Phidel Castro được bảo vệ đặc biệt như thế nào khi đến Liên Xô?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bảo vệ các yếu nhân là việc làm quan trọng và vô cùng phức tạp, đặc biệt là với Phidel. Chúng ta hãy cùng nghe câu chuyện của Thượng tá Xergei Iacovlevich Golosov từng công tác tại Cục 9 KGB Liên Xô.
Fidel Castro.
Fidel Castro.

Suốt 30 năm công tác trong các cơ quan của hệ thống an ninh, Golosov đã làm công tác bảo vệ yếu nhân trong nước và quốc tế. Vì ông tốt nghiệp đại học KGB khoa tiếng Tây Ban Nha nên quá trình phục vụ của ông phần nhiều liên quan đến các khu vực nói tiếng Tây Ban Nha.

Ông may mắn được gần gũi với Phidel và Raul Castro, Luis Corvalan. Với Lucho huyền thoại - lãnh đạo đảng cộng sản Chi lê - Xergei đã trải qua nhiều thời gian, từng chỉ huy đội bảo vệ của ông. Khi phóng viên bắt đầu trò chuyện với Xergei Iacovlevich về Phidel Castro, ông nhớ lại thời điểm đó trong tiểu sử cá nhân: “Đầu những năm 1960, tôi - chàng thanh niên 20 tuổi đến từ Tula - bước lên tàu điện ngầm ở ga “Quảng trường cách mạng” và nhìn thấy rất đông người đang vui mừng chào đón đoàn xe chính phủ chạy ngang qua.

Tôi hỏi người xung quanh và được biết Phidel Castro đang có chuyến thăm chính thức Liên Xô. Đối với người dân Liên Xô, Phidel là ai chắc không cần phải giải thích. Đó là một người hùng, một tấm gương cho người khác học tập, là người mà tất cả mọi người đều yêu mến. Lúc đó tôi không thể nghĩ rằng sau 10 năm nữa tôi không chỉ nhìn thấy ông, mà còn giao tiếp và thậm chí là bảo vệ ông nữa. Phidel thường đi vào đời sống của tôi và ở lại trong ký ức tôi”.

Câu chuyện với tác phẩm điêu khắc

- Xergei Iacovlevich, ông đã làm quen với Phidel Castro như thế nào, nhìn chung mọi người đến với công việc bảo vệ yếu nhân như thế nào?

- Việc đến với các yếu nhân không hề đơn giản. Chỗ chúng tôi thường là những nhân vật được bảo vệ. Trích ngang lý lịch của nhân viên bảo vệ và ảnh của họ cũng được xem xét, nghiên cứu kỹ. Tôi không được làm việc gần gũi ngay với Phidel với tư cách đội phó đội bảo vệ. Ban đầu có một số khoảng cách, tôi làm việc trong hệ thống bảo vệ các chuyến đi.

Năm 1972 Phidel sang thăm Liên Xô và đi thăm một số thành phố, tôi cũng đi tháp tùng. Lúc đó tôi không được đi cùng xe với ông, mà như mọi người thường nói, tôi “theo đuôi”. Và tôi thực hiện những công việc bình thường đối với chúng tôi là bảo vệ, khép kín vòng tròn. Nhưng nhìn thấy ông ở gần cũng như ông cũng nhìn thấy tôi.

Ông thực sự nhận ra tôi sau tình huống ở Habana, trong thời gian các chuyến công tác của tôi tới Cu Ba. Đó là năm 1978. Trên hòn đảo Tự do đang diễn ra Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới. Đoàn đại biểu Liên Xô do bí thư Ban chấp hành trung ương và uỷ viên Bộ chính trị lúc đó là Mironovich Masherov dẫn đầu. Ông có kế hoạch cho chủ nhà bất ngờ.

Nhưng tôi thấy rằng, trong thời gian những cuộc gặp tương tự, đội bảo vệ phải trao đổi mọi chi tiết để không bị bất ngờ…

Bất ngờ là đối với Phidel. Dường như mọi người đã hứa không để ông biết gì. Masherov mời tôi đến, chỉ vào bức điêu khắc bằng đồng và nói: “Cần bí mật đặt tác phẩm nghệ thuật này vào phòng làm việc của Phidel Castro, để sau khi đàm phán, món quà này sẽ là một sự bất ngờ đối với ông. Cậu làm được chứ?”

- Bức tượng đó là gì vậy?

- Quả thật là khác thường. Hai bức chân dung Phidel bằng đồng. Bức thứ nhất là một du kích trẻ tuổi với khẩu súng trường sau lưng được dựng toàn thân. Bức tượng cao khoảng nửa mét. Còn bức thứ hai lớn gấp đôi- đó là bức tượng bán thân lãnh tụ cách mạng Cu Ba ở tuổi trung niên, nhìn toát lên vẻ một chính khách và một nhà tư tưởng. Theo lời Masherov, nhiệm vụ của nhà điêu khắc là thể hiện Phidel Castro từ một du kích trở thành nhà lãnh đạo quốc gia và nhà hoạt động chính trị xuất chúng.

- Hành động của ông?

- Tôi đã giải thích cho nhân viên an ninh Cu Ba về vấn đề này. Họ đồng ý tất cả. Nhưng đúng lúc, tuân thủ nghiêm ngặt biên bản làm việc của Castro-Masherov và kế hoạch đã thảo luận, tôi có mặt trong phòng làm việc của Phidel và chuyển dịch các bức tượng từ chỗ này sang chỗ khác sao cho ông có thể nhìn thấy rõ hơn.

Tôi hình dung nét mặt ông khi gỡ tấm vải phủ lên bức tượng sẽ như thế nào. Đột nhiên tôi cảm thấy cái nhìn của ai đó nhắm vào mình. Vội ngoảnh lại: sau lưng tôi là vị lãnh tụ với khẩu súng ngắn dắt ngang thắt lưng và điếu xì gà trên tay. Tôi lắp bắp gì đó với ông. Còn ông đứng đó ngắm hai bức chân dung với vẻ hiếu kỳ. Tôi biết rằng đó là bức tượng đầu tiên của ông. Ông nhanh chóng thích hai bức tượng chân dung này. Phidel tiến lại gần, nắm tay tôi rồi vỗ vào vai tôi.

Dù khi đó tôi chưa hoàn thành hoàn toàn sứ mệnh của mình, nhưng tôi nghĩ rằng vì tôi đã thoả thuận với đội bảo vệ của ông, và họ đã rỉ tai ông về kế hoạch này.

- Có thể xảy ra sự việc, khi bước vào phòng mình thấy có người lạ, Phidel rút súng bắn thì sao? Bởi ông ấy là người nóng tính mà…

Có thể, nếu như quả thật ông chưa biết gì. Mà cuộc gặp lại rất thú vị. Masherov và Phidel, cả hai đã từng là du kích, họ đã tìm được tiếng nói chung.

- Lãnh đạo Liên Xô có phân biệt Castro với các nguyên thủ các nước xã hội chủ nghĩa khác không?

- Với Cuba không thể quan hệ đơn giản như đối với các nước vệ tinh của chúng ta, chẳng hạn Bungari hay Mông Cổ được. Và Phidel luôn độc lập, tự chủ, đĩnh đạc. Ra sân bay đón Phidel Castro luôn là những uỷ viên đáng kính nhất của Bộ chính trị. Và đón tiếp ông ở cấp cao nhất.

Quay lại với các sự kiện năm 1978, tôi nhận thấy rằng, kể từ đó Phidel không chỉ nhận ra tôi, mà còn chào hỏi và tôi cảm nhận được thái độ đặc biệt của ông đối với tôi. Miêu tả điều này thật phức tạp, nhưng sự cảm nhận là hoàn toàn chính xác.

- Ông giao tiếp với các nguyên thủ Cuba như thế nào? Gọi tên họ à?

- Tất nhiên là không rồi. Với Phidel phải gọi “Ngài tư lệnh”, với Raul thì gọi “Ngài bộ trưởng”.

Tư lệnh với khẩu Rulô

- Ông nói rằng, trong cuộc gặp gần nhất của ông, Phidel đeo khẩu rulô ở thắt lưng?

Lúc nào cũng vậy. Cả ở Cu Ba. Cả ở đây, ở Liên Xô này.

- Cả trong các cuộc gặp gỡ với Brezhnev sao? Đồng nghiệp của ông, tướng Titcov, kể lại rằng, trước cuộc gặp với Leonid Ilich Brezhnev ông ấy đã buộc phải “tước vũ khí” của Iaser Araphat?

Tôi biết chuyện này. Nhưng đó là hai nhân vật khác nhau cả về ý nghĩa, cả về trí lực, cả về mức độ phát triển chung. Phidel hiểu rõ, có thể tới đâu với khẩu súng ngắn trong người và tới đâu thì không được. Nhưng có súng bên người ông cảm thấy yên tâm gấp bội lần, cả ở dinh thự của mình ở Habana, và thậm chí cả ở những mục tiêu được bảo vệ của chúng ta.

- Được biết rằng, khi anh em Castro đi săn ở Liên Xô, họ mang theo những khẩu súng trường M-14 của mình. Vào thời ông có như vậy không?

- Tôi chưa đi săn với Phidel lần nào. Còn với Raul thì nhiều lần. Ông ấy đã sử dụng vũ khí của chúng ta.

- Thế các uỷ viên Bộ chính trị? Họ mang súng của mình đi hay sử dụng súng săn đã được chuẩn bị sẵn cho họ?

Những người được chúng tôi bảo vệ đều mang theo súng của mình. Họ dùng những khẩu súng nào họ cho là tốt nhất. Mỗi uỷ viên Bộ chính trị có rất nhiều súng săn. Brezhnev và Grechco có tới hàng trăm cây súng săn. Còn khi đi săn, có cả súng săn, cả cac bin. Mọi người chọn tuỳ theo ý các vị khách. Nếu bạn là nhà lãnh đạo lớn- đưa cho bạn khẩu tốt hơn, nếu làng nhàng thì có vũ khí phù hợp.

- Đồng nghiệp Alecxei Alecxeevich Salnicov của ông đã kể cho tôi rằng, dưới thời Khrusev, anh em Castro dường như đã bay từ Risunda tới Iaroslav, nhưng lại có mặt ở Severomorxk, từ đó bay thẳng về Cuba. Thời ông có trường hợp như thế không?

Hoàn toàn đúng. Cả chúng tôi cũng làm đúng như vậy. Tôi còn nhớ năm 1981 Phidel Castro sang Liên Xô dự đại hội đảng, còn năm 1982 ông sang dự lễ tang Brezhnev, tôi đã hai lần đưa ông về Cuba. Báo chí đưa tin rằng ông sẽ bay từ sân bay Sheremetievo. Trên thục tế, ông bay từ sân bay nào, cả máy bay cho ông, cả hành trình đều được giữ bí mật. Rất nhiều kẻ rình rập để sát hại lãnh tụ cách mạng của Cuba.

- Cách đây không lâu tổng thống của chúng ta đã kể rằng, khi ông ấy trò chuyện với Phidel về các vụ mưu sát nhằm vào vị tư lệnh này và về việc Phidel đã may mắn tránh được những hậu quả bi kịch. Phidel đã trả lời: “Vấn đề ở chỗ tôi luôn tự đảm bảo an ninh cho mình”.

- Chính xác. Theo quan sát của tôi. Các thành viên đoàn đại biểu Cuba thường tập trung ở đâu đó trong dinh thự của mình và tranh luận các vấn đề của mình. Thường là trong phòng chiếu phim. Tình hình yên tĩnh, được kiểm soát. Địa điểm này được bảo vệ nghiêm ngặt. Và vào một thời diểm nào đó, tôi cần bước vào phòng và thông báo về điều gì đó. Có khoảng 5 hay 6 người trong phòng.

Tôi bước vào và thấy, ngoài Phidel, chẳng có ai phản ứng lại với tiếng cánh cửa mở cả. Ngay lập tức bạn sẽ bắt gặp cái nhìn tập trung của ông. Có bất kỳ động tĩnh gì ông đều nhận biết hết. Ông luôn rất cẩn thận. Nhân thể, ông không bao giờ cho ai biết về kế hoạch của mình, kể cả những người gần gũi với ông nhất.

- Người ta nói rằng ở Cuba, Phidel có cả chục dinh thự và không ai biết ông qua đêm ở dinh thự nào.

- Ông thường xuyên thay đổi chỗ ở, đó là sự thật. Thậm chí ở đất nước chúng ta, trong thời gian các chuyến thăm hữu nghị, buổi sáng không thể tìm thấy ông ở các nơi nghỉ trang trọng được chuẩn bị cho ông. Thật ra, tôi cũng biết tìm ông ở đâu và ông ở với ai, nhưng đối với người lạ chỗ ngủ đêm của ông được giữ bí mật, trong đó với chính cả ông. Tôi nhớ chuyến thăm Liên Xô của ông năm 1972 theo hành trình Zavidovo- Voronezh- Minxk. Trong các biệt thự, mỗi vị khách được bố trí phòng phù hợp với vị trí của họ. Song tìm thấy mỗi người riêng biệt là điều vô ích. Sáng ra tôi phát hiện các vị khách Cuba đang ngủ kiểu gặp chăng hay chớ, hoặc đang cùng ở trong căn phòng nhỏ nhất. Cùng với Phidel chủ yếu là con trai Hose của ông, trợ lý ChomiBaruecos và bộ trưởng nội vụ và an ninh Hose Abrantes. Và thường xuyên như vậy.

Lằn ranh đỏ bị cấm

- Quay lại việc làm quen và bắt đầu công việc dày đặc hơn. Quá trình phát triển thế nào? Các mối quan hệ giữa người bảo vệ và người được bảo vệ có thể gần gũi đến mức nào? Họ có thể cùng uống trà, trò chuyện quanh bàn nước được không?

Ở đây cần phân định ranh giới ngay: nếu như bạn làm việc với người được bảo vệ thì đó là một số điều kiện, nếu như với khách nước ngoài - thì điều kiện lại khác. Bây giờ tôi đối chiếu thế này. Alecxandr Corzhacov đã viết cuốn sách nhỏ “Bầy quỉ”. Tất nhiên trong cuốn sách vừa nêu anh ta có vấy chút bùn bẩn, nhưng ở đó cũng có nét đặc biệt.

Trong trường hợp của anh ta, quan hệ với Elsin trở nên thân thiết không thể cho qua được. Mối quan hệ như thế giữa người bảo vệ và người được bảo vệ cần bị loại trừ. Tính đến việc tính cách không mạnh mẽ và những khiếm khuyết nhất định của Elsin, Corzhacov bắt đầu lạm quyền ông. Và Elsin đã làm đúng khi sa thải anh ta. Đặc biệt nếu tính đến những đặc điểm tính cách của Alecxandr Vaxilievich.

- Ông đã từng làm việc với Corzhacov chưa?

- Corzhacov đã vào đơn vị anh ta làm việc do đơn xin của tôi. Bản thân anh ta có lẽ cũng không nhớ điều đó. Năm 1975 tôi được chỉ định chịu trách nhiệm rèn luyện chiến đấu và thể chất ở Cục bảo vệ yếu nhân. Đó là khi tôi bị thất sủng. Nhưng ban lãnh đạo phòng 18 của tôi lại đối xử tốt với tôi khá tệ. German Anatolievich Romanenco nói với tôi: "Xergei, dù sao bây giờ cậu cũng chưa có việc gì để làm. Nếu có thể, cậu hãy thực hiện đào tạo thể chất cho anh em”. Chẳng là khi ấy trong 12 phân đội của Cục 9 KGB, phân đội của chúng tôi đứng cuối cùng về thể thao. Tướng Shornicov, khi họp tổng kết, đã nói: “Nhìn chung, cần xem chúng ta tin tưởng giao mạng sống của các vị lãnh đạo của chúng ta cho ai, nếu như người đó thậm chí không thể đu xà nổi…”

Phidel chụp cùng Xergei
Phidel chụp cùng Xergei

Để bắt đầu, tại đại hội thể thao sau đó, bằng sức mình chúng tôi đã leo lên vị trí thứ 6. Sau đó lại bắt đầu “chiến đấu” để giành vị trí số 1. Corzhacov được tôi phát hiện cho đội bóng chuyền của chúng tôi. Còn quay lại mối quan hệ với những nhân vật được bảo vệ - có một lằn ranh đỏ cấm không được vượt qua. Mà Corzhacov lại cố bước qua.

- Đôi khi, nhân viên bảo vệ có thể tự thể hiện rằng anh ta được chú ý đặc biệt, rằng người được bảo vệ chú ý đến anh ta hơn đối với những người khác…

Luôn cần phải có điểm dừng. Thái độ cợt nhả, suồng sã là điều không thể chấp nhận được ở đây. Đặc biệt khi làm việc với khách nước ngoài.

- Ông học trong trường của KGB có nghiên cứu tiếng Tây ban Nha. Ở đó người ta đào tạo nghiêm túc đến mức nào?

Về số giờ học, chúng tôi kém hơn một chút so với bên ngoài. Từ 2 đến 4 tiếng một ngày.

- Thế làm việc với các ông là giáo viên người bản xứ hay người của ta?

Giảng dạy cho chúng tôi là những giáo viên đã học những người Tây Ban Nha “thực sự”- những người đó đã đến Liên Xô thời chiến tranh Tây Ban Nha.

- Khi nào thì ông có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Tây Ban Nha với các vị khách của chúng ta?

- Bạn đưa ra câu hỏi rất thú vị. Bởi vậy tôi trả lời thẳng thắn. Trong khi Phidel tới thăm nước ta, trong khuôn khổ chuyến thăm, một vị tướng của chúng ta được tiếp vị khách Cuba có cấp bậc tương tự với ông. Và ông đã “tóm” lấy tôi- một anh chàng vừa tốt nghiệp đại học- làm phiên dịch. Việc thực hành nói ở tôi còn thiếu, mà nhìn chung trong các cuộc toạ đàm cần người phiên dịch có thể dịch song song (đồng bộ), còn đây là ở cấp độ khác.

Và tôi thực sự đã “trôi” trong đó. Tiếng Tây Ban Nha của tôi trở nên thuần thục khi từ sáng đến đêm khuya tôi làm việc với Luis Corvalan. Nhưng cơ sở mà người ta dạy chúng tôi ở trường KGB hoàn toàn đủ để làm việc bình thường ở mức độ giao tiếp với các nhân viên bảo vệ Cuba, với các chỉ huy của họ. Điều đó là hoàn toàn đủ để tổ chức một quá trình đảm bảo an ninh, hiểu biết lẫn nhau và cùng tương tác.

- Phidel Castro rất nổi tiếng ở Liên Xô, trong đó như tôi biết, càng nổi tiếng hơn giữa phái đẹp. Các ông có buộc phải che chở cho ông ấy trước những fan hâm mộ nữ không? Và chính bản thân Phidel đối với họ thế nào?

Những người phụ nữ luôn dành cho Phidel mối quan tâm đặc biệt. Ở quê nhà mình, bạn có biết, ông có biệt danh “Ngựa giống”. Người ta cho rằng, ông có đủ con trẻ, cả ở đất nước chúng ta. Tôi không cản trở, cũng không thúc đẩy các cuộc tiếp xúc của ông- đó không thuộc chức năng của tôi. Nhưng, những người mong muốn gần gũi ông không phải là ít. Cũng có những trường hợp phải bảo vệ ông thực sự khỏi người hâm mộ. Tôi muốn nói đến lần Phidel sang dự Đại hội Đảng lần thứ XXVI tại Liên Xô năm 1981.

- Đó là những sự kiện gì?

Lần đó tôi chịu trách nhiệm bảo vệ đoàn đại biểu Cuba về mọi mặt. Tuyển dụng số lượng cần thiết các nhân viên nghiệp vụ là rất phức tạp. Đến dự đại hội tương đối nhiều vị khách có qui chế bảo vệ theo ngành của chúng tôi, vì thế chúng tôi sử dụng lực lượng rất hạn chế.

Trong suốt hai tuần tôi buộc phải ở lại liên tục nơi làm việc. Và điều đặc biệt quan trọng: người được bảo vệ chủ yếu của chúng tôi ở độ tuổi tương đối trẻ. Bí thư những đảng cộng sản anh em đều đã luống tuổi. Họp xong, trở về nơi nghỉ là họ không đi đâu ra ngoài, nhất là ban đêm. Chỗ chúng tôi lại khác. Cũng vì sự khác nhau về múi giờ nên người Cuba thường làm việc ban đêm. Thế là chúng tôi chỉ ngủ được 2-3 tiếng mỗi ngày.

- Người Cuba nghỉ ở nhà hay ra ngoài vào ban đêm?

Nhìn chung, chương trình không có mục ra ngoài ban đêm, nhưng buộc phải điều chỉnh nó. Một lần vào 2 giờ sáng tôi được thông báo rằng, Phidel muốn thực hiện chuyến thăm Matxcơva vào ban đêm. Về nguyên tắc, nhiệm vụ không quá phức tạp, nếu như không có một thời điểm. Tôi được biết rằng tư lệnh muốn “đi vào quần chúng” để cảm nhận người dân Xô Viết nhớ ông như thế nào. Còn nhân dân ta không bao giờ quên người thủ lĩnh chính trị nổi tiếng này.

Theo đề nghị của Phidel, chúng tôi dừng lại tại sân quan sát trên đồi Lê nin. Ở đây mặc dù khá muộn còn có tương đối đông người. Ngay lập tức họ vây quanh chúng tôi, bắt đầu chào hỏi thể hiện tình hữu nghị Liên Xô- Cuba. Nhiều người, đặc biệt là các cô gái, cố len vào ôm Phidel. Thật khó khăn để ngăn chặn sức ép của đám đông, song nhờ lực lượng dự bị và huy động các bảo vệ người Cuba, chúng tôi đã có thể lập được một vòng bảo vệ chắc chắn. Thật sự áo khoác của chúng tôi chẳng còn lại chiếc cúc nào, nhưng biết làm sao. Tôi luôn phải để mắt đến Phidel, và tôi cảm thấy rằng ông đánh giá được công việc của chúng tôi.

Gần sáng, khi chúng tôi tổng kết công việc với chỉ huy đội bảo vệ Cuba, ông ta nói rằng Phidel đánh giá công việc của chúng tôi là xuất sắc. Về mức độ căng thẳng ông đánh giá chiến dịch này ngang với vụ rắc rối ở New York năm 1960, khi trong thời gian cuộc gặp của Khrusev và Castro, một đám đông đã vây lấy Phidel. Lúc đó đội bảo vệ Liên Xô buộc phải giáp lá cà mới giải tán được.

- Các cựu chiến binh kể rằng, thời Khrusev có những người đứng đầu Cuba có lần đã rời nơi nghỉ khi chưa được phép và đi dạo khắp Matxcơva. Có thế không?

Tôi cũng nghe nói về điều đó. Nhưng khi làm việc với họ, chúng tôi cố gắng không bỏ qua thứ gì đó không được phép. Tôi đã kể về chuyến đi bất ngờ ở đồi Lê nin, nhưng ở đó chúng tôi đã kiểm soát được mọi thứ. Chuyện với nguyên thủ Cuba rất khác nhau. Năm 1972 Phidel từ Cộng hoà dân chủ Đức bay sang Liên Xô với vết bầm trên mặt. Giả thuyết chính thức- ông chơi bóng rổ và bị ngã.

- Tiện nói về thể thao. Những gì tôi được biết, người ta thường mời ông chơi bóng đá và khúc côn cầu. Ông ấy có thích thể thao không?

Tôi không được tháp tùng Phidel đến Luzhniki. Nhưng Raul thì có. Ông ấy thích cả hai môn thể thao.

- Vào những năm cuối đời người ta thường thấy Castro trên màn hình TV trong bộ đồ thể thao Adidas. Còn trong những năm 1970-1980 Phidel thường ăn mặc như thế nào khi ở nhà?

Luôn mặc quân phục. Hoặc là quân phục dã chiến, hoặc là lễ phục. Nhưng ông không có bộ mũ mùa đông phù hợp. Ở chỗ chúng ta ông thường đội mũ lông.

- Phidel có một số thói quen riêng có hại: hút xì gà, uống rượu. Những vị khách Cuba đã uống gì, hút gì?

Về Phidel tôi không thể nói chính xác, tôi cảm thấy rằng vào những năm đó là bia. Raul uống vodka nhưng không nhiều.

- Xergei Iacovlevich, các nguyên thủ Cuba đã nhận xét nhân viên của chúng ta về công việc như thế nào? Và có thể chờ đợi sự khích lệ nào về việc đó không?

- Nói chung, chúng tôi làm việc không phải vì lời khen, mà chỉ đơn thuần hoàn thành công việc của mình một cách chuyên nghiệp. Chúng tôi đã nhận được sự khích lệ vì đã hoàn thành chính xác mọi nhiệm vụ - về tác chiến và về làm việc trong những điều kiện phức tạp.

Chẳng hạn, trong thời gian Đại hội lần thứ XXVI, chúng tôi đã cùng Phidel ở Odessa. Tháp tùng ông là Hose Abrantes, khi đó đã là uỷ viên Bộ chính trị. Hose đến gần tôi và nói rằng ông cần rời đó gấp. Tôi đã tổ chức tất cả và nói với ông ấy: “Đây là vé của ông, ông sẽ bay lúc nào đó”. Lúc đó ông ấy nắm tay tôi, dẫn đến chỗ Phidel và nói: “Uỷ viên quân vụ của Tư lệnh đây! Anh ấy làm việc tuyệt lắm”.

Sau mỗi chuyến thăm, nhân viên bảo vệ lại được thưởng gì đó. Sau chuyến thăm đó, trợ lý của Phidel đến chỗ tôi và nói: “Có lệnh trọng thưởng cho anh”. Tôi nói: “Tôi không cần gì cả. Tôi đã có tấm ảnh chụp cùng Phidel để làm kỷ niệm rồi”.

-Thế trên tấm ảnh có viết gì không?

“Cái ôm của tình anh em”. Và đối với tôi bức ảnh này là giải thưởng quí giá nhất.

(Theo Tuyệt mật)