Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam làm việc với UBND Thành phố Hải Phòng.
Nội dung làm việc là để rà soát, xem xét cụ thể quy định về mức thu, đối tượng tính phí, nộp phí, tình trạng chồng lấn, trùng lắp (nếu có) và việc thực hiện thu phí trên của Thành phố Hải Phòng đảm bảo phù hợp với Luật phí và lệ phí, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2017.
Đáng lưu ý, chỉ đạo của Phó Thủ tướng chỉ bao hàm những vấn đề về rà soát việc thực hiện thu phí trên của Thành phố Hải Phòng đảm bảo phù hợp với Luật phí và lệ phí. Trong khi, bản thân các quy định này đã phân cấp cho phép các địa phương được quyền thu phí hạ tầng. Tức là, việc thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng là đã được cho phép, căn cứ theo Luật Phí là Lệ phí.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Hải Phòng được phép thu phí những hạ tầng do địa phương này đầu tư.
Tuy nhiên, hiện không rõ khái niệm khu vực cửa khẩu cảng biển mà Hải Phòng đưa ra trong nghị quyết về thu phí của HDND thành phố là khu vực nào, bao gồm những gì.
Mặt khác, "trong khu vực cảng biển" mà nghị quyết thu phí của Hải Phòng nhắc tới có bao nhiêu phần hạ tầng do Hải Phòng đầu tư từ nguồn vốn địa phương cũng không được cho biết cụ thể.
Những vấn đề chưa được làm rõ này, tiếp tục được Hải Phòng nhắc tới trong thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí.
Việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển đã gây phản ứng dữ dội từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chính quyền một số tỉnh cũng bày tỏ sự không hài lòng với quyết định này của thành phố Hải Phòng.
Trước đó, từ ngày 1/1/2017, thành phố Hải Phòng triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Theo UBND thành phố, phần thu này nhằm mục tiêu bù đắp chi phí duy tu bảo dưỡng duy trì, phục vụ tái tạo công trình hạ tầng kĩ thuật ở khu vực cửa khẩu.
Theo UBND thành phố Hải Phòng, mấy chục năm qua, Hải Phòng đã đầu tư "hàng trăm nghìn tỷ đồng" cho hệ thống giao thông kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường quốc lộ 5, quốc lộ 10, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kết nối khu vực cảng biển với các khu dịch vụ logistics, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Nhưng do "nguồn thu ngân sách thành phố rất hạn hẹp, không đủ để duy tu, bảo trì" nên Hải Phòng buộc phải thực hiện thu phí theo Luật Phí " để có kinh phí phục vụ cho việc xây dựng và bảo trì các tuyến đường trên".
Và, số kinh phí trên "cũng chỉ đáp ứng được một phần so với tổng nhu cầu xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng..." - thông cáo báo chí của Hải Phòng nêu.