Phương pháp canh tác mới có thể làm thay đổi 5.000 năm kinh nghiệm trồng lúa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty Israel phát triển công nghệ tưới mới cho cánh đồng lúa nước, thay thế phương pháp canh tác hơn 5000 năm tuổi, cho phép giảm 1/3 lượng nước, 30 % phân bón, 36% năng lượng và phát thải mê tan bằng không.
Trồng lúa trên cánh đồng lúa truyền thống ở Bali, Indonesia. Ảnh NoCamels
Trồng lúa trên cánh đồng lúa truyền thống ở Bali, Indonesia. Ảnh NoCamels

Nông dân đã trồng lúa nước trên những cánh đồng trong 5.000 năm qua. Không ai cải thiện phương pháp canh tác đã được thực nghiệm và thử nghiệm, làm ngập cây với lượng nước từ 4 đến 6 inch (10–15 cm) cho đến nay.

Netafim, công ty Israel đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ “tưới nhỏ giọt” từ năm 1965, đang tạo ra một cuộc cách mạng trong phương thức trồng lúa ngàn đời nay.

“Tưới nhỏ giọt” là phương pháp sử dụng ít hơn một phần ba lượng nước để trồng cùng một lượng gạo với cùng chất lượng, trên cùng một vùng đất. Phương pháp này có ý nghĩa rất lớn, vì canh tác lúa nước hiện đang sử dụng tới 40% lượng nước ngọt thế giới.

Trồng lúa trên cánh đồng lúa truyền thống ở Bali, Indonesia. Ảnh NoCamels

“Tưới nhỏ giọt” cũng sử dụng phân bón ít hơn 30% và tiêu tốn năng lượng ít hơn 36%. Đồng thời phương pháp này làm giảm lượng khí mê-tan khổng lồ bốc lên từ vùng nước tù đọng xuống gần như bằng không.

Hai phần ba dân số thế giới sử dụng gạo làm nguồn dinh dưỡng chính. Mỗi năm, hơn 500 triệu tấn gạo được trồng, tạo ra khoảng 1/5 lượng khí thải mê-tan toàn cầu.

Việc giảm đáng kể lượng khí thải mêtan, có hại gấp gần 30 lần so với carbon dioxide, có nghĩa là lần đầu tiên những người trồng lúa chuyển sang “tưới nhỏ giọt” có thể bán tín dụng xả thải carbon cho những ngành công nghiệp, đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Trồng lúa bằng phương pháp tưới nhỏ giọt, chỉ sử dụng một phần ba lượng nước, ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh NoCamels

Trồng lúa bằng phương pháp tưới nhỏ giọt, chỉ sử dụng một phần ba lượng nước, ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh NoCamels

Khu canh tác lúa LaFagiana gần Venice, Ý trở thành trang trại lúa tưới nhỏ giọt đầu tiên được chứng nhận độc lập đã giảm phát thải khí nhà kính để có thể bán tín dụng carbon.

Các doanh nghiệp (đặc biệt là ở châu Âu) nhận được một số khoản tín dụng nhất định hàng năm, mỗi khoản tín dụng đại diện cho quyền thải ra lượng khí thải tương đương với một tấn carbon dioxide.

Những công ty không thể dễ dàng giảm lượng khí thải sẽ phải hoạt động với chi phí tài chính cao hơn hoặc có thể phải mua những khoản tín dụng này từ các công ty không phát thải khí nhà kính. Tín dụng carbon tạo ra động lực tiền tệ, thúc đẩy các công ty giảm lượng khí thải carbon của doanh nghiệp.

Gaby Miodownik, chủ tịch phụ trách nông nghiệp chính xác của Netafim cho biết: “Chỉ cần 10% nông dân trồng lúa toàn cầu chuyển sang canh tác nhỏ giọt, lượng khí thải giảm tương đương với việc loại bỏ 40 triệu ô tô ra khỏi đường giao thông.

“Chương trình này đánh dấu lần đầu tiên tín dụng carbon được tạo ra trên cơ sở áp dụng công nghệ tưới tiêu. Netafim vô cùng tự hào là doanh nghiệp dẫn đầu sáng kiến ​​này. Đối mặt với biến đổi khí hậu, con đường chắc chắn duy nhất dẫn đến nông nghiệp bền vững là sản lượng tăng nhiều hơn với ít đất hơn, ít nước hơn và lượng khí thải nhà kính ít hơn đáng kể.”

Những người đi tiên phong trồng lúa bằng "Tưới nhỏ giọt" ở La Fagiana, Ý. Video Netafim

Netafim đã áp dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế này, được sử dụng để trồng hàng chục loại cây trồng khác, từ alfafa đến chè, hành tây, quả việt quất để trồng lúa. Sử dụng một mạng lưới đường ống, công nghệ này cung cấp chính xác lượng nước (và phân bón) phù hợp cho cây lúa đến từng giọt một.

Các nghiên cứu độc lập đã xác minh tính chính xác trong tuyên bố của doanh nghiệp, đạt được năng suất tương tự chỉ với một phần nhỏ nước. Nông dân, những người do dự về đổi mới, đang bị thuyết phục.

John Farner, giám đốc phát triển bền vững toàn cầu của Netafim cho biết: “Nông dân là những người thông minh, họ muốn biết công nghệ đó có hoạt động hay không trước khi chính thức đưa vào sử dụng. Vì vậy, một phản ứng tự nhiên là có sự do dự trong việc áp dụng những công nghệ mới trước khi hiểu đầy đủ về bản chất và hiệu quả.”

Hệ thống tưới tiêu được cấp bằng sáng chế của Netafim cung cấp nước từng giọt vào đúng thời điểm cần thiết. Ảnh NoCamels

Hệ thống tưới tiêu được cấp bằng sáng chế của Netafim cung cấp nước từng giọt vào đúng thời điểm cần thiết. Ảnh NoCamels

Ông nói thêm: “Chúng tôi đang thách thức cách trồng lúa hàng ngàn năm nay, vì vậy tất nhiên sẽ có rất nhiều câu hỏi. Nhưng tôi tin rằng công nghệ này, khi được sử dụng một cách thích hợp, với các loại hình đầu tư phù hợp, sẽ có cơ hội trở thành phương pháp trồng lúa “bình thường mới” trên toàn cầu.

“Tôi không nghĩ rằng thế giới của chúng ta có đủ khả năng để làm mọi thứ theo cách người nông dân đã làm trong nhiều năm, đặc biệt là khi tính đến những tác động môi trường mà việc trồng lúa tạo ra, như đang được thực hiện ngày nay. Chúng tôi không thể làm một cuộc cách mạng vào ngày mai, chúng tôi biết rằng để thay đổi một truyền thống sẽ mất nhiều thời gian.”

Cây lúa non được tưới trên cánh đồng “khô” bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh NoCamels

Cây lúa non được tưới trên cánh đồng “khô” bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh NoCamels

Áp dụng công nghệ mới, người nông dân phải đầu tư, mua đường ống, máy bơm và nhiều thiết bị khác chứ không chỉ đơn giản là mở van cho nước tràn vào ruộng. Vì vậy, công nghệ cần bao lâu để bù đắp được khoản đầu tư ban đầu?

Ông Farner nói: “Chi phí đầu tư thực sự phụ thuộc vào vị trí của người nông dân trên toàn cầu, sản lượng là bao nhiêu, chi phí cho nước tưới và phân bón cũng khác nhau trên toàn cầu.”

“Đây là lý do tại sao chúng tôi rất muốn người nông dân được hưởng lợi ích. Nếu nông dân sử dụng công nghệ bền vững này, đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để thay đổi cách trồng lúa gạo trên toàn cầu, cần phải có chính sách bù đắp những khoản đầu tư ban đầu.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi rất vui mừng được trở thành những người đầu tiên tạo ra các khoản tín dụng carbon cho người nông dân bằng phát minh ​​này.”

Tưới nhỏ giọt định hình tương lai của ngành nông nghiệp lúa gạo. Video Netafim

Tưới nhỏ giọt, công nghệ cho phép đạt được những tiến bộ về tính bền vững trong canh tác, có vẻ đơn giản nhưng lại phức tạp một cách phi thường.

Farner nói: “Có rất nhiều lần thử nghiệm và sai lầm. Chúng tôi đã khởi đầu và rất mong đợi những đối thủ cạnh tranh sẽ hỗ trợ chúng tôi trong việc hoàn thiện công nghệ ở mức độ cao hơn và cung cấp những loại giải pháp này cho người nông dân.

Trong quá trình phát triển, chúng tôi đã thực sự lắng nghe những người trồng trọt để đảm bảo rằng mọi thứ đều dễ dàng nhất có thể, lượng phân bón, lượng nước và phương thức và khoảng cách tạo ra các đường nước nhỏ giọt thực tế có ý nghĩa rất lớn với ruộng lúa đang cấy.”

Thu hoạch lúa tại trang trại LaFagiana, gần Venice, Italy. Ảnh NoCamels

Thu hoạch lúa tại trang trại LaFagiana, gần Venice, Italy. Ảnh NoCamels

“Chúng tôi sử dụng kinh nghiệm không chỉ từ Israel và phương pháp trồng trọt trên sa mạc, mà còn sử dụng kinh nghiệm mang tính toàn cầu lớn nhất so với bất kỳ công ty thủy lợi nào khác trên thế giới.”

Những cánh đồng lúa truyền thống đòi hỏi phải hoàn toàn bằng phẳng, để không có chỗ nào lúa bị ngập quá sâu hoặc bị thiếu nước. Hệ thống tưới nhỏ giọt của Netafim có ưu thế hơn là hoạt động hiệu quả trên cả sườn dốc và địa hình bằng phẳng, mở ra cơ hội sử dụng những vùng đất trước đây không phù hợp cho trồng lúa hoặc giảm thiểu công lao động để cải tạo mặt ruộng.

Theo NoCamels