Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội hôm qua, xung quanh chủ trương Nhà nước sẽ thoái sâu, thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang đại diện, trong đó có FPT, Vinamilk hay Bảo hiểm Bảo Minh... Ông hiện là người đứng đầu Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
- Đề nghị Phó thủ tướng cho biết lý do Chính phủ quyết định đẩy nhanh thoái vốn tại 10 doanh nghiệp này?
- Chủ trương của Chính phủ trong sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã có từ lâu, trong đó có việc thoái vốn ở những doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực then chốt hay địa bàn trọng yếu, là những nơi mà doanh nghiệp tư nhân có thể làm được và làm tốt.
Đối chiếu với tiêu chí này thì các doanh nghiệp mà Chính phủ yêu cầu SCIC lên lộ trình và phương án thoái vốn mới đây đều thuộc danh mục không cần Nhà nước nắm giữ. Ngoài ra, thông qua thoái vốn, Chính phủ muốn đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp, để Nhà nước rút nguồn lực tập trung vào những nơi mà các thành phần khác không được làm hoặc không muốn làm.
Thoái vốn cũng là cách giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức quản lý theo hướng hiệu quả hơn. Trong nhiều doanh nghiệp, đây có khi còn là tiêu chí quan trọng nhất.
- Nhưng việc ưu tiên thoái vốn ở các doanh nghiệp đang làm ăn tốt lần này liệu có phải xuất phát từ việc Nhà nước muốn thu được tiền ngay trong bối cảnh ngân sách khó khăn?
- Phải thấy rằng trong số này nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn từ lâu chứ không phải giờ mới tính đến. Cũng có nhiều công ty Nhà nước không còn chi phối, khi mà tỷ lệ vốn SCIC đang đại diện chỉ từ 40% đến dưới 50%. Tất nhiên cũng phải lựa chọn thoái vốn ở những doanh nghiệp mà khả năng bên ngoài đầu tư tốt. Như thế mới mong bán vốn thành công nhất.
- Báo cáo trước Quốc hội hôm 20/10, Bộ Tài chính muốn bổ sung 40.000 tỷ tiền thu bán vốn vào cân đối ngân sách trung ương 2015 và 2016. Vậy cụ thể mục đích chi đã được dự trù như thế nào?
- Trong báo cáo chi tiết gửi Quốc hội, Chính phủ cũng đã nói. Theo đó, sẽ tập trung chi cho đầu tư phát triển, mà trước hết là để xây dựng các công trình cấp bách, có sức lan tỏa đến kinh tế - xã hội.
Tôi cũng khẳng đinh lại là không có chuyện vì thu ngân sách khó khăn mà Chính phủ yêu cầu thoái vốn nhanh để bổ sung nguồn thu. Chúng ta đã bán vốn từ lâu và cả hàng trăm nghìn tỷ rồi chứ không phải đến bây giờ mới làm.
- Sau khi Chính phủ công bố chủ trương, nhà đầu tư có thể tham gia vào việc thoái vốn này như thế nào?
- Cách thức với từng doanh nghiệp một thì sẽ phải chờ đến khi SCIC xây dựng xong rồi trình lại Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm chung là phải đấu giá, kể cả doanh nghiệp đó đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán hay chưa.
Nếu đã niêm yết thì đấu và khớp lệnh theo quy chế giao dịch trên sàn. Nếu chưa niêm yết mà có nhiều hơn một nhà đầu tư tham gia mua thì đấu giá giữa các nhà đầu tư. Đấu lần một không được thì lần hai. Tất cả phải đấu giá theo thị trường để minh bạch công khai hết. Làm sao để Nhà nước thu được lợi nhiều nhất.
- Chính phủ đặt yêu cầu về thời gian như thế nào đối với việc thoái vốn của SCIC, thưa ông?
- Tất nhiên không thể nói thoái là có thể bán ngay được mà phải có phương án trình Chính phủ. Trước đây Quyết định 37 cũng đã đưa ra danh mục, dự kiến lộ trình nhưng nay văn bản này cũng đang được rà soát lại. Thời điểm cũng phải căn cứ vào tình hình thị trường nữa. Làm sao để Nhà nước có lợi.
Theo Vnexpress