dịch vụ và công ty:Thông thường khi một Quỹ đầu tư vào startup, bao giờ cũng cắt cử nhân sự tham gia tư vấn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bởi đây là điểm yếu của hầu hết các startup.
Tiếp cận được nguồn nhân sự tài năng của công ty mẹ:Không phải tất cả nhân viên và quản lý đều tham gia tư vấn hay biết đến hoạt động của Startup, tuy nhiên ở bất cứ khâu nào, khi startup cần đều có thể tìm kiếm sự hỗ trợ và lời khuyên từ các nhân sự dày dạn kinh nghiệm trong công ty mẹ, chủ quản của Quỹ đầu tư.
Bán hàng cho công ty mẹ:
Tất nhiên, khi Quỹ đầu tư rót vốn vào startup cũng xác định hỗ trợ cả đầu ra, và công ty mẹ sẽ trở thành nguồn khách hàng tiềm năng nhất dễ dàng thử nghiệm sử dụng sản phẩm của Startup.
Tiếp cận được kênh phân phối và nguồn khách hàng có sẵn:Đây là một trong những lợi ích to lớn nhất, bởi với các startup việc tự mình xây dựng nguồn khách hàng khổng lồ và kênh phân phối hiệu quả là vô cùng khó khăn. Tận dụng được những nhân tố này từ công mẹ, khả năng thành công đã lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra là một loạt lợi ích khác như các Quỹ đầu tư có thể giới thiệu đối tác cho Startup, có thể hỗ trợ khi tình hình công ty gặp khó khăn, có thể giúp công ty vươn ra thị trường toàn cầu nhờ tiềm lực sẵn có, hay đơn giản nhất, được một Quỹ uy tín thuộc công ty mẹ lớn mạnh đầu tư đã tạo nên nhiều giá trị vô hình về mặt thương hiệu cho Startup.
Có thể khẳng định Quỹ đầu tư không chỉ đơn thuần rót vốn đầu tư vào Startup mà còn ‘rót’ vô số hỗ trợ. Google Ventures, một Quỹ đầu tư thuộc công ty Alphabet. Inc để thu hút những Startup tiềm năng nhất cũng tuyên bố rõ ràng:
‘Chúng tôi không chỉ cấp vốn. Chúng tôi xây dựng lên một đội ngũ nhà khoa học, nhà thiết kế, bác sĩ, kĩ sư, tư vấn thị trường và nhà đầu tư hàng đầu cùng làm việc với nhau để cung cấp những hỗ trợ đặc biệt nhất cho các Startup trên con đường tiến tới thành công. Chúng tôi giúp các Startup liên kết và hòa nhập vào hệ thống của Google, để các bạn có thể tận dụng những công nghệ mới nhất và những nền tảng mạnh nhất thế giới.’
Với các Startup có ý tưởng tốt, có nhiều tiềm năng phát triển, Quỹ đầu tư thực sự là một đôi cánh hữu ích giúp họ tăng tốc và bay cao trên thương trường. Danh sách các Startup thành công nhờ được hỗ trợ từ Quỹ đầu tư ngày càng dài với vô số các thương hiệu nổi tiếng như Uber, Snapchat, Xiaomi, Airbnb,Palantir, SpaceX, Printerest, Dropbox…
Có người đã ví von các Quỹ đầu tư mạo hiểm giống như những người anh cả mạnh mẽ, quyền lực nhưng không còn nhiều ý tưởng, và các Startup như những thanh niên vừa lớn đầy nhiệt huyết, đầy sinh lực nhưng thiếu tiền lại non yếu kinh nghiệm, nếu được những người anh cả đầu tư, dìu dắt hướng dẫn kịp thời, không ai biết các thanh niên nhiệt huyết này có thể vươn mình đến những tầm cao nào trên thế giới.
Tất nhiên, có vô số các ‘thanh niên nhiệt huyết’ như vậy, và không phải ai cũng có thể thành công. Do vậy các Startup cần xác định rằng cạnh tranh trong gọi vốn từ các Quỹ là vô cùng khốc liệt. Nếu sản phẩm không đủ tốt, thị trường không đủ lớn, thậm chí lợi nhuận tiềm năng mang lại không đủ qui mô, Startup sẽ không có cơ hội bước qua cánh cửa thẩm định của các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc gọi vốn từ các Quỹ cũng đòi hỏi hồ sơ chuẩn bị thực sự chuyên nghiệp và công phu, mất rất nhiều thời gian của lãnh đạo doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, các Startup cũng cần sẵn sàng tinh thần ‘chia sẻ Quyền lãnh đạo’, bởi khi các Quỹ đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp họ cũng sẽ tham gia điều hành và xây dựng doanh nghiệp. Thậm chí chủ doanh nghiệp có thể bị ‘ra rìa’ nếu nhiều yếu tố không thuận lợi, như vài trường hợp đã xảy ra gần đây.