Các Thượng nghị sĩ Nga lưu ý rằng, từ khá lâu trước khi xảy ra khủng hoảng chính trị quốc tế năm 2014, việc bầu Donald Trump làm tổng thống Mỹ và pháp luật Mỹ công bố Nga là đối thủ chính thức của toàn phương Tây, thì đã có những nỗ lực từ bên ngoài nhằm tác động vào ý nguyện của đại đa số công dân Liên bang Nga muốn ông Putin là nguyên thủ quốc gia.
Để giải quyết nhiệm vụ đó, người ta đã nỗ lực làm mất uy tín cá nhân của tổng thống Putin, phá hoại chính sách đối nội và đối ngoại mà ông dẫn dắt ở chính nước Nga và trên thế giới, chia rẽ tối đa các cộng sự xung quanh Tổng thống, kể cả những bạn bè và đồng nghiệp lâu năm của ông Putin. Ngoài ra, người ta thực thi các biện pháp về tổ chức chiến dịch cô lập nhà lãnh đạo Nga, không chỉ trên vũ đài thế giới mà còn ở nội địa Liên bang Nga nữa.
Xét trong các hướng chính trị không thân thiện với Nga, ông Andrei Klimov đứng đầu Ủy ban Hội đồng Liên bang về bảo vệ chủ quyền quốc gia đã lưu ý đến chiêu thức thổi phồng những vụ xì-căng-đan và đủ thứ vấn đề trong giới truyền thông, kể cả những chuyện dàn dựng và ngụy tạo, để kích động chính giới cao cấp của Nga tới những phản ứng tiêu cực hoặc không đúng đắn, thậm chí đẩy đến chỗ buộc phải phạm sai lầm không đáng có. Chuyện ở đây nói về những vụ bê bối, bị khuếch đại bằng đủ loại phương pháp quân sự-chính trị, ngoại giao, tài chính-kinh tế.
Theo lời ông Andrei Klimov, Ủy ban Thượng viện Nga đã phân định 10 thể loại can thiệp từ bên ngoài trong thời kỳ chiến dịch tranh cử mới đây. Trong số đó có việc dùng nguồn kinh phí tài trợ nước ngoài tiến hành những cuộc thăm dò tại các khu vực của Nga, công nhiên ràng buộc các ứng viên cụ thể đang tranh chức tổng thống, ra sức tuyên truyền từ hải ngoại vào lãnh thổ Nga, tiến hành các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài nhắm vào nguồn lực của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga…
Chuyên gia khoa học chính trị, TS Lịch sử Mikhail Smolin đã bình luận về tài liệu của Ủy ban Hội đồng Liên bang:
"Các chính trị gia phương Tây hiểu rằng nếu ông Putin còn tiếp tục nắm quyền càng lâu, thì quốc gia Nga càng ít chịu sự kiểm soát của phương Tây. Và chúng ta thấy xuất hiện số lượng lớn những thông tin, số lượng lớn ấn phẩm phục vụ cho chủ đề rằng lãnh đạo nước Nga cần không phải là Putin, mà là một nhân vật khác.
Người ta tài trợ khá dồn dập cho phong trào đối lập ở nước ta. Nhưng kiểu áp lực như vậy và mọi động thái can thiệp vào công việc nội bộ của Nga không mang lại kết quả thực tế nào trong quá trình bỏ phiếu. Kết quả bầu cử là những dữ liệu chính trị không thể mua chuộc hay tráo đổi. Và phương Tây không thể làm bất cứ điều gì với chuyện này, ngoại trừ những luận điệu phản bác trên bình diện thông tin. Nhưng tất cả những cay cú tốn kém đó không giúp đưa đến bất kỳ thay đổi chính trị dù nhỏ bé", chuyên gia Mikhail Smolin khẳng định.