Ngày Internet Việt Nam 2021: Phải sớm có hành lang pháp lý cho việc quản lý dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngày 15/12/2021, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã tổ chức hội thảo “Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hoá” nhân ngày Internet Việt Nam. Đây là năm thứ 10 VIA tổ chức sự kiện thường niên này.
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch VIA cho biết, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet Việt Nam là gần 70 triệu người. Trong đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều người dùng có xu hướng sử dụng các dịch vụ Internet mới. Cũng như các quốc gia khác, chính số lượng người dùng đông đảo này của Việt Nam đã tạo ra một nguồn dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu số chính là mạch máu của nền kinh tế số và vấn đề là phải làm sao khai thác được một cách hiệu quả cho nền kinh tế số.

Chào mừng hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi đến bài phát biểu được ghi hình từ trước. Theo Phó Thủ tướng, Internet không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu công việc của một số ít người như những ngày đầu tiên mà đã đến với mọi người và phục vụ tất cả mọi nhu cầu. Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở cộng đồng hơn 100 doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ Internet mà sẽ hướng tới đồng hành cùng nhau mở rộng cộng đồng, đặc biệt là với lực lượng các doanh nghiệp mới, non trẻ, nhỏ và thậm chí cực nhỏ.

"Chúng ta không chỉ đơn thuần coi người sử dụng như một khách hàng mà sẽ cùng nhau tạo nên một hệ sinh thái, môi trường để cùng phát huy hết tiềm năng của từng cá nhân, tổ chức để công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam phát triển một cách tích cực và hiệu quả," Phó Thủ tướng nói.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đang rất quan tâm đến việc làm thế nào để ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Theo Thứ trưởng, chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đều liên quan đến vấn đề dữ liệu. Do đó, Việt Nam cần đào sâu về định hướng, giải pháp để khai thác hiệu quả dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế.

"Các quốc gia khác trên thế giới đã đi rất sớm về việc thành lập hành lang pháp lý cho dữ liệu. Việt Nam cũng đã xác định vai trò của dữ liệu, coi đây là tài nguyên để phát triển kinh tế. Tuy vậy, hành lang pháp lý để quản lý, khai thác, chia sẻ, kinh doanh dữ liệu của nước ta gần như bỏ trống," Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

"Dữ liệu là tài nguyên của đất nước, nhưng 80% tài nguyên dữ liệu lại đang ở nước ngoài. Nhiều người chưa nhận thức được vấn đề này, do vậy cần ý thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu để bảo vệ và gìn giữ," ông Long nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chung tay xây dựng và phát triển hạ tầng số, trong đó có một hạ tầng quan trọng là hạ tầng dữ liệu.

"Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn 65.000 doanh nghiệp công nghệ số sẽ đồng hành cùng 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam để hình thành 1 triệu doanh nghiệp số. Có như vậy, Việt Nam mới phát triển được một nền kinh tế số và bắt kịp xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4," ông Long cho hay.

Trong phần giao lưu cuối phiên hội thảo thứ nhất, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, tuy 80% dữ liệu người dùng Internet tại Việt Nam do nước ngoài nắm giữ. Tuy nhiên, về cơ bản đó là những thông tin mang tính cá nhân và chủ yếu là trên các mạng xã hội như Facebook, Google… và đó là quyền của người sử dụng Internet với các nhà cung cấp này.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải xây dựng và kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia. Thời gian qua, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về căn cước công dân. Nếu các cơ sở dữ liệu này được kết nối liên thông với các hệ thống khác của nhà nước thì mọi công dân sẽ rất thuận lợi trong việc sử dụng các dịch vụ công cho mình.

Các diễn giả trong phần giao lưu tại hội thảo

Các diễn giả trong phần giao lưu tại hội thảo

Ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam đặt vấn đề cần phải có những định hướng chiến lược cho sự bứt phá về không gian số. Theo đó, mọi doanh nghiệp và tổ chức trong nước cần đẩy mạnh việc đăng ký và sử dụng tên miền có đuôi .vn. Cho tới nay, cả nước mới có 98.000 doanh nghiệp có website tên miền .vn trong tổng số 545.000 tên miền .vn. Con số này còn là thua xa tổng số khoảng 1 triệu doanh nghiệp hiện nay. Ông cũng đặt vấn đề là tại sao các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong nước chưa thể làm được việc cung cấp dịch vụ thư điện tử (email) miễn phí với dung lượng dữ liệu không hề nhỏ như Google hay Yahoo và rõ ràng đây là việc cần phải phấn đấu.

Đại diện cho các doanh nghiệp lớn về viễn thông và Internet, ông Hà Thái Bảo – Phó Tổng giám đốc Công ty CNTT VNPT cho biết, Việt Nam cần sớm có một khung pháp lý cho việc quản lý dữ liệu số. Các nền tảng số cho những mô hình quản lý thông minh tuy đầu tư rất tốn kém nhưng chỉ có thể vận hành tốt nếu việc khai thác dữ liệu diễn ra thuận lợi, hợp pháp. Chính vì vậy, kỳ vọng của các doanh nghiệp đang thực hiện những công việc này là không có gì khác ngoài những khung pháp lý phù hợp.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới sẽ có đề xuất với Chính phủ và Quốc hội về sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch Điện tử, xây dựng Luật Chuyển đổi số và Luật Quản lý Dữ liệu số.