Sáng 17/1, theo thủ tục chung, các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) nói lời sau cùng, trước khi hội đồng xét xử nghị án.
Ông Đinh La Thăng là người đầu tiên trình bày lời cuối cùng, bài nói của ông giành những lời đầu tiên để cảm ơn chủ tọa, hội đồng xét xử điều hành phiên tòa theo tinh thần đổi mới, dân chủ, khách quan theo Hiến pháp, tinh thần cải cách tư pháp. Ông cũng giành lời cảm ơn các luật sư đã bào chữa với tinh thần cao, hiểu biết sâu sắc, ý kiến sắc sảo.
Bài nói của ông có đoạn, "bị cáo không bao giờ nghĩ phải đứng trước tòa nói lời sau cùng. Đây là sự bất hạnh, đau xót với bị cáo, gia đình".
Ông Thăng cho biết, 35 năm trước, khi tốt nghiệp đại học, ông cùng bạn gái – người là vợ ông hiện nay - nhận công tác ở nhà máy thủy điện Sông Đà, với sự sôi nổi của tuổi trẻ chinh phục sông Đà, vì niềm tin có dòng điện khỏe mạnh. Sau 30 năm công tác, qua nhiều cương vị công tác, ông luôn luôn vì tập thể, vì nhiệm vụ được giao..
Ông Thăng nói, trong quá trình công tác, ông luôn làm hết trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, không có ngày nghỉ lễ, nghỉ tết.
"Bị cáo còn nợ nhân dân sân bay Quốc tế Long Thành, tuyến cao tốc Bắc Nam, người dân vùng sâu vùng xa hàng nghìn cây cầu dân sinh để họ đi lại an toàn. Ở Tp HCM, còn nợ người dân đưa thành phố trở thành nền kinh tế số một châu Á, một thành phố bình an không trộm cắp, cướp giật, tệ nạn xã hội, một khát vọng biến Củ Chi thành một trung tâm hành chính mới, người dân Cần Giờ, công nhân lao động được đến một nơi ở mới văn minh, sạch sẽ, các cháu học sinh về một chương trình giáo dục không bị quá tải, hội nhập, một cháu bé chân tay cụt chưa đến thăm cháu và gia đình và nhiều món nợ cũng chỉ là ý tưởng… " – ông Thăng đau xót nói.
"Bị cáo xin một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải, nhân dân TP HCM" – cựu Chủ tịch PVN nói.
Về bản án sắp nhận, ông Thăng trình bày, "Tổng Bí thư nói mỗi một việc có nguyên nhân, bối cảnh của nó, xử lý cán bộ là cốt để người ta tiến bộ, tự nhận ra khuyết điểm để sửa. Ở đây cũng chính là tư tưởng trong công tác cán bộ của Đảng thể hiện sự nghiêm minh, nhân văn sâu sắc. Mong hội đồng xét xử thấm nhuần tư tưởng này".
Đồng thời, ông mong hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh cụ thể của từng vụ việc, thể hiện tính nhân văn nhân đạo để đủ thời gian chấp hành các án phạt. Mong muốn của ông là "trước khi nhắm mắt xuôi tay cũng được coi hoàn thành nhiệm vụ".
Sau vụ án này, ông Thăng tiếp tục đối mặt với vụ án PVN góp vốn vào Oceanbank. Và với hàng trăm công trình, dự án đã thực hiện..., ông không thể lường được đâu là lần cuối để nói lời sau cùng tại tòa.
“Tết này, bị cáo không đi công trường nữa nhưng phải vào tù. Với bị cáo mọi ước mơ, khát vọng đã hầu như bị khép lại. Bác Hồ đã nói “nhất nhật tại lao, thiên thu tại ngoại”. Vào đó, bị cáo mới hiểu được ý nghĩa lớn lao hai chữ tự do, cảm thấy sự lớn lao khi Đảng, nhà nước mang lại tự do cho dân tộc. Nhưng dù bất kỳ hoàn cảnh nào bị cáo cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, nhân dân, tin vào lãnh đạo của Đảng, Tổng bí thư, tin vào đường lối xử lý công bằng, khách quan, nhân văn của hội đồng xét xử" – Cựu Chủ tịch PVN nói.
"Trước mắt là những ngày dài vô tận trong lao tù nhưng bị cáo luôn tin vào sự công minh của pháp luật. Vào tù mới hiểu được ý nghĩa lớn lao của gia đình, tình cảm vợ con. Cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp đã chia sẻ với hoàn cảnh của bị cáo", ông Thăng khép lại phần nói lời sau cùng trước tòa như vậy.