Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg ở Nga năm 2018, gọi tắt là SPIEF-2018, diễn ra trong 3 ngày từ ngày 24 đến 26/5/2018, trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa phương Tây do Mỹ đứng đầu và Nga đã leo thang tới đỉnh điểm đầy kịch tính là tiêu điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong tuần qua bởi nhiều lý do. Trong đó lý do nặng ký nhất là Diễn đàn này chứng tỏ nhận định mang tính dự báo của V.Putin về thế giới cách đây hơn 10 năm là hoàn toàn chính xác.
Nhìn lại dự báo của V.Putin về trật tự thế giới cách đây hơn 10 năm
Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich ngày 10/02/2007, Tổng thống Nga V.Putin đã từng đưa ra nhận định về trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh. Ông phát biểu: “Nói một cách hình ảnh, Chiến tranh lạnh đã để lại cho chúng ta "những quả đạn chưa nổ". Đó là lối suy nghĩ rập khuôn cứng nhắc, tiêu chuẩn nước đôi và cách phân chia thế giới thành các khối quân sự. Thực chất, thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh là một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định. Đây là thế giới của một chủ nhân, của một chủ thể có chủ quyền.
“Tình hình này rút cuộc không chỉ làm phương hại đối với tất cả những ai nằm trong khuôn khổ hệ thống đơn cực đó mà còn đối với cả chính “chủ nhân” của hệ thống đó, bởi nó có tác dụng tàn phá từ bên trong. Điều này không có một chút gì chung với dân chủ. Bởi dân chủ, như chúng ta biết, là quyền lực của đa số khi tính đến lợi ích và ý kiến của thiểu số.
“Tôi cho rằng, đối với thế giới hiện đại, mô hình đơn cực không chỉ không thể chấp nhận được mà nói chung là không có lý do để tồn tại. Điều này không chỉ vì quốc gia đứng đầu thế giới đơn cực không bao giờ có đủ tiềm lực chính trị-quân sự và kinh tế để thực hiện vai trò đó. Điều quan trọng hơn là mô hình này không thể vận hành được bởi trong nền tảng của nó không có và không thể có cơ sở đạo đức-tinh thần cho nền văn minh hiện đại.
“Các hành động đơn phương và không được phép của LHQ không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào thuộc an ninh quốc tế. Thêm nữa, hành động đó là nguồn gốc phát sinh những thảm họa mới đối với con người và luôn gây nên tình hình căng thẳng. Bằng chứng là chiến tranh, xung đột cục bộ các khu vực không hề giảm trong trật tự thế giới đơn cực.
“Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng ngang nhiên sử dụng sức mạnh không có gì kiềm chế trong các công việc quốc tế, đưa thế giới vào chuỗi dài các cuộc xung đột không bao giờ chấm dứt, không đủ lực lượng để giải quyết trọn vẹn các cuộc xung đột, còn các giải pháp chính trị tỏ ra bất lực.
“Chúng ta đang chứng kiến các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế bị chà đạp. Trong khi đó, các chuẩn mực đơn lẻ và gần như toàn bộ hệ thống pháp lý của một quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nhân đạo, đã vượt qua biên giới một quốc gia và được mang đi áp đặt cho các nước khác.
“Cơ chế duy nhất để thông qua quyết định nhằm sử dụng sức mạnh quân sự chỉ có thể là trên cơ sở và trong khuôn khổ của LHQ và không nên thay thế LHQ bằng NATO hoặc bằng EU. Một khi LHQ thực sự liên kết lực lượng của cộng đồng quốc tế để có thể phản ứng có hiệu lực trước các sự kiện ở các nước khác nhau và khi chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế thì tình hình có thể thay đổi. Trong trường hợp ngược lại, tình hình sẽ rơi vào bế tắc và làm phát sinh nhiều sai lầm nghiêm trọng”.
Nhận định về bài phát biểu này của V.Putin, giới phân tích vào thời điểm đó gọi đây là “cương lĩnh chính trị của nước Nga trong thế kỷ XXI” [1]. Trong bài phát biểu này, ông Putin không nói toạc ra “chủ nhân” của trật tự thế giới đơn cực đó là ai, nhưng dư luận rộng rãi đều hiểu đó là Mỹ. Những gì diễn ra trong hơn 10 năm qua và đặc biệt là trong hơn 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng tỏ dự báo của ông Putin là chính xác như thần.
Để đưa Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống bùng phát từ năm 2008 và làm cho “nước Mỹ vĩ đại”, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều quyết sách bất chấp mọi cam kết của nước Mỹ cũng như luật pháp quốc tế. Đó là, quyết định đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Nhóm P5+1 với Iran và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Dự báo như thần của Putin nhìn từ SPIEF-2018
SPIEF-2018 diễn ra trong bối cảnh niềm tin của thế giới vào vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các chương trình nghị sự toàn cầu đáng bị giảm sút đáng kể. Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hiện nay thế giới sẽ không còn tin chính quyền Mỹ có thể trở thành một đối tác đối thoại đáng tin cậy một khi họ sẵn sàng hủy bỏ các thỏa thuận đã được thiết lập, thậm chí cả những thỏa thuận đã từng được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama coi quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran sẽ khiến các đồng minh quay lưng lại với Mỹ, làm băng hoại niềm tin vào nước Mỹ và đưa Mỹ đối đầu với các cường quốc thế giới. Phó Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại của Viện Brooking (Mỹ), bà Suzanne Maloney, nhận định rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran đang đẩy Mỹ ngày càng xa rời các đồng minh châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merken tuyên bố:“Đã đến lúc châu Âu phải tự làm chủ vận mệnh của mình” [2]. Bộ trưởng kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire đã phải lên tiếng:“Các nước châu Âu không phải là chư hầu của Mỹ, vậy nên họ sẽ bảo vệ chủ quyền kinh tế của mình và sẽ không cho phép Mỹ hành xử như một cảnh sát áp đặt luật chơi trong nền kinh tế thế giới” [3].
Trong bối cảnh ấy, SPIEF-2018 nổi lên như một cực nam châm có sức thu hút mạnh mẽ đối với toàn thế giới, trong đó có các đối tác mới gần đây thôi đã từng “hùa” theo Mỹ cấm vận Nga, chứng tỏ các đòn trừng phạt kinh tế do Mỹ và một số đồng minh phương Tây của họ đã và đang bị vô hiệu hóa.
Tới dự và chủ trì SPIEF-2018, Tổng thống Nga V.Putin thể hiện tâm trạng vui vẻ và tự tin khác thường trong phiên họp toàn thể. Trong bài phát biểu tại đây, V.Putin đã nhắc lại nhận định và dự báo của ông được đưa ra trong bài phát biểu gây tiếng vang lớn tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich ở CHLB Đức cách đây hơn 10 năm.
Chính thức ra đời năm 1997, trải qua hơn 2 thập kỷ, hiện nay SPIEF đã trở thành diễn đàn hàng đầu khu vực và thế giới nhằm thảo luận các xu hướng, thách thức và triển vọng phát triển kinh tế không chỉ của riêng nước Nga mà còn của toàn thế giới. Nhiều nội dung và mối quan tâm của các đại biểu tham dự SPIEF-2018 đã thể hiện rất rõ điều đó [4].
(1) Số các quốc gia và số đại biểu tham dự đạt mức kỷ lục. Theo cố vấn của Tổng thống Nga Putin, Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn A.Kobyakov, SPIEF-2018 đạt được kỷ lục mới về số đại biểu tham dự, số lượng và giá trị các thỏa thuận đạt được. Có hơn 17.000 đại biểu đến từ 143 quốc gia tham dự diễn đàn, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi v.v. Nếu tại SPIEF-2017, 400 thỏa thuận đầu tư trị giá gần 32,5 tỷ USD được ký kết, thì tại SPIEF-2018, có 550 thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nhân đến từ nhiều nước, chủ yếu là các nước phương Tây, được ký kết, với tổng trị giá lên tới 2,365 ngàn tỷ Ruble, tương đương 39,5 tỷ USD.
(2) Chiếm đa số các đại biểu tham dự SPIEF-2018 là các đại biểu đến từ các nước phương Tây. Trong số các doanh nhân tham dự SPIEF-2018, các doanh nhân phương Tây chiếm đa số, trong đó đoàn doanh nhân đông nhất là Mỹ, lên tới hơn 500 người.
(3) SPIEF-2018 góp phần quan trọng duy trì quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Nga vào phương Tây. Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ sự tự tin rằng những ý tưởng và sáng kiến được đề ra trong SPIEF-2018 sẽ tạo thuận lợi cho sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Bằng cách khai thác tiềm năng khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật số và các lĩnh vực khác, các quốc gia có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển ổn định và hài hòa ở từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới.
(4) Các đại biểu tham dự, đặc biệt là các đại biểu đến từ các nước phương Tây, rất quan tâm tới tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Nga. Do Nga bị Mỹ và một số nước phương Tây bao vây, cấm vận, dư luận ở nhiều nước cho rằng nền kinh tế Nga đã bị “vỡ vụn” như nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhận định, nên các đại biểu tham dự SPIEF-2018 đặc biệt quan tâm tới tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Nga và họ nhận thấy nền kinh tế Nga đang phát triển ổn định bất chấp cấm vận.
(5) SPIEF-2018 tập trung bàn về triển vọng phát triển nền kinh tế toàn cầu. Là quốc gia luôn chủ trương hợp tác và hội nhập sâu rộng với phương Tây trong điều kiện bị bao vây cấm vận, Nga rất quan tâm tới những nhiệm vụ và biện pháp phát triển bền vững nền kinh tế thế giới. Do đó, tại SPIEF-2018 nhiều đại biểu đã đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của chính trị đến sự phát triển kinh tế khi sự bất đồng chính trị thường dẫn đến những biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau làm tổn hại cả những quốc gia có liên quan.
(6) Bất chấp cấm vận, Nga luôn chủ trương hợp tác với phương Tây. Trong khi Mỹ coi Nga là “quốc gia xâm lược” và là “kẻ phá hoại trật tự thế giới”, Tổng thống V.Putin luôn khẳng định Nga không coi bất cứ quốc gia nào là “kẻ thù” và cũng kêu gọi các nước khác hành động tương tự. Vì thế, Nga luôn mở rộng cánh cửa hợp tác với các nước phương Tây chứ không chỉ là các nước phương Đông như Trung Quốc hay Ấn Độ. Vì thế chủ đề bao trùm của SPIEF-2018 là “Không thể một mình đơn độc xây dựng tương lai tốt đẹp”.
Với tinh thần đó, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng trong điều kiện hiện nay các nước cần tuân thủ luật chơi đã được xây dựng và tránh các biện pháp chiến tranh thương mại. Theo nhận định của V.Putin, sự mất niềm tin trên phạm vi toàn cầu đang đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Vì thế, ông chủ trương đưa nước Nga chủ động và tích cực tham gia vào các quá trình toàn cầu.
(7) Các nước phương Tây khẳng định Nga đóng vai trò không thể thiếu được trong việc giải quyết các chương trình nghị sự toàn cầu. Tại SPIEF-2018, nhiều đại biểu đưa ra nhận định nước Nga ngày nay đang đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu được, trong các chương trình nghị sự khu vực cũng như toàn cầu. Phát biểu tại SPIEF-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, nước Nga đóng vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, thí dụ tình hình Trung Đông.
Nhận định về quan hệ giữa châu Âu với Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu quá phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế và an ninh. Phản ứng trước nhận định này, Tổng thống Nga V.Putin cho biết châu Âu không nên quá lo ngại về vấn đề an ninh bởi Nga sẽ bảo đảm an ninh cho châu Âu, vấn đề là ở chỗ châu Âu phải tự đưa ra quyết định này. Câu nói này của ông Putin nhân được tràng vỗ tay tán đồng của các đại biểu tham dự [4]./.
Tài liệu tham khảo:
[1]Выступление В. Путина на Мюнхенской конференции 2007. http://dokumentika.org/tv-video/vistuplenie-v-putina-na-miunchenskoy-konferentsii-2007-g
[2] Angela Merkel: Europe Can No Longer Rely on US 'to Protect It'. https://sputniknews.com/europe/201805101064319821-merkel-europe-us-protection/
[3] French Minister willing to challenge United States over Iranian Sanctions. http://www.newscast-pratyaksha.com/english/french-minister-willing-to-challenge-united-states-over-iranian-sanctions/
[4] Петербургский международный экономический форум 2018. http://niejournal.ru/%D1%81%D0%BE%D0%B1%D1%8B%D1%82%D0%B8%D0%B5/peterburgskij-mezhdunarodnyj-ekonomicheskij-forum-2018/