Quanh lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước “Xót ruột khi đạo đức xuống cấp”:

Phần 2: “Nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế

VietTimes -- "Khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về việc không thay đổi thể chế là sự nói thật lòng của các đồng chí với nhau để tránh sai lầm. Kéo dài sự gian khổ, chịu đựng để làm chính trị là một thông điệp để gửi đến các đồng chí rằng có sức thì hãy theo đuổi đời sống chính trị bởi nó rất vất vả, còn nếu mệt mỏi thì tránh sang một bên để người khác làm. Nói như thế là rất thành thật."- Nguyễn Trần Bạt.
Nguyễn Trần Bạt: "TBT muốn răn không thể sao nhãng chủ nghĩa xã hội được, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam được".
Nguyễn Trần Bạt: "TBT muốn răn không thể sao nhãng chủ nghĩa xã hội được, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam được".

Trong cuộc gặp anh vừa dẫn, TBT Chủ tịch nước cũng đã nhắc lại câu “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”

-Điều đó cho thấy Tổng bí thư khẳng định lại thể chế là rất quan trọng. Xây dựng thể chế để kiểm soát quyền lực là rất quan trọng. Nhưng ai tin quyền lực ấy đã được nhốt nếu thể chế ấy không được biểu hiện ra ngoài bằng đạo đức? Thể chế là phương tiện, công cụ khoa học nhưng đạo đức là điều kiện cần và đủ để thể chế có giá trị và được tin cậy.

Sở dĩ Hồ Chí Minh chú ý tới việc trau dồi đạo đức vì ông biết rằng đạo đức chính là vũ khí chính trị, trau dồi đạo đức giống như duy tu, bảo quản súng. Ông Cụ có nỗi lo ngay từ khi các đồng chí của mình chuẩn bị trở thành cán bộ về khả năng họ sẽ bắt nạt nhân dân. Đấy là tầm nhìn chính trị. Nhìn thấy các thói hư tật xấu có thể xổng ra từ các đồng chí của mình là mức cao nhất của tầm nhìn chính trị. Chúng ta đều biết rằng, để xây dựng nhà nước người ta có rất nhiều công cụ khoa học, tất cả các công cụ đó về bản chất đều hướng tới việc hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước.

TBT
Tổng bí thư, Chủ tịch nước: "Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, được triển khai hiệu quả, bài bản hơn, tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều việc phải làm:.

Hồ Chí Minh không nói nhiều đến kiến thức hay lý luận về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước, nhưng Bác có những nỗi lo còn lớn hơn cả kiến thức và lý luận. Bắt đầu từ tình yêu nhân dân mà Hồ Chí Minh hình dung ra sự tha hóa của quyền lực, và bắt đầu từ sự lo lắng cho thân phận của con người mà Hồ Chí Minh thức tỉnh về sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực. Bác chớm hiểu giá trị của quyền lực trong những năm đầu cầm quyền, Bác mường tượng và quan sát được những mối nguy hiểm của việc sử dụng quyền lực. "Sửa đổi lề lối làm việc" có giá trị như một sự thông báo với xã hội chúng ta rằng luôn luôn cần có các cách thức để kiểm soát quyền lực, nếu không thì đối tượng phải chịu tất cả các thiệt thòi do việc lạm dụng quyền lực sẽ là nhân dân. 

Vì không thể lý tưởng hóa con người một cách hoàn toàn được nên con người luôn luôn đi tìm những cách thức, công cụ để hạn chế việc lạm dụng quyền lực công, đấy là công việc phổ biến trên toàn thế giới. Việc rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức mà Hồ Chí Minh nói trong cuốn sách chính là một đóng góp của Bác vào kho tàng các biện pháp để kiểm soát quyền lực. Vậy đóng góp ấy có giá trị không? Cùng với sự phát triển và đa dạng hóa của đời sống thì kiểm soát bằng đạo đức chiếm tỷ lệ không cao trong kiểm soát quyền lực công, nhưng giá trị của nó thì vĩnh viễn.

Lúc nào, ở đâu và vào thời đại nào con người cũng phải rèn luyện đạo đức để không lạm dụng quyền lực. Trong thời đại của chúng ta, song song với việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong việc sử dụng quyền lực công, xã hội vẫn phải xây dựng các thể chế để kiểm soát quyền lực. Xây dựng thể chế để kiểm soát một cách hiệu quả và chặt chẽ việc sử dụng quyền lực nhà nước là nhiệm vụ của những người còn sống. Nhưng trong khi xây dựng thể chế, chúng ta phải luôn nhớ rằng nếu không có đạo đức thì thể chế được xây dựng chỉ có thể hạn chế được cái xấu mà không tạo ra được cái tốt.

Ứng dụng các bài học đạo đức từ tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" chính là một cách thức để làm cho thể chế hoạt động có hiệu quả. Chúng ta không thể đối lập hay tách rời giữa đạo đức và thể chế, bởi vì xây dựng thể chế là công việc của nhà cầm quyền, còn rèn luyện đạo đức là để nhân dân thừa nhận nhà cầm quyền. Nếu nhân dân không tin tưởng vào đạo đức của nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ không có cơ hội và điều kiện để xây dựng thể chế.

Không chỉ có thế, việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, tinh thần Hồ Chí Minh, tâm hồn Hồ Chí Minh còn có giá trị ở chỗ nó hướng dẫn mỗi người tìm kiếm tự do cho chính mình. Mỗi con người, dù là người có quyền hay không có quyền mà không có đạo đức thì sẽ bị kiểm soát bằng thể chế, mà kiểm soát bằng bất kỳ cái gì đều là mất tự do. Cho nên, càng rèn luyện, tu dưỡng để có sự trong sáng và ngay thẳng trong tâm hồn thì chúng ta càng tự do. Tự do gắn liền với đạo đức và không bao giờ xa rời đạo đức.

Tại diễn đàn MTTQ, Tổng Bí thư đặt câu hỏi phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhạt dần? Và nhắc thêm, Tiểu ban văn kiện họp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13 đã yêu cầu phải kiên định cương lĩnh, không ai được nói trái, làm trái cương lĩnh. Thông điệp ở đây là gì?

-Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn răn không thể sao nhãng chủ nghĩa xã hội được, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam được. Cương lĩnh là không thể thay đổi, điều đó là dứt khoát. Phải có đủ sức mạnh và nắm chắc tình thế thì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới nói như thế. Đấy là sự tự tin có tổ chức chứ không phải là sự tự tin bản năng của một nhà chính trị. Nói cách khác,  ông đã chuẩn bị lực lượng để Đảng không thể bị suy yếu trên bất kỳ phương diện nào trong Đại hội.

Đã đến lúc phải thông báo cho mọi người là chớ có lắp bắp, lắm mồm, nếu nói trái với cương lĩnh là buộc phải trả giá. Cảnh báo trước để không phải trả giá chính là bảo vệ đồng chí của mình. Đấy là chỗ tử tế về mặt chính trị. Đại hội XII có vị nhầm rằng có thể thay đổi thế chế chính trị. Người ta đồn có cả chuyện dùng tiền nong thao túng chuyện bầu bán. Nếu có thì đấy là những hành động “mất dạy” về chính trị và anh thấy bây giờ đã có những sự trả giá. Cái sai lầm của 20 năm vừa rồi là tạo ra một không khí để mọi người tưởng rằng có thể thay đổi thể chế. Người ta nể anh Trọng chính là ở chỗ anh ấy đã giúp Đảng khôi phục lại kỷ cương.

Đâu đó có ý kiến rằng chỉ có thể thay thế chứ không thể sữa chữa về  chủ nghĩa xã hội- chủ nghĩa cộng sản. Nhưng anh vừa nói Chủ nghĩa cộng sản là định mệnh của dân tộc mình?

-Bởi vì chỉ duy nhất có yếu tố đó là có thể tạo ra cái người Việt muốn là Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Việt Nam là một đất nước từng bị chia cắt cả về văn hóa, chính trị và địa lý. Thống nhất địa lý đất nước này, thống nhất dân tộc này là cả một thành tựu chính trị không gì so sánh được, mà chủ nghĩa cộng sản là công cụ cơ bản để tạo ra sự thống nhất ấy. Anh nên nhớ rằng sai lầm của Bush là đánh giá sai về vai trò của Saddam Hussein và tạo ra một Iraq hỗn loạn. Hiện nay phương Tây cũng đang phải sửa chữa sai lầm của việc lật đổ Gaddafi.

Mỗi một trạng thái chính trị cần có một kẻ được sinh ra để cưỡi nó. Saddam Hussein được sinh ra để “cưỡi” Iraq, Gaddafi sinh ra để “cưỡi” Lybia. Nếu lấy tự do, dân chủ, nhân quyền theo tiêu chuẩn phương Tây để cai trị ở những vùng đất như vậy thì thất bại. Phương Tây cố gắng nhầm lẫn giữa sự sụp đổ của Liên Xô với thắng lợi của mình. Liên xô sụp đổ là do Gorbachyov tưởng rằng có cái gì hay hơn Chủ nghĩa Cộng sản.

Cái lớn của anh Trọng là ở chỗ anh ấy hiểu rằng muốn giữ được thành quả của cách mạng thì không thể thay đổi thể chế. Khi nào thế giới có điều kiện thay đổi thể chế thì đấy là chuyện của thế giới chứ không phải của Việt Nam. Việt Nam không thể tự mình quyết định được chuyện thay thế chủ nghĩa cộng sản. Đấy là phát biểu của tôi- Nguyễn Trần Bạt. Tôi nghiên cứu Đảng cộng sản và bảo vệ nó dựa vào vận mệnh lịch sử của nó, tôi không săn đuổi quyền lợi gì xung quanh Đảng cả.

Không ai có thể xuyên tạc động cơ của tôi khi bênh vực những người cộng sản. Tôi cho rằng những người cộng sản là số phận của dân tộc này. Đúng! Là định mệnh, không khác được. Chúng ta mơ có một dân tộc có độc lập, chúng ta đã có độc lập về mặt lãnh thổ, độc lập kinh tế, độc lập văn hóa, nhưng sự độc lập chính trị thì còn là cả quá trình đấu tranh lâu dài. Ngay cả châu Âu cũng không có độc lập chính trị, giờ đây Donald Trump đang xem thường liên minh Châu Âu một cách công khai. Nếu đem so với trung tâm quyền lực chính trị phương Tây, Việt Nam cũng vậy thôi, đòi hỏi thoát Trung là trẻ con. Ngay cả Trung Quốc cũng không thoát khỏi chính nó được.

TBT
Nguyễn Trần Bạt: "Không có bất kỳ lực lượng nào giữ được trật tự ở Việt Nam nếu không phải là chế độ này".

Chất lượng cuộc sống có tỷ lệ thuận với thể chế?

-Chất lượng cuộc sống không phụ thuộc vào thể chế. Mọi người cứ đổ vạ cho thể chế. Tôi nói rằng không có bất kỳ lực lượng nào giữ được trật tự ở Việt Nam nếu không phải là chế độ này. Không phải là chúng ta không có thực tế. Đất nước chúng ta đã chứng kiến một thực tế thất bại với hơn 600 tỷ đô la (thậm chí có những ước tính lên tới hơn 900 tỷ đô la) của người Mỹ với sự huy động 6 triệu lượt người tham gia vào chiến tranh, trong đó 3 triệu lượt người trực tiếp sang Việt Nam và để lại hơn 57.000 người Mỹ thiệt mạng.

Quay lại vấn đề của chúng ta, đâu đó trong giới trí thức chưa hiểu được giá trị của Chủ nghĩa Cộng sản đối với vận mệnh của dân tộc mình. Chủ nghĩa cộng sản có thể không phải là phổ quát đối với các giá trị khác, nhưng riêng với giá trị độc lập dân tộc của Việt Nam thì Chủ nghĩa cộng sản là thứ không thể thay thế được, ít nhất cho đến hết thế kỷ này.

Hồ Chủ Tịch từng nói “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”?

-Hạnh phúc không phải là một chỉ số cố định. Hạnh phúc là một giá trị tinh thần. Người Việt nhiều khi không hiểu giá trị hạnh phúc của mình, đi đòi cái lớn hơn khả năng của mình. Người Việt Nam chỉ kém trong việc thống kê thôi, chứ còn kể ra tường tận thì chẳng kém ai cả.

 Chúng ta đôi khi tưởng rằng có cái gì hay hơn, lớn hơn thế, nhưng làm gì có. Dần dần anh sẽ thấy người Việt Nam về mặt thống kê học đang từ từ bước lên các bậc cao của phát triển và hạnh phúc.  Người Việt đôi khi không biết là mình khá giả.

Có những đồng nghiệp của tôi có mức lương nếu tính theo sức mua thì xấp xỉ bằng mức 20.000 USD ở Mỹ, thế mà họ có thấy hạnh phúc đâu. Người Việt nhiều khi đo hạnh phúc bằng những cảm giác vớ vẩn của mình chứ không dựa trên trí tuệ tổng hợp. Nhầm lẫn như thế thì làm sao đo được cảm giác hạnh phúc.

Thế giới từng xếp dân tộc mình thuộc thang trật hạnh phúc…

-Thế giới có hai loại, loại nhận thức Việt Nam như một hiện tượng bình thường và loại chỉ muốn nhìn Việt Nam như một kẻ thất bại về chính trị.

Quay lại chuyện chúng ta đang bàn, nói về việc không thay đổi thể chế là sự nói thật lòng của các đồng chí với nhau để tránh sai lầm. Kéo dài sự gian khổ, chịu đựng để làm chính trị là một thông điệp để gửi đến các đồng chí rằng có sức thì hãy theo đuổi đời sống chính trị bởi nó rất vất vả, còn nếu mệt mỏi thì tránh sang một bên để người khác làm. Nói như thế là rất thành thật.

Các trạng thái và cấp độ thành thật của Tồng bí thư mỗi khi xuất hiện và phát lộ như chính cuộc sống và chính nó đã bảo vệ được ông ấy! Tôi nghĩ như thế thì mới sống được chứ, làm sao lên gân hay giả vờ cả cuộc đời được? Qua cơn nguy biến rồi, bắt đầu lấy lại sự thành thật, hồn nhiên của con người mà tôi nghĩ rằng chúng ta nên trân trọng.

Tôi nói lại là muốn có một nền chính trị thành thật thì chúng ta phải hiểu sự thành thật nó nguy hiểm như thế nào, hiểu giá trị hy sinh của sự thành thật chính trị thể hiện trong thái độ của những người có trách nhiệm như thế nào. Nếu đánh đồng hạng giữa chúng ta với các nhà lãnh đạo, cho rằng họ bình đẳng như chúng ta và sự thành thật của họ không có  giá gì là sai.

Anh Xuân Ba có thành thật mà nói hố thì cũng chẳng ai đem anh ra treo cổ. Nhưng sự hớ hênh của một nhà lãnh đạo rất có thể dẫn họ đến "giá treo cổ". Tất cả xã hội đang thúc bách nhà lãnh đạo của chúng ta treo cổ một kẻ nào đó, nhưng dường như anh ấy đang khất lần điều ấy. Kẻ có thể bị treo cổ không biết rằng người ta đang phải khất lần cái phút phải làm những việc ấy với mình thì tức là không hiểu giá trị con người của nhau.

Nhiều người không hiểu được sự thành thật của một nhà chính trị là sự hy sinh của người ta. Không hiểu được sự hy sinh thì làm sao có sự cảm thông chính trị, làm sao có hòa giải chính trị. Bây giờ nếu anh Trọng nói thêm vài lần nữa một cách hiền lành, thành thật thì có người sẽ hiểu là anh ấy bắt đầu dàn hòa, bắt đầu lùi, cho nên chúng ta vẫn thấy đôi lúc anh ấy nhắc lại một cách cương quyết ý chí chính trị không phải vì anh ấy thay đổi mà để người ta không nhầm lẫn rằng anh ấy định lùi.

Thực tế sẽ thế nào thì chúng ta cứ quan sát thôi. Tôi có nghe người ta nói lại rằng anh Lê Xuân Tùng (trợ lý cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Hà Nội- XB) có thời là cấp trên của anh Trọng đã nhận xét anh ấy là người chịu thương chịu khó, kiên nhẫn học tập rèn luyện, vượt quá sức tưởng tượng của một Ủy viên bộ chính trị như anh Tùng. Chúng ta làm gì có điều kiện ở gần mà biết, chỉ nghe nói lại vậy thôi. Chắp vá lại dần thì thấy được một vài sự thật nửa kín nửa hở. Tôi nghĩ hình như chúng ta đang may mắn có được một nhà chính trị đứng đầu khá mềm dẻo và khôn ngoan mà biểu hiện rõ nhất là sự kiên nhẫn.

Xin cảm ơn sự nhiệt thành tận bờ sát góc của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. Rất mừng là cuộc trao đổi cũng kha khá thời giờ, nhưng trông anh vẫn dư dả sinh khí. Hôm nay có lẽ ta tạm dừng ở đây. Như anh nói chúng ta sẽ tiếp tục quan sát thực tế… Một thực tế đặc thù sinh động mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng nói "lò đã nóng lên rồi thì không có ai đứng ngoài cuộc cả".