Phương pháp làm mờ thông tin nhạy cảm không còn an toàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với sự phát triển của AI, việc làm mờ hình ảnh để bảo vệ thông tin nhạy cảm đã không còn là một biện pháp tối ưu.

Ảnh: How To Geek
Ảnh: How To Geek

Đôi khi có những thông tin mật trong ảnh mà người dùng không muốn công khai chẳng hạn như số thẻ tín dụng hoặc khuôn mặt của ai đó, bạn có thể làm mờ hoặc vẽ nguệch ngoạc lên đó. Tuy nhiên, giờ đây phương pháp này không còn đáng tin cậy nữa.

Mọi người đã làm mờ thông tin nhạy cảm trong ảnh chụp màn hình và ảnh trong một thời gian dài. Phương pháp này thậm chí còn được sử dụng khá nhiều trong tin tức và các hình thức truyền thông khác. Tuy nhiên, khi công nghệ tiến bộ, việc bẻ khóa các hình ảnh bị mờ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vậy vấn đề là gì?

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas và Đại học Cornell (Mỹ) gần đây đưa một thuật toán học sâu đơn giản vào nhiệm vụ xác định các khuôn mặt bị mờ. Kết quả là thuật toán cung cấp độ chính xác từ 71% - 83% khi đưa ra 5 lần đoán. Điều này là rất đáng báo động.

Trên thực tế, các công cụ như thế này đã xuất hiện được một thời gian - nghiên cứu trên là từ năm 2016 - và không quá khó sử dụng. Nhiều công cụ tương tự đã được đào tạo để nhận dạng khuôn mặt bị làm mờ, với tất cả những gì người dùng cần là một số phần mềm nguồn mở và một loạt ảnh mờ để huấn luyện nó.

Không khó để thấy những công nghệ này có thể được sử dụng đối với những thông tin nhạy cảm hơn, chẳng hạn như số thẻ tín dụng, biển số xe, số an sinh xã hội... Phương pháp làm mờ có thể dễ dàng qua mắt con người, nhưng đánh lừa các thuật toán máy móc lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Do đó, việc làm mờ văn bản và ảnh không còn là cách tốt nhất để xóa thông tin nhạy cảm, nhưng còn nhiều điều hơn thế nữa. Đôi khi, việc tô đè lên thông tin nhạy cảm sẽ gây ra những lo ngại về bảo mật. Trong quá khứ, CEO nhóm PlayStation của Sony đã làm rò rỉ các tài liệu bí mật với một loạt các con số, ngày tháng và số liệu được che bằng bút Sharpie đen. Tuy nhiên, khi các tài liệu đó được quét bằng công nghệ, những con số bị tô đè sẽ dần hiện lên. Giờ đây, mọi người có thể xem chi tiết các hoạt động kinh doanh của Sony cho dù công ty đã cố gắng che giấu chúng.

Vì lý do này, người dùng nên tránh sử dụng phương pháp làm mờ để che giấu thông tin nhạy cảm. Làm mờ hoặc vẽ các đè lên thông tin sẽ không còn an toàn nữa. Đôi khi người dùng chỉ tạo một lớp màu đen đè lên hình ảnh muốn che, tuy nhiên chúng có thể dễ dàng bị xóa nếu thao tác không cẩn thận.

Phương pháp tốt nhất

Capture.PNG
Ảnh: How To Geek

Cách tốt nhất để thực sự che đậy thông tin nhạy cảm là đảm bảo không để lại dấu vết nào. Điều này đòi hỏi bạn phải nỗ lực nhiều hơn, nhưng thông tin mật sẽ luôn được giấu kín

Ví dụ với hình ảnh Apple Card trong bài viết. Việc làm mờ tên sẽ khiến con người khó đọc được bằng mắt thường nhưng chúng có thể được xử lý bởi công cụ máy học. Vì vậy, cách tốt nhất là chặn hoàn toàn tên bằng một dải màu màu đặc.

Capture.PNG
Ảnh: How To Geek

Cuối cùng, có một điều quan trọng khác cần phải để tâm. Khi bạn giấu thông tin từ một hình ảnh hoặc tài liệu, bạn cần đảm bảo phương pháp bạn sử dụng thực sự có thể che giấu thay vì chỉ ẩn đi.

Nếu định dạng bạn đang làm việc, có thể là tệp hình ảnh hoặc tài liệu, hỗ trợ việc tiếp tục chỉnh sửa, thì bạn có thể sẽ gặp vấn đề khi tô đè thanh màu đậm lên thông tin nhạy cảm. Bởi lẽ, người khác có thể dễ dàng truy cập vào tập tin và hoàn tác hành động đó của bạn giống như việc lột bỏ lớp băng dính che phủ trên bức tranh.

Đây là một vấn đề đã tồn tại từ lâu và hiện đang dần nguy hiểm khi song hành cùng sự phát triển của AI. Các phần mềm nổi tiếng như Adobe Acrobat và Preview có các công cụ che giấu đặc biệt, giúp xóa và ghi đè lên dữ liệu nhạy cảm để tránh vấn đề này. Vì vậy, điều quan trọng là người dùng cần sàng lọc, và chọn những giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ thông tin cá nhân. Theo How To Geek, phương pháp hiệu quả nhất vẫn là xóa bỏ những thông tin nhạy cảm đó ra khỏi tập tin thay vì cố gắng che giấu bằng các công cụ không đáng tin cậy.

Thông tin nhạy cảm rất quan trọng, vì vậy đừng đi đường tắt khi cần ẩn thông tin đó và luôn kiểm tra kỹ phương pháp bạn đã sử dụng để biên tập lại thông tin đó.

Theo How To Geek