Ô tô bay sẽ xuất hiện trên bầu trời Tokyo vào năm 2023?

VietTimes – Chính phủ Nhật Bản rất ủng hộ việc triển khai phương tiện bay tư nhân trên bầu trời các thành phố lớn của đất nước.
Ô tô bay dạng cất hạ cánh thẳng đứng đang được nhiều hãng nghiên cứu sản xuất (ảnh: SkyDrive)
Ô tô bay dạng cất hạ cánh thẳng đứng đang được nhiều hãng nghiên cứu sản xuất (ảnh: SkyDrive)

Những thiết bị bay dạng cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) sử dụng động cơ điện đang được các nhà sản xuất tập trung phát triển.

Công ty SkyDrive có trụ sở tại Nhật Bản đang phát triển một loại xe bay điện VTOL 2 chỗ ngồi. Nó đang trong quá trình thử nghiệm. SkyDrive không phải là công ty duy nhất nghiên cứu phương tiện di chuyển cá nhân trên bầu trời. Uber, Boeing, Airbus, AeroMobil và một số hãng khác đều đang nghiên cứu VTOL nhằm tạo ra một loại ô tô bay an toàn và khả thi về mặt thương mại để vượt lên trước các đối thủ cạnh tranh.

Một số nguyên mẫu ô tô bay đã được giới thiệu với ý tưởng nó sẽ trở thành “taxi bay”, được lái bởi phi công chuyên nghiệp và có thể vận chuyển số lượng người tương đối lớn. Nhưng, trong trường hợp của SkyDrive, công ty đã phát triển một loại xe bay đủ nhỏ, chiếm một không gian đậu xe bằng 2 chiếc ô tô thông thường.

Được thành lập vào năm 2018, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tokyo này đã tập trung ngay vào thiết kế, phát triển và sản xuất các phương tiện bay. Công ty đã tập hợp được nhân viên là các kỹ sư thuộc các lĩnh vực máy bay, drone (máy bay không người lái) và ô tô tự hành. SkyDrive cũng đã ký một thỏa thuận với chính quyền thành phố Tokyo, cho phép công ty được sử dụng 10.000 m2 để đặt cơ sở thử nghiệm thiết bị bay. SkyDrive cũng đã huy động được 1,8 tỷ yên từ các nhà đầu tư.   

“Ở các nước phát triển, ô tô bay được kỳ vọng sẽ là phương tiện giúp giảm bớt ùn tắc giao thông và ứng phó với thiên tai. Còn ở các nước đang phát triển, chúng có thể được sử dụng như một hình thức giao thông đòi hỏi ít cơ sở hạ tầng hơn”, SkyDrive cho biết.

Nguyên mẫu SD-XX mà công ty vừa giới thiệu là một chiếc xe bay 2 chỗ ngồi, có người lái với cánh quạt đặt ở 4 góc. Ô tô này chạy bằng pin điện và các kỹ sư hy vọng có thể tung ra phiên bản thương mại có khả năng đạt tốc độ lên đến 60 km/h với quãng đường từ 20 đến 30 km.

Một chuyến bay không người lái ngoài trời đã được thử nghiệm vào tháng 12/2018. Tiếp theo là các chuyến bay có người lái vào tháng 12/2019 và tháng 3/2020. SkyDrive hiện nghiên cứu cải tiến thiết kế kỹ thuật hiện có. Hình dưới đây là mẫu xe ý tưởng cuối cùng.

Nguyễn mẫu ô tô bay của SkyDrive
Nguyễn mẫu ô tô bay của SkyDrive

Công ty hy vọng chính thức ra mắt ô tô bay của mình trong vài năm tới. Mặc dù điều này có vẻ đầy tham vọng, nhưng chính phủ Nhật Bản rất quan tâm hỗ trợ các dự án VTOL và muốn chứng kiến các phương tiện bay an toàn và khả thi vào năm 2023.

Ở các quốc gia đông dân với các thành phố đô thị rộng lớn như Nhật Bản, một ngày nào đó, ô tô bay VTOL có thể giảm bớt gánh nặng giao thông trên đường bộ và cung cấp sự vận chuyển nhanh hơn giữa các khu vực trong thành phố. Ô tô bay cũng hữu ích trong việc vận chuyển hành khách đến các vùng sâu vùng xa hoặc trong các trường hợp thiên tai, các nỗ lực cứu hộ hoặc tiếp tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với Japan Times , Giám đốc điều hành SkyDrive Tomohiro Fukuzawa cho biết ông hy vọng sẽ trình diễn một chuyến bay có người lái vào thời gian tới đây. SkyDrive đã lên kế hoạch cho dịch vụ taxi hàng không vào năm 2023. Nếu mọi việc suôn sẻ, ô tô bay tự hành có thể được cung cấp thương mại cho công chúng vào năm 2028. Giá của một chiếc ô tô bay sẽ gần bằng giá của một chiếc "xe hơi đắt tiền".

Osaka hay Tokyo được dự tính là những thành phố đầu tiên khai trương dịch vụ taxi hàng không. SkyDrive dự định tính phí cho một chuyến bay, bao gồm một hành khách và một phi công, thấp hơn nhiều so với một chuyến bay bằng trực thăng truyền thống.   

SkyDrive dự kiến sẽ bán được 100 chiếc ô tô bay vào năm 2028.

“Tôi thực sự vui mừng về triển vọng ô tô bay trong tương lai bởi chúng ta sắp chứng kiến một sự cải tiến lớn về khả năng di chuyển - điều hiếm thấy trong lịch sử, bắt đầu từ ngựa đến ô tô, máy bay và tàu thủy. Có nhiều đối thủ khác ở Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng chúng tôi muốn sản xuất một phương tiện bay mang lại cảm giác thoải mái với chất lượng Made in Japan”, ông Fukuzawa nói.

Trong một tin tức liên quan, vào đầu năm 2020, Joby Aviation - nhà phát triển ô tô bay điện 5 chỗ ngồi - đã nhận được khoản đầu tư 394 triệu USD từ nhà sản xuất ô tô Toyota.