Là Chủ tịch HĐQT FLC, ông Quyết thuộc diện người nội bộ, phải thực hiện thông báo và báo cáo giao dịch theo quy định.
Theo báo cáo, Chủ tịch FLC đã hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu FLC đăng ký mua trước đó.
Giao dịch thực hiện từ 8/8 đến 22/8/2017, với phương pháp thực hiện là khớp lệnh.
Trong thời gian trên, giá cổ phiếu FLC biến động không nhiều: Giảm từ mức đỉnh 7.350 đồng/cổ phiếu (phiên 8/8), về đáy 7.080 đồng/cổ phiếu, và đóng phiên 22/8 tại 7.170 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình đạt 9,4 triệu cổ phiếu/phiên.
Tạm tính, để gom thêm 20 triệu cổ phiếu FLC, ông Quyết đã phải chi ra khoảng 143 tỷ đồng.
Sau giao dịch, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 144,18 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng 22,6% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của tập đoàn.
Ngày ông Quyết ký bản báo cáo giao dịch gửi HoSE (22/8/2017) là ngày giao dịch đầu tiên của tháng 7 âm lịch, cũng là ngày rất có ý nghĩa với cá nhân ông.
Phiên 22/8, cổ phiếu ROS tăng 600 đồng, cổ phiếu FLC có sắc xanh, tăng nhẹ và cổ phiếu ART tăng trần trong khi cổ phiếu VIC giảm 100 đồng đã giúp ông Trịnh Văn Quyết giành lại ngôi vị người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam từ tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup (VIC). Lô cổ phiếu của ông Quyết có giá hơn 31 nghìn tỷ đồng; còn lô cổ phiếu VIC của ông Quyết chỉ đạt chưa đầy.
Việc hoàn tất mua thêm 20 triệu cổ phiếu FLC, chắc chắn sẽ khiến tổng tài sản của ông Quyết tăng thêm nữa – với cách tính như hiện nay.
Nhưng phải hiểu rằng, đó chỉ là một con số tính toán mang nhiều ý nghĩa tham khảo. Bởi nó chỉ dựa trên thị giá cổ phiếu mà các đại gia này nắm giữ; Chứ chưa xét đến các yếu tố mang tính bản chất; Chỉ tính đến tài sản có mà chưa đối trừ công nợ.
Hiện theo công bố của Forbes, Việt Nam mới chỉ có 2 tỷ phú USD, là ông Phạm Nhật Vượng và bà chủ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.
Ông Quyết, ông Vượng, bà Thảo đang là 3 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam – theo cách tính đơn thuần trên thị giá cổ phiếu nắm giữ trên sàn./.