Ohmni - robot của người Việt giúp thắt chặt tình thân
Thanh Bình
Robot Ohmni do tiến sỹ (TS) Vũ Duy Thức - nhà nghiên cứu trẻ đang sống và làm việc tại Mỹ - cùng cộng sự phát triển một giải pháp hoàn toàn mới giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa người già và con cháu, dù họ có cách xa hàng nghìn cây số.
Ohmni - bạn mới của người già
Nhiều năm sống ở Mỹ, nơi người già thường sống một mình và số người già mỗi ngày một tăng cao, TS Vũ Duy Thức rất hiểu nhu cầu được chia sẻ, trò chuyện và chăm sóc của người cao tuổi. Ông cho biết, ước tính tới năm 2050, thế giới có khoảng 2,1 tỷ người già - đối tượng có thể gặp vấn đề về sức khỏe bất cứ lúc nào - trong khi số nhân viên điều dưỡng ngày càng giảm.
“Trong hoàn cảnh đó, robot là một trong những giải pháp tốt, phù hợp với xu thế. Tôi tin rằng việc sử dụng robot và công nghệ tự động trong nhà sẽ được phổ biến trong 10 năm tới. Khi đó, robot có thể giúp đỡ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người già” - TS Thức chia sẻ.
Robot Ohmni do ông và các cộng sự nghiên cứu chế tạo đã loại bỏ rất nhiều thao tác điều khiển nhằm giúp người già sử dụng dễ dàng hơn. Người già chỉ cần mở hộp robot, mở gập, kết nối wifi. Những thao tác còn lại như di chuyển robot, thực hiện cuộc gọi, điều chỉnh robot... sẽ được người thân (kết nối qua mạng) thực hiện qua giao diện Chrome. Lời mời người thân tham gia điều khiển robot được thực hiện thông qua tài khoản Google hoặc Facebook. Mọi cuộc hội thoại đều được mã hóa nên khả năng bảo mật rất cao.
Được gắn 3 bánh xe dưới đế, robot Ohmni khá vững chắc và di chuyển rất êm. Màn hình hiển thị của robot là màn hình tablet, có khả năng chuyển động. Ohmni có thể thực hiện động tác (như gật đầu) theo động tác của người trên màn hình nhờ công nghệ MotionMap. Camera gắn ở phần đầu là camera kép góc rộng, cho khả năng bao quát lớn. Phần thân robot có thể điều chỉnh được độ cao. Khi hết pin, robot tự động chạy về dock để sạc.
Để tăng khả năng tích hợp ứng dụng mới, Ohmni được lập trình trên một nền tảng mở có tên OhmniAPI và được đồng bộ với trợ lý ảo Alexa trên Amazon Echo nhằm thực hiện các tác vụ tự động trong nhà khi không có cuộc gọi.
Trong năm nay, nhóm nghiên cứu dự định thêm tay cho robot để giúp người già nâng vật nặng, cất đồ, bật/tắt điện, mở cửa... Theo chia sẻ của TS Thức, trong khoảng 5 năm tới, Ohmni sẽ có thể rửa bát, giặt giũ và lau nhà.
Nhân viên y tế chuyên nghiệp
Ngoài khả năng tạo ra các trải nghiệm giống như thật cho các cuộc chuyện trò, dạo quanh nhà cho những người ở xa ngắm, “nhòm” vào từng hành động của người nói chuyện, robot Ohmni còn từng gián tiếp cứu sống một người già sống cô đơn.
Theo chia sẻ của TS Thức, trong thời gian thử nghiệm robot Ohmni, có một người dùng ở San Diego, Mỹ đã không thể liên lạc với mẹ - một người Mexico nhập cư, không thể nói chuyện nhiều bằng tiếng Anh - qua điện thoại vào buổi sáng. Người này đã kích hoạt robot Ohmni tại nhà mẹ. Sau khi di chuyển khắp nhà, robot Ohmni thấy bà bị ngã trong phòng tắm, tình trạng rất tệ. Người con đã gọi 911 và anh trai mình đến, cứu sống được bà cụ.
“Chính điều này đã khiến chúng tôi thấy rằng hành trình sáng tạo, cải tiến robot Ohmni của mình có giá trị” - TS Thức chia sẻ.
Hiện tại, phản hồi của người dùng thử nghiệm Ohmni rất tích cực. Họ dùng robot này mỗi lần hơn 30 phút và 80% số người dùng cho biết robot Ohmni đã trở thành kênh liên lạc chính của họ.
“Trước kia nếu tôi muốn nói chuyện với bà tôi - nay đã 94 tuổi - qua điện thoại, mẹ hoặc chị tôi phải tới tận nhà bà, bật máy tính để thực hiện cuộc gọi trực tuyến qua các ứng dụng như Facetime. Còn giờ đây khi có Ohmni, chính robot sẽ làm những công việc đó để thực hiện cuộc gọi. Bà tôi cũng không phải giữ máy hay làm bất kỳ việc gì trong khi trò chuyện” - Ping Yeh - một người thử nghiệm sống ở Minnesota nói.
TS Vũ Duy Thức cho biết, trong năm nay, Ohmni sẽ được công ty chăm sóc sức khỏe tại nhà Home Care Assistance giới thiệu tới các cộng đồng những người lớn tuổi.
TS Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên tin, Trường phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM. Ông từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại Việt Nam và tại Mỹ, có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế. Ông tốt nghiệp tiến sỹ năm 28 tuổi chuyên ngành trí tuệ nhân tạo; từng thành lập 2 công ty khởi nghiệp là Katango và Tappy (đã được Google và Weeby.co mua lại).