Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực cho biết, mở cửa thị trường viễn thông là chủ trương chung đã có từ năm 1995 của Chính phủ mà hồi đó ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Suốt 2 năm triển khai chủ trương này rất khó khăn, nhưng Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ rất quyết tâm mở cửa thị trường. Internet có những thuận lợi hơn viễn thông do yêu cầu bức thiết mở cửa dịch vụ của xã hội và thời đó chưa có bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực này. Lúc đó, mặc dù VNPT có mạng lưới đã được số hóa và sẵn sàng hạ tầng để phát triển Internet song những lực lượng là giới khoa học, nghiên cứu lại tham gia đấu tranh mạnh mẽ nhất để mở Internet.
Internet khác viễn thông là chỉ gặp khó về vấn đề quản lý dịch vụ và nội dung thông tin chứ về kỹ thuật thì không mấy phức tạp và đầu tư không nhiều nên các doanh nghiệp khác cũng có thể tham gia cung cấp dịch vụ. Lúc đó, việc mở cửa thị trường Internet vẫn còn hạn chế, phải mở dần dần vì chỉ có duy nhất VNPT cung cấp hạ tầng truyền dẫn và các ISP khác phải phụ thuộc vào VNPT. Mãi sau này Tổng cục Bưu điện mới cấp phép thêm cho các doanh nghiệp khác được cung cấp dịch vụ như SPT, FPT. Mục đích cho các doanh nghiệp mới tham gia cung cấp dịch vụ Internet để tập hợp sức mạnh của xã hội về vốn, cán bộ kỹ thuật trong khi viễn thông chưa làm được.
Ông Mai Liêm Trực chia sẻ: ""Thời điểm đó ý kiến phản đối đưa Internet vào Việt Nam cũng có nhưng không nhiều. Tuy nhiên lại lắm ý kiến lo ngại, kể cả ở lãnh đạo cấp cao. Ai cũng nghĩ rằng Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề là liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không. Lúc đó chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Vì vậy, chúng tôi phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng, thậm chí là ấm ức để mở Internet rồi tính tiếp".
“Việc Tổng cục Bưu điện có bị áp lực gì hay không khi mở Internet thì tôi phải khẳng định là có, nhưng không nhiều. Lúc đó tôi phải dùng Ban điều phối Quốc gia về Internet để tạo sự ủng hộ để vững tay mở cửa thị trường và làm giảm sức ép. Thậm chí, lúc đó NetNam chưa đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ Internet bởi không phải là doanh nghiệp, nhưng chúng tôi phải thuyết phục Ban điều phối Quốc gia về Internet là NetNam đã có công trong việc thử nghiệm Internet và có đội ngũ kỹ thuật để triển khai dịch vụ. Vì vậy, Ban điều phối đồng ý cho NetNam có thời hạn 1 năm thử nghiệm để sau đó tách ra thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet”, ông Mai Liêm Trực nhớ lại.
Ông Mai Liêm Trực kể rằng: “Vào những giờ chót thuyết phục cho mở Internet ở cấp cao nhất là Thường vụ Bộ Chính trị và Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi nếu mở Internet ra có chặn được hết những thông tin độc hại trên Internet hay không? Chúng tôi gồm tôi làm Tổng cục trưởng Tổng Cục Bưu điện, anh Khánh Toàn - Thứ trưởng Bộ Công An, anh Chu Hảo - Thứ trưởng Bộ KHCN đã báo cáo trong cuộc họp với Thường trực Bộ Chính trị. Anh Khánh Toàn lúc đó có nói về văn bản rất chặt chẽ. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hỏi tiếp nhưng trên thực tế thì sao? Lúc đó tôi đứng lên báo cáo đã có văn bản và thông tư liên tịch giữa các bộ như Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và Bộ Văn hóa Thông tin rất chặt chẽ, nhưng trong triển khai do điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ không thể nào chặn được hết. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các thông tin độc hại của Internet. Sau đó, Thường trực Bộ Chính trị đã đồng ý cho mở Internet và chúng tôi sang thuyết phục Chính phủ. Cả 4 anh em đến nhà riêng Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và Cố Thủ tướng đồng ý cho mở Internet. Tuy nhiên, khi chúng tôi ra về thì ông vỗ vai tôi nói: “Các cậu làm thế nào thì làm nhưng để đến khi phải đóng lại thì không biết phải nói ra sao với thế giới”.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trải lòng rằng, những gì mà Tổng cục Bưu điện thời đó đã làm là hết sức mình, mặc dù có rất nhiều khó khăn. Lúc đó mở cửa Internet cũng là một bước để Tổng cục mở tiếp thị trường viễn thông. Anh em bây giờ không còn băn khoăn gì về chuyện thời đó đã không làm hết mức để phát triển Internet. Đó là cuộc vật lộn với những khó khăn mà trước mắt là khó khăn về nhận thức và tầm nhìn có nguy cơ hạn chế sự phát triển không chỉ riêng về Internet. Qua việc mở Internet mới thấy rằng công cuộc đổi mới là vô cùng khó khăn… Bài học đầu tiên là luôn đổi mới tư duy đối với các lĩnh vực đặc biệt là Internet bởi đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Nếu chúng ta cứ hài lòng với sự thành công mà không đổi mới tư duy thì sẽ không phát triển được Internet. Xu hướng xã hội ngày càng dân chủ, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn. Internet là sự gắn kết giữa công nghệ dịch vụ và nội dung nên không đổi mới tư duy sẽ không thúc đẩy Internet phát triển.
Theo ICT News
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu