Luật sư phân tích:

Phạt người ra đường không vì mục đích thiết yếu có là đúng luật?

VietTimes – Trao đổi với VietTimes về tranh luận trái chiều trong dư luận trước việc xử phạt người ra đường vì mục đích không thiết yếu, luật sư Đào Hường – Giám đốc Công ty Luật SeaGate - cho rằng việc phạt này là đúng luật và “nếu chúng ta thấy các giải pháp đó đem lại lợi ích cho cộng đồng thì chúng ta hãy cứ thực hiện, thay vì “sợi tóc chẻ tư”, phân tích câu chữ trong các văn bản đó”.
Những ngày gần đây, người dân Hà Nội có xu hướng ra đường trở lại. Ảnh chụp ngày 10/4.
Những ngày gần đây, người dân Hà Nội có xu hướng ra đường trở lại. Ảnh chụp ngày 10/4.

Thực tế, những ngày đầu tháng 4/2020, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tuyên bố sẽ thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội bằng việc xử phạt người ra đường với mục đích không thiết yếu. Và thực tế, những ngày gần đây, một số người dân Thủ đô đã bị phạt khi đi ra đường vì mục đích không thiết yếu với mức phạt 200.000 đồng/lượt. Luật sư Đào Hường – Giám đốc Công ty Luật SeaGate - đã phân tích dưới góc độ pháp luật về việc này.

Việc xử phạt này có là đúng luật?

-PV: Xin luật sư cho biết quan điểm của chị về việc xử phạt “người ra đường với mục đích không thiết yếu” mà UBND TP Hà Nội đang thực hiện?

Luật sư Đào Hường: Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang ở giai đoạn rất khó kiểm soát và ngày càng lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng. Trong thời điểm quan trọng này, việc áp dụng biện pháp xử phạt “người ra đường với mục đích không thiết yếu” là biện pháp cần thiết, phù hợp với thực tế dịch bệnh phức tạp như hiện nay để mọi người dân phải có ý thức trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Luật sư Đào Hường – Giám đốc công ty Luật SeaGate.
Luật sư Đào Hường – Giám đốc công ty Luật SeaGate.

Tôi nghĩ lúc này người dân cần phải chung tay ủng hộ, chia sẻ và đồng tâm hợp lực với lãnh đạo TP Hà Nội để thực hiện quy định này một cách đúng nhất theo tinh thần chỉ đạo tại quy định này.

Cùng với đó, tôi cho rằng người thừa hành pháp luật, lực lượng chức năng - những người thực thi quy định này cần phải hiểu rõ tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg và Công văn 2601/VPCP, phải thực hiện nghiêm túc, đúng luật, không được áp dụng luật một cách tùy tiện và lạm dụng để tránh phạt oan người dân bởi để xác định cụm từ “người ra đường với mục đích không thiết yếu” là thực sự khó phân định.

PV: Việc xử phạt này có là đúng luật không? Nếu đúng luật thì dựa trên căn cứ nào, thưa Luật sư?

Luật sư Đào Hường: Việc xử phạt này là đúng luật. 

Việc xử phạt này dựa trên các căn cứ sau:

- Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Tòa Án Nhân dân Tối Cao về việc “xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19”;

- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid -19”;

- Quyết định số 447/QD-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Công bố dịch Covid-19 – đây là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu”;  

- Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19;

- Luật số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 của Quốc Hội quy định về Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương (Khoản 9 Điều 22 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “…chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật”.);  

- Nghị định số 176/2013 ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế -  Điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch;

- Luật số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc Hội quy định về Xử lý vi phạm hành chính - Điều 38 khoản 3 “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền Phạt cảnh cáo, Phạt tiền đến mức tối đa…”. Do vậy, Chủ tịch UBND Hà Nội có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch bệnh bao gồm cả ban hành văn bản quy định cấm người ra đường với mục đích không thiết yếu để từ đó tạo cơ sở pháp lý cho xử phạt vi phạm hành chính.

Cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn

PV: Như vậy, về mặt nguyên tắc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội được quyền yêu cầu xử phạt những trường hợp này, phải không, thưa Luật sư?

Luật sư Đào Hường: Như tôi đã liệt kê các căn cứ ở trên, về mặt nguyên tắc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội được quyền yêu cầu xử phạt những trường hợp này và việc xử phạt này là biện pháp cần thiết để tạo hành lang pháp lý, nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của một số người dân không có ý thức dẫn tới hậu quả làm lây lan dịch bệnh.

Hình ảnh hai người dân phường Trúc Bạch đi câu cá bị xử lý vì ra đường với mục đích không thiết yếu. Ảnh: CTV
Hình ảnh hai người dân phường Trúc Bạch đi câu cá bị xử lý vì ra đường với mục đích không thiết yếu. Ảnh: CTV

PV: Theo Luật sư, biện pháp xử phạt này có khả thi không? Nếu thực hiện lâu dài thì có hợp tình hợp lý không?

Luật sư Đào Hường: Tôi cho rằng biện pháp xử phạt này là khả thi vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên, nếu thực hiện lâu dài thì cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn và có các hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn để tránh phạt oan người dân.

Tự bảo vệ mình trước dịch COVID-19 một cách trí tuệ

PV: Luật sư có thể tư vấn thêm về những biện pháp nên làm nếu muốn thực hiện hiệu quả việc giãn cách xã hội?

- Luật sư Đào Hường: Theo tôi, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 và đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2008, Luật này và các văn bản hướng dẫn Luật này đã quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Và đây là một cơ sở, hành trang pháp lý rất quan trong để thực hiện việc đấu tranh phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam ta hiện nay.

Căn cứ từ chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các UBND tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương mình để đưa ra các biện pháp thực thi đúng luật và nên tập trung áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Hiện tại dịch COVID-19 đã làm cho toàn bộ hệ thống chính trị và gần như toàn bộ nhân dân hao tốn rất nhiều tiền bạc, công sức và ảnh hưởng quá lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Chỉ cần một người có ý thức kém là đã phá tan công sức của rất nhiều người, gây khó khăn, và khiến công tác phòng chống dịch trên toàn quốc bị thất bại.

Do vậy, tôi mong muốn người dân chúng ta nên có ý thức và trách nhiệm để tự bảo vệ mình trước dịch COVID-19 một cách trí tuệ. Luật thì không thể kín kẽ trong mọi trường hợp, nhất là trong trường hợp chưa từng có tiền lệ và cần ứng phó nhanh. Việc xử phạt các hành vi liên quan đến phòng, chống dịch bệnh hiện nay còn rất nhiều vấn đề mới mà pháp luật cũng chưa kịp thời điều chỉnh, nhất là tại thời điểm nóng như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy các giải pháp đó đem lại lợi ích cho cộng đồng thì chúng ta hãy cứ thực hiện đi đã và không nên ngồi đó để phân tích câu chữ trong các văn bản đó.

- Xin cảm ơn luật sư!