Theo ghi nhận mới nhất tại thực địa dự án, biển quảng cáo đã được thay thế và đề tên chủ đầu tư mới, là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang.
Trước đó, công trình khách sạn 4 sao này vẫn được biết đến là một dự án của Công ty TNHH BĐS Diệp Bạch Dương – doanh nghiệp của nữ “đại gia” gốc Quy Nhơn, bà Dương Thị Bạch Diệp, người nổi danh với siêu xe Rolls-Royce Phantom biển “thất trùng thất” 77L-7777.
Dự án được khởi công ngày 21/02/2013, tọa lạc trên khu đất vuông vắn có diện tích 789 m2, ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng và Lê Thánh Tôn. Theo công bố của nhà thầu ECI Saigon, Khách sạn Senla Boutique được thiết kế rất cao cấp với quy mô 15 tầng cao , 2 tầng hầm (chưa tính tầng lửng và tầng kỹ thuật).
Sau nhiều năm thi công, đến thời điểm này, Senla Boutique mới chỉ hoàn thành phần thô và ngổn ngang vật liệu.
Đầu năm nay, trên các diễn đàn bất động sản, có nhiều thông tin rao bán dự án này. Mức giá chào nằm trong khoảng từ 860 – 900 tỷ đồng.
Với việc công trình đã chuyển sang đề tên chủ đầu tư là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang (Hồng Phúc Quang), khả năng việc chuyển nhượng đã được hoàn tất.
Một diễn biến có tính khẳng định hơn cho khả năng trên, đó là trụ sở chính của Hồng Phúc Quang cũng đặt tại số 111 Hai Bà Trưng, trùng với địa chỉ của dự án.
Theo thông tin đăng ký tại Phòng Đăng ký Kinh doanh Tp. HCM, Hồng Phúc Quang là một pháp nhân mới được thành lập ngày 15/03/2017, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Quy mô này sẽ khiến nhiều người hồ nghi về năng lực của chủ đầu tư mới đối với dự án tầm cỡ như Senla Boutique.
Tuy nhiên, cái tên đứng sau Hồng Phúc Quang lại quá đủ để bảo chứng và làm cho những ai còn hồ nghi được cảm thấy an tâm.
Chủ sở hữu của Hồng Phúc Quang là ông Trần Đăng Khoa và bà Nguyễn Thị Minh Hồng. Ông Khoa giữ 51% vốn công ty, còn con số tương ứng với bà Hồng là 49%. Bà Hồng là Giám đốc và là người đại diện trước pháp luật của Hồng Phúc Quang.
Vậy ông Trần Đăng Khoa và bà Nguyễn Thị Minh Hồng là ai?
Họ là một cặp vợ chồng lừng lẫy trong giới địa ốc Việt Nam. Tầm vóc, quyền lực nhưng lại rất kín tiếng.
Vị doanh nhân trở về từ Cộng hòa Séc này thường được biết đến nhiều với biệt danh Khoa “khàn” – theo chất giọng đặc trưng của ông; hay Khoa “Keangnam” – như vai trò quan trọng của người đàn ông này trong việc đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Vợ chồng ông Khoa bà Hồng bắt đầu được chú ý nhiều hơn từ dự án siêu đô thị Sala Thủ Thiêm, một trong các dự án BT lớn nhất của Tp. HCM và cũng là của cả nước.
Ông Khoa là người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Đại Quang Minh) – chủ đầu tư của dự án – từ ngày đầu thành lập. Thông qua CTCP Đầu tư Mai Linh và CTCP Thương mại Quốc tế và Tư vấn Đầu tư Invenco, vợ chồng ông Khoa và bà Hồng cũng là những người chi phối phần lớn cổ phần Đại Quang Minh.
Giữa năm 2016, phần vốn trên bất ngờ được chuyển nhượng hầu hết sang cho Thaco. Với tỷ lệ sở hữu 90%, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương đã thay thế ông Trần Đăng Khoa làm Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh – DN có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng.
Thực tế, Sala Thủ Thiêm không phải là dự án bất động sản có yếu tố BT đầu tiên mà vợ chồng ông Khoa tham gia.
Thông qua CTCP Bất động sản Hồng Ngân, giữa năm 2013, đại gia bất động sản này cũng được lựa chọn làm chủ đầu tư của Dự án khu công viên – hồ điều hòa phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch theo hình thức đầu tư BT. Dự án đối ứng của công trình BT này là Dự án Khu đô thị Thành phố Xanh tại thị trấn Cầu Diễn, có diện tích hơn 17,6ha, dự kiến quy mô dân số đạt 8.760 người và mật độ xây dựng là 25,5%, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tháng 9/2014, dự án đã “đổi chủ”, khi CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng đã bỏ ra 2.316 tỷ đồng để mua lại 128,6 triệu cổ phần, tương ứng với 98,99% vốn điều lệ Cty Bất động sản Hồng Ngân.
Tất nhiên, với mức giá chuyển nhượng lên tới 18.000 đồng cho một cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng của CTCP Bất động sản Hồng Ngân, vợ chồng đại gia Khoa “khàn” cũng không đến nỗi thiệt thòi.
Ngoài những thương vụ vừa kể, vợ chồng ông Khoa bà Hồng còn là cái tên đứng sau của nhiều dự án bất động sản quy mô khác, chủ yếu là trên địa bàn Thủ đô.
Có thể kể đến như dự án khu chung cư Golden Palace Mễ Trì (đối diện The Manor); Dự án Golden Palace Lê Văn Lương; Chung cư No4 Hoàng Đạo Thúy; Dự án Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A (trên khu đất trước đây của Dự án Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam (PVN Tower) tại Mễ Trì); Dự án Công viên cây xanh và nhà điều hành, tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ...
VietTimes sẽ đề cập kỹ hơn về đại gia bất động sản kín tiếng này trong một bài viết khác./.