Gần đây, số bệnh nhân bị bỏng cồn phải vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để điều trị gia tăng. Hầu hết các bệnh nhân bị bỏng cồn chủ yếu do dùng cồn để chế biến đồ ăn, điển hình là nướng mực khô.
Một nam bệnh nhân đang điều trị bỏng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân đã rủ bạn đến nhà chơi và lấy mực ra nướng. Trong quá trình nướng mực bằng cồn, một người bạn của bệnh nhân đã đổ thêm cồn vào ngọn lửa đang cháy, khiến ngọn lửa bùng phát và bắt vào người bệnh nhân gây bỏng.
Để phòng, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra do nướng, chế biến các loại thực phẩm, đặc biệt là mực khô bằng công, BS. Nguyễn Nam Giang - Trưởng Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - khuyến cáo người dân không nên dùng cồn để nướng mực mà nên nướng mực trên bếp than, bếp lửa. Nếu nướng mực bằng cồn cần quan sát kỹ để ngọn lửa tắt hoàn toàn, tránh đổ thêm cồn trực tiếp vào ngọn lửa khiến lửa bùng phát gây bỏng.
Theo BS. Giang, bỏng cồn rất nguy hiểm. Với những bệnh nhân bị bỏng lửa do cồn, tùy theo mức độ, diện tích bỏng, khi khỏi thường để lại sẹo co rúm trên da và tốn nhiều thời gian điều trị. Thậm chí, chỉ cần một chút sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.
Do không phải nơi nào cũng có bếp than, bếp củi nên nhiều gia đình đã dùng cồn để nướng mực. Chỉ cần 1 chiếc đĩa hoặc khay và chai cồn y tế 90 độ là có thể biến thành lò nướng mực. Việc dùng cồn để nướng mực tùy tiện chính là nguyên nhân khiến nhiều tai nạn bỏng đáng tiếc đã xảy ra.