Putin thắng vang dội nhờ dám đối đầu phương Tây
VietTimes -- Tiến sĩ Pavel E.Felgenhauer - một nhà phân tích theo quan điểm phương Tây đã có những bình luận về cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra hôm 18.3 vừa qua. Ông cho rằng tổng thống Vladimir Putin đã tái đắc cử vì dám chống lại phương Tây.
Ông Putin đã tái đắc cử ngoạn mục trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 18.3. Ông giành được hơn 76% số phiếu phổ thông. Với 67% dân số, ông Putin đã đạt được 56 triệu lượt ủng hộ hơn một nửa số người đi đăng ký bầu cử (theo Interfax ngày 19.3). Tất nhiên, là người đang đương chức và đã lãnh đạo nước Nga từ năm 2000, ông đã sử dụng hết các ưu thế trong vị trí của mình - điều mà phương Tây cáo buộc là lãnh đạo độc đoán.
Hầu hết những người Nga đều làm việc cho nhà nước hay tư bản độc quyền do nhà nước kiểm soát hoặc sống dựa vào trợ cấp. Họ cần thiết phải tới bầu cử. Các ứng viên đối lập khác được bỏ phiếu bởi những người theo cánh tả, các nhà tự do hay theo chủ nghĩa dân tộc nhưng không ai trong số này được dân chúng Nga coi là đối thủ xứng tầm có thể trở thành những nhà lãnh đạo nước Nga trừ ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 18.3 vừa qua.
Kremlin đã vận động người Nga qua những cộng cơ khác. Một trong số đó là việc chống lại phương Tây. Đáng chú ý hơn, người Nga xem vụ đầu độc cựu đại tá tình báo quân đội Nga Sergei Skripal và con gái là Yulia ngày 4.3 tại Salisbury, Anh quốc là sự phỉ báng người Nga do Anh chỉ đạo. Hai cha con Skripal bị cho là bị đầu độc bằng chất độc thần kinh "Novichok", được phát triển bí mật tại Liên Xô trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Theo các quan chức và những nhà chính trị Nga, chính vụ Skripal đã giúp vận động và tập hợp dân chúng Nga quanh ông Putin và Kremlin cũng giống như đoạn video quảng bá vũ khí hạt nhân mới của Nga trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang Nga vào ngày 1.3 (theo Vedomosti, 19.3).
Chiến thắng của ông Putin có thể không công bằng theo những tiêu chuẩn phương Tây nhưng nó đã trao cho ông quyền ủy nhiệm mạnh mẽ của công chúng cho khoảng thời gian 6 năm quyền lực không bị thách thức, điều cần thiết để thực hiện công việc cần thiết cho việc tái thiết nền kinh tế và đối phó với phương Tây. Nga cũng bị cáo buộc âm mưu ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Đảng Cộng hòa Mỹ và tổng thống Donald Trump cứng rắn phủ nhận đã có bất cứ âm mưu "cấu kết" nào giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với người Nga hoặc có điều gì đó bên ngoài gây trở ngại, ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử.
Ông Donald Trump đã bị các cố vấn khuyên là không nên chúc mừng ông Putin. Ông đã làm trái lại các lời khuyên và bị chỉ trích.
Những quan chức Nga cũng cực lực phản đối thông tin về bất cứ nỗ lực tài trợ nào của nhà nước để ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016. Mặc dù có một sự thật không thể phủ nhận là vào tháng 11.2016, tin tức về cuộc bầu cử đã nhận được sự hoan nghênh tại Moscow và trong một cuộc họp của Đuma Quốc gia (theo Interfax ngày 9.11.2016). Năm 2016, ông Putin đã nhanh chóng chúc mừng ông Trump và biểu lộ hy vọng sẽ cải thiện các mối quan hệ hai nước (theo Interfax ngày 9.11.2016).
Hy vọng tăng cao tại Moscow rằng dưới thời của chính quyền tổng thống Trump, những mối quan hệ với Washington sẽ được khôi phục. Những sự trao đổi mang tính toàn cầu sẽ được tìm ra và sự bất đồng về địa chính trị sẽ được giải quyết nhờ thiết lập những "đường ranh giới giảm xung đột", gợi nhớ lại về sự phân định ảnh hưởng truyền thống của các cường quốc trong thế kỷ 19 và 20. Ở thời điểm hiện tại, tại Syria cả quân đội Nga và Mỹ đều đã triển khai và tích cực tham gia tình hình tại đây, "đường giảm xung đột" chia cắt các hoạt động của 2 bên đã được thiết lập qua những thỏa thuận quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
Vùng lãnh thổ "giảm xung đột" phân chia Syria đang được duy trì bằng cách thiết lập những đường dây liên lạc cũng như điều tiết và phối hợp các hoạt động quân sự của cả hai bên. Các tướng lĩnh hàng đầu Nga đã ca ngợi thỏa thuận "giảm xung đột" với Mỹ tại Syria nhưng những căng thẳng thực tế đã hủy hoại trạng thái cân bằng bấp bênh này (theo Kp.ru ngày 27.12.2017). Cả tổng tham mưu trưởng Nga ông Gerasimov và Bộ Trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đều cảnh báo khả năng những cuộc xung đột ủy nhiệm tại Syria giữa Nga và các nhóm phiến quân do Mỹ hỗ trợ sẽ leo thang thành một cuộc chiến trực tiếp giữa Nga và Mỹ (theo Militarynews.ru ngày 13.3).
Nga đã trình diễn và thử nghiệm thành công một loạt siêu vũ khí có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang.
Những hy vọng về thỏa thuận "giảm xung đột" toàn cầu giữa ông Putin và ông Trump đã không bao giờ được hiện thực hóa. Những lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt với Nga vì các cuộc xung đột tại Ukraine và Crimea không bị hủy bỏ. Ngược lại, những lệnh trừng phạt mới được Mỹ áp dụng để trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, điều mà Moscow hoàn toàn phủ nhận. Chính quyền tổng thống Trump có vẻ như đang miễn cưỡng áp dụng các lệnh trừng phạt với Moscow vì sự quấy rầy của Nghị viện trong khi hai ông Putin và Trump hầu hết đều tránh công kích cá nhân nhau ở ngoài công cộng. Ngày 20.3, ông Trump đã gọi điện cho ông Putin (chống lại những cố vấn của mình), chúc mừng ông chiến thắng trong cuộc bầu cử. Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý sẽ lên kế hoạch cho một cuộc họp cấp cao trong tương lai.
Trump bảo vệ quyết định chia bàn tay thân thiện của ông để mặc vụ Skripal cũng như tuyên bố về những siêu vũ khí hạt nhân của ông Putin đặc biệt nhắm vào Mỹ, mặc cho những khác biệt và xung đột đang chia rẽ hai siêu cường hạt nhân: "Song hành với Nga là một điều tốt chứ không phải là điều xấu. Họ có thể giúp giải quyết các vấn đề với Triều Tiên, Syria, Ukraine, IS, Iran và ngay cả cuộc chạy đua vũ trang sắp tới". "Thái độ xây dựng" của ông Trump được Moscow đón nhận tích cực nhưng viễn cảnh cho những cải thiện rõ rệt trong quan hệ song phương vẫn rất ảm đạm.
20 nước phương Tây bất ngờ đoàn kết trục xuất hơn 110 nhà ngoại giao Nga sau vụ đầu độc Skripal.
Ông Trump được coi là một người tốt, người đã bằng cách gọi điện và chúc mừng đồng thời đề xuất một cuộc gặp cấp cao đã phá hoại nỗ lực của Anh để vận động một liên minh phương Tây đáp trả vụ đầu độc Skripal. Nhưng nhiều người tại Moscow vẫn lo lắng rằng nỗ lưạccủa những lực lượng chống Nga tại Washington sẽ hủy hoại thành ý của ông Trump muốn đi xa hơn và ký được "thỏa thuận" toàn cầu với Putin (theo Moskovsky Komsomlets ngày 21.3). Lo lắng của Moscow đã thành hiện thực khi ngày 26.3 vừa qua Mỹ đã trục xuất 60 nhà ngoại giao và yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán tại Seattle.
Trong khi nền chính trị Mỹ bị chia rẽ, tại Nga tình huống chính trị có vẻ hoàn toàn khác hẳn: Sau cuộc bầu cử ngày 18.3, nền tảng quyền lực của ông Putin trở nên mạnh mẽ và vững chắc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đang bị đình trệ cùng thu nhập quốc dân bị sụt giảm trong 4 năm qua trong khi kinh tế toàn cầu và Mỹ vẫn đang phát triển. Phần đông người Nga có thể ủng hộ Putin nhưng giới tinh hoa cầm quyền và chính phủ bị chia rẽ làm nhiều bè phái. Ông Putin là một nhân vật thống nhất và là trung tâm của quyền lực nhưng những bộ phận của nền kinh tế tự do của chính phủ Nga và chính quyền Kremlin đang đối lập với cộng đồng tình báo và tổ chức phức hợp công nghiệp - quân sự, đồng thời những đảng phái có rất nhiều quan điểm khác nhau về con đường dẫn nước Nga tới tương lai.
Sau cuộc bầu cử, ông Putin sẽ xây dựng lại chính phủ, thi hành và đưa ra một lộ trình chặt chẽ cho đất nước trong 6 năm, nhắm tới việc tái phát triển kinh tế trong khi giữ cân bằng quân sự với phương Tây và tìm kiếm những giải pháp cho những vấn đề khác biệt nổi cộm. Phương Tây nói nhiệm vụ này sẽ không thể hoàn thành với một người độc đoán đã già cỗi, đã nắm quyền lực quá lâu để có thể tiếp nhận những ý tưởng cách mạng khiến nước Nga có thể quay đầu.