Trong khi Đảng Cộng sản Nga phản đối đề cử này thì Đảng Nước Nga thống nhất lại ủng hộ. Do đâu có tình hình đó? [1]
Medvedev phá thế cấm vận phương Tây
Khi được hỏi liệu đảng này có ủng hộ D.Medvedev tiếp tục làm Thủ tướng hay không, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga tại Duma Quốc gia (Hạ Viện Nga), ông Nikolai Kolomeitsev, cho biết đảng của ông sẽ không ủng hộ bởi đã có cách đánh giá “rất tiêu cực” về bản báo cáo tổng kết 6 năm nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ do ông D.Medvedev đứng đầu [2]
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Nga vừa qua, Đảng Cộng sản Nga trong khi ra sức vận động cho ứng cử viên của họ là ông Pavel Grudinin-người điều hành một trang trại kinh doanh ở ngoại ô Moscow, đã phê phán chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Nga V.Putin đã “không cải thiện được cuộc sống của người dân Nga” và đã “để nền kinh tế Nga lâm vào khó khăn”.
Rõ ràng, lập luận phê phán của những người phản đối ông D.Medvedev rất thiếu sức thuyết phục bởi họ không tính đến tác động “tàn phá” rất lớn từ các biện pháp cấm vận chưa từng có của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga trong nhiệm kỳ qua. Trong điều kiện đó, Chính phủ Nga do D.Medvedev đứng đầu không những đã vượt qua thách thức từ cấm vận mà còn duy trì nền kinh tế Nga phát triển ổn định. Đặc biệt, Nga đã đạt được những thành tựu chưa từng có là đã đưa ngành nông nghiệp Nga trở thành ngành kinh tế đứng hàng đầu thế giới và thực hiện thành công chiến lược sản xuất hàng tiêu dùng trong nước thay thế nhập khẩu.
D.Medvedev-người thích hợp để thực hiện chiến lược của V.Putin trong nhiệm kỳ tới
Phân tích mối quan hệ cộng sự cũng như quan hệ con người giữa V.Putin và D.Medvedev và đặc biệt là nhiệm vụ chiến lược của Tổng thống Nga V.Putin trong nhiệm kỳ tới, đề xuất D.Medvedev vào cương vị thủ tướng xuất phát từ nhiệm vụ đối nội và đối ngoại của nước Nga từ nay tới năm 2024.
Về chính sách đối nội, những người ủng hộ đề cử của V.Putin cho rằng, trong nhiệm kỳ thủ tướng vừa qua (2012-2018), Dmitry Medvedev thể hiện rõ năng lực trong việc quản lý kinh tế và đưa nền kinh tế Nga vượt qua những thách thức rất lớn từ sự bao vây và cấm vận của Mỹ và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ucraina bùng phát từ năm 2013. Thành công này của ông Dmitry Medvedev đã giành được sự tín nhiệm của Tổng thống V.Putin
Theo cách nhìn nhận của V.Putin, Dmitry Medvedev là người có tri thức, trình độ và kinh nghiệm quản lý để gánh vác những nhiệm vụ then chốt và có tính đột phá trong nhiệm kỳ tới. Đó là, tập trung phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển khoa học-công nghệ, đạt ít nhất 9 chỉ tiêu: (1) giảm số người dân còn có mức sống nghèo đói xuống 2 lần; (2) bảo đảm tăng trưởng tự nhiên dân số; (3) nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân Nga lên 78 tuổi vào năm 2024 và đến năm 2030 tăng lên 80 tuổi; (4) tăng trưởng bền vững thu nhập thực tế và lương hưu của người dân và cải thiện điều kiện nhà ở; (5) tăng gấp 1,5 lần số lượng các tổ chức tiến hành đổi mới công nghệ sản xuất; (9) bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của thế giới đồng thời vẫn duy trì được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, lạm phát không được vượt quá mức 4%; (6) đẩy nhanh tốc độ áp dụng các công nghệ số vào nền kinh tế và lĩnh vực xã hội; (7) đưa nền giáo dục Nga phát triển lên mức cạnh tranh toàn cầu; (8) đưa nền kinh tế Nga lọt vào 5 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới vào năm 2024; (9) đến năm 2024, Nga phải xây dựng được khu vực kinh tế không phụ thuộc nguyên liệu có khả năng cạnh tranh toàn cầu với tổng thị phần xuất khẩu của khu vực này đạt ít nhất 20%; (10) đưa Nga lọt vào danh sách 5 quốc gia hàng đầu thế giới có nền khoa học phát triển nhất, đồng thời Nga trở thành quốc gia hấp dẫn đối với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trẻ triển vọng hàng đầu của Nga và nước ngoài [3].
Về chính sách đối ngoại, bất chấp thái độ thù địch và các biện pháp cấm vận của Mỹ và một số nước phương Tây, Tổng thống Nga V.Putin luôn chủ trương đối thoại bình đẳng và hợp tác với tất cả các quốc gia trên cơ sở đôi bên đều có lợi. Đây là xu hướng không thể đảo ngược trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc. Không sớm thì muộn, Mỹ và các nước phương Tây sẽ phải hợp tác với Nga bởi điều này đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
Một hiện tượng đang hiện hữu ngày càng rõ nét trong giới tinh hoa chính trị ở Mỹ và nhiều nước phương Tây là đang diễn ra hai luồng tư tưởng trái ngược nhau trong quan hệ với Nga. Một luồng tư tưởng mang tính đối đầu và một luồng tư tưởng khác kêu gọi hợp tác, trong đó xu hướng hợp tác với Nga ngày càng nổi lên rõ nét. Thí dụ điển hình nhất cho xu hướng kêu gọi hợp tác là chính phủ Liên bang Đức đề nghị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Đức ra khỏi hoạt động cấm vận Nga [3]
Giới kinh doanh và dư luận xã hội ở Mỹ và các nước châu Âu thiên về chủ trương hợp tác với Nga và công nhận vai trò của Tổng thống Nga V.Putin trong nền chính trị toàn cầu. Theo kết quả điều tra xã hội học, có 33% số người được hỏi ý kiến ở Italia, 34% ở Đức và 26% ở Pháp công nhận V.Putin là “nhà lãnh đạo có ảnh hưởng và quyền lực nhất thế giới”. Những người được xếp sau V.Putin trong danh sách này là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merken [5]
Để thực hiện chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ tới, không ai xứng đáng hơn ông D.Medvedev đảm đương cương bị thủ tướng. Dư luận quốc tế vẫn còn nhớ, chính trong nhiệm kỳ cầm quyền của tổng thống Nga của ông D.Medvedev (2008-2012), chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã thực hiện chủ trương “cài đặt lại” quan hệ với Nga. Phía Nga đã có hành động hưởng ứng chủ trương đó ở hai quyết định lịch sử thể hiện sự nhượng bộ của Matxcơva trong nhiệm kỳ của Tổng thống D.Medvedev (2008-2012). Đó là, Nga không sử dụng quyền phủ quyết đối với hai nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc do phương Tây đề xuất: Nghị quyết 1973 về thiết lập vùng cấm bay ở Libya và nghị quyết về cấm vận vũ khí đối với Iran. Trong con mắt giới tinh hoa chính trị Mỹ và phương Tây, D.Medvedev là nhà lãnh đạo “thuộc tầng lớp trí thức, hào hoa phong nhã, cởi mở, gần gũi và dễ đối thoại”. Tuy nhiên, sự nhân nhượng của Nga trong nhiệm kỳ tổng thống của ông D.Medvedev đã bị Mỹ và phương Tây lợi dụng.
Có thể, lần này, khi đề cử D. Medvedev vào cương bị thủ tướng trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống Nga V.Putin đã gửi đi thông điệp sẵn sàng hợp tác và đối thoại với Mỹ và phương Tây. Sự tín nhiệm của Tổng thống Nga V.Putin dành cho Dmitry Medvedev còn xuất phát từ niềm tin vào những phẩm chất con người của ông bởi hai người đã thiết lập mối quan hệ gần gũi từ những năm 1990 đầy sóng gió của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên từ năm 2000, chính V.Putin đã lựa chọn D.Medvedev vào đội ngũ các nhân vật thân tín trong Văn phòng tổng thống Nga. D.Medvedev cũng là người tổ chức và chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử khi lần đầu tiên V.Putin bước vào phòng làm việc của tổng thống Nga trong Điện Kremlin. Cũng chính D.Medvedev chứng kiến câu nói đã đi vào lịch sử của Tổng thống Nga V.Putin khi ông bước vào phòng làm việc:“Từ căn phòng này, chúng ta sẽ cùng nhau tổ chức lại và tái xây dựng nước Nga!”./.
Tài liệu tham khảo:
[1]Президент назначил Дмитрия Медведева Председателем Правительства. http://kremlin.ru/events/president/news/57432
[2] Vì sao Đảng Cộng sản phản đối ông Medvedev tiếp tục làm Thủ tướng Nga? http://infonet.vn/vi-sao-dang-cong-san-phan-doi-ong-medvedev-tiep-tuc-lam-thu-tuong-nga-post261632.info
[3]Президент подписал Указ «О национальных целях и стратегических задачах развития Российской Федерации на период до 2024 года». http://kremlin.ru/events/president/news/57425
[4] Германия попросит США освободить ее от антироссийских санкций. http://www.trud.ru/article/19-04-2018/1361524_germanija_poprosit_ssha_osvobodit_ee_ot_antirossijskix_sanktsij.html
[5] Жители США, Германии, Франции, Великобритании и Италии считают Путина сильнейшим лидером в мире. https://ukraina.ru/news/20180507/1020308796.html