Ảnh" What's New In Publishing |
Trong 25 năm qua, nhắc đến Google, chúng ta mặc định nó là ý tưởng tìm kiếm trực tuyến bất cứ điều gì. Một thương hiệu đạt tới đỉnh cao của mình khi cái tên của nó không còn là tên riêng nữa mà trở thành một danh từ chung hoặc một động từ.
Theo một cách tương tự, “Hoover” có nghĩa là “hút bụi” (Hoover là tên một công ty sản xuất máy hút bụi nổi tiếng tại Mỹ) hay hay “Skype” nghĩa là “gọi video”, các từ điển đã chấp nhận “Google” như một nghĩa là hoạt động tìm kiếm trực tuyến.
Các đối thủ cạnh tranh cũ của Google như AltaVista, AskJeeves đã không còn tồn tại từ lâu và các lựa chọn thay thế hiện có như Bing hay DuckDuckGo hiện không đủ khả năng đe dọa đến sự thống trị của Google. Tuy nhiên, thói quen tìm kiếm trên web chỉ với một nhà cung cấp duy nhất - Google cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Google hiện đang thống trị thị trường duyệt web (gần 2/3 trình duyệt là Chrome) và quảng cáo web (Google Ads chiếm 29% thị phần quảng cáo số trong năm 2021). Sự kết hợp giữa trình duyệt, tìm kiếm và quảng cáo này đã dấy lên những lo ngại về sự độc quyền của Google, điều này cũng thu hút sự quan tâm đáng kể từ các cơ quan quản lý cạnh tranh và chống độc quyền trên toàn thế giới.
Đặt lợi ích thương mại sang một bên, Google có thực sự đang kiểm soát mọi thứ khi chúng ta “Google” không? Các kết quả tìm kiếm (ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung mà chúng ta sử dụng) có cho chúng ta câu trả lời mà chúng ta muốn không?
“Người khổng lồ” quảng cáo
Hơn 80% doanh thu của Alphabet đến từ quảng cáo của Google. Đồng thời, khoảng 85% hoạt động tìm kiếm trực tuyến trên thế giới đều thông qua Google.
Rõ ràng, Google có lợi thế thương mại đáng kể trong việc bán quảng cáo, đồng thời, kiểm soát kết quả của hầu hết các tìm kiếm trên web được thực hiện trên toàn thế giới.
Chúng ta có thể nhận ra trong kết quả tìm kiếm của Google. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người dùng internet ngày càng ít cuộn trang xuống dưới hơn, hoạt động tìm kiếm trên web của họ thường chỉ dừng lại ở trang đầu tiên trên màn hình. Điều này làm cho khoảng không gian ở đầu kết quả tìm kiếm ngày càng có giá trị hơn.
Trong ví dụ bên dưới, bạn sẽ phải cuộn chuột qua 3 quảng cáo dạng AdWords của Google (thuộc hệ thống quảng cáo của Google, trong đó, các nhà quảng cáo đặt giá thầu cho một số từ khóa nhất định để quảng cáo của họ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google hoặc các quảng cáo hiển thị) rồi mới đến kết quả tìm kiếm thực sự.
Mặc dù Google và thực tế là rất nhiều người dùng vẫn cho rằng kết quả tìm kiếm này rất hữu ích và tiết kiệm thời gian nhưng rõ ràng, thiết kế của trang và sự nổi bật quá đà dành cho quảng cáo trả phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của người dùng. Chiến lược này được củng cố bằng việc sử dụng mô hình quảng cáo trả phí cho mỗi lần nhấp chuột, được thiết lập dựa trên việc lôi kéo người dùng nhấp vào quảng cáo.
Những quảng cáo gây khó chịu
Ảnh hưởng của Google đã được mở rộng hơn ngoài kết quả tìm kiếm trên web. Trung bình mỗi tháng, có hơn 2 tỷ người đang sử dụng YouTube do Google sử hữu (chỉ tính người dùng đã đăng nhập). YouTube thường được coi là nền tảng số một dành cho các quảng cáo trực tuyến.
Mặc dù trên YouTube phổ biến những video được chia sẻ tương tự như chúng ta tìm đến Google để tìm kiếm nhưng người dùng YouTube có một tùy chọn để tránh quảng cáo - trả tiền cho một đăng ký thu phí. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ người dùng YouTube hiện nay sử dụng tùy chọn trả phí này.
Mở ra những nhu cầu
Mức độ phức tạp của các công cụ tìm kiếm đã tăng lên trong suốt thời gian tồn tại của chúng, phù hợp với sự phụ thuộc của chúng ta vào công nghệ.
Ví dụ, một vài người đang cố gắng khám phá một địa điểm du lịch có thể bị thu hút bởi tìm kiếm “Tôi nên làm gì để đến thăm Simpsons Gap?” (một trong những khoảng trống ở dãy núi Tây MacDonnell của Úc).
Kết quả tìm kiếm của Google sẽ hiển thị một số kết quả nhưng từ góc độ người dùng, thông tin được phân phối trên nhiều trang web. Để có được thông tin như mong muốn, người dùng cần truy cập một số trang web khác nhau.
Google đang làm việc để đưa những thông tin mà người dùng cần lại với nhau. Công cụ tìm kiếm Google hiện đang sử dụng phần mềm “xử lý ngôn ngữ tự nhiên” phức tạp, được gọi là BERT, được phát triển vào năm 2018. BERT cố gắng xác định mục đích đằng sau một tìm kiếm thay vì chỉ đơn giản là tìm kiếm các chuỗi văn bản.
BERT cũng sắp được nâng cấp thêm bởi MUM (mô hình hợp nhất đa nhiệm), một nỗ lực cao hơn để hiểu ngữ cảnh của các tìm kiếm và cung cấp câu trả lời chính xác hơn. Google tuyên bố MUM có thể mạnh hơn BERT gấp 1000 lần và có khả năng cung cấp những lời khuyên - câu trả lời trực tuyến như những chuyên gia.
Chúng ta có đang bị phụ thuộc vào Google?
Với thị phần khổng lồ và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Google gần như là một giải pháp không thể thay thế. Mặc dù vậy, Google không phải là “người chơi” duy nhất trong thị trường màu mỡ này. Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft đã có một vị trí khiêm tốn ở Hoa Kỳ mặc dù sẽ còn một chặng đường dài để nó có thể thoát khỏi cái bóng của Microsoft.
Một sự lựa chọn tìm kiếm khác tuyên bố không có quảng cáo và đảm bảo quyền riêng tư của người dùng - DuckDuckGo đã chứng kiến mức độ quan tâm ngày càng tăng, được củng cố thông qua việc liên kết với dự án trình duyệt TOR.
Tor được giới sành công nghệ, đề cao quyền riêng tư rất ưa chuộng bởi khả năng mã hoá đáng tin cậy, đồng thời giúp người dùng che dấu đường đi nước bước của họ trên internet. Ở mức độ cơ bản nhất, TOR là một loại mạng kết nối internet với trình duyệt internet của riêng nó.
Hiện tại, Google vẫn đang đang thống trị với dịch vụ công cụ tìm kiếm của mình. Ngoài ra, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chăm sóc sức khỏe, xe tự lái, dịch vụ điện toán đám mây, thiết bị điện toán và thiết bị thông minh cho gia đình… đều có “dấu chân” của “người khổng lồ”.
Ngay cả khi chúng ta có thể tránh xa tầm kiểm soát của Google trong các hoạt động duyệt web của mình, người tiêu dùng vẫn có nguy cơ phải đối mặt với một loạt những thách thức mới trong tương lai.
Theo What’s New In Publishing