Thuỷ Tiên tuyên bố tiền cứu trợ bão lũ 150 tỉ như muối bỏ bể
Hiện tại, khu vực ngập lụt ở miền Trung nước đã rút, thời tiết cũng đã nắng ráo trở lại, thuận lợi cho công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả sau lũ. Nhưng trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng tiếp tục chia sẻ những hình ảnh tang thương vì nước lũ, gây tâm lý bất an.
“Có rất nhiều đoàn cứu trợ đến từ mọi vùng miền đất nước, tấm lòng đó của người dân Việt, quê hương miền Trung chúng tôi vô cùng cảm kích, không thể dễ dàng nói hết lời cảm ơn” – Nhà báo Lê Hữu Chính, ngụ tại Quảng Bình, trực tiếp tham gia cứu trợ và hướng dẫn các đoàn cứu trợ đến từ nhiều địa phương, chia sẻ.
Tuy nhiên, chính vì đoàn nào cũng mong muốn đi vào thật sâu, vào những nơi chưa ai từng vào, là những địa bàn nguy hiểm nhưng lại không có đủ phương tiện quy mô như các đơn vị lớn, nên đến địa phương phải đi thuê thuyền, đò, xảy ra nhiều cảnh lộn xộn, cò kè trả giá, gây hình ảnh không đẹp cho cả hai phía.
“Các đoàn từ thiện có gì cho nấy, không chuẩn bị trước một “kịch bản” trao tặng nào, nên khá nhiều cảnh tức cười khi áo quần đem đến người miền Trung không mặc được, chẳng hạn như nhiều bộ váy áo diêm dúa rất không phù hợp với cảnh bão lũ. Thậm chí, hàng cứu trợ không được chuẩn bị sẵn treo lên móc để người dân đến thử mà bày tanh bành trên mặt đất, người được cứu trợ dẫm đạp lên đồ, chọn chán thì vứt lại, gây cảnh “nhức mắt” khi cộng đồng mạng lại ồn ào chia sẻ những hình ảnh khá nhiều bao hàng hoá bị phá bung rồi bỏ lại” – Nhà báo Lê Hữu Chính cho biết.
Hoạ sĩ Trần Ngọc Bảy đang cùng một đoàn cứu trợ có mặt tại miền Trung cập nhật: “Nhiều bao lúa của bà con đem đến ủng hộ nhưng vì ngâm trong nước lũ đã mọc mầm hết, nhìn rất xót”.
Họa sĩ Trần Ngọc Bảy và xuồng cứu trợ mang hàng vào vùng lũ (Ảnh: FBNV) |
Tiến sĩ Khắc Thái, một nhà nghiên cứu văn hoá, có mặt trực tiếp cứu trợ tại Quảng Bình, kể: “Hôm nay, theo đề nghị của một nhóm cứu trợ từ phía Bắc, tôi và một số giáo viên, sinh viên Đại học Quảng Bình đón tiếp, bốc hàng đóng gói giúp cho một nhóm cứu trợ và nhóm cứu trợ này đồng ý hỗ trợ 3 làng với số hàng cứu trợ gồm gạo, bánh chưng và áo quần. Dù rằng bánh chưng và áo quần không còn cần thiết nữa, nhưng là tấm lòng của người cứu trợ nên nhóm tiếp nhận đã thông báo cho chính quyền 3 làng kia tập hợp dân để nhóm cứu trợ đến phát tận tay, với sự giúp đỡ tận tình của nhóm tình nguyện sinh viên Đại học QB. chứ không trao cho chính quyền vì họ nói họ không tin. Chính quyền các làng cũng đồng ý”.
“Trong khi dân 3 làng được chính quyền thông báo tập trung chờ đợi thì nhóm cứu trợ đến từ tỉnh phía Bắc này không đưa đi đủ 1.000 suất như cam kết mà bỏ lại kho ở Đại học Quảng Bình, chỉ đưa đi 350 suất, đến một làng trao 90 suất mặc dù hứa 350 suất, làng thứ 2 trao 150 suất mặc dù hứa 350 suất, chính quyền hai làng này phải xin lỗi số dân không được nhận nhưng phải chờ đợi. Còn làng thứ 3 thì dân chờ cả ngày nhưng đoàn không đến mà không thông báo gì, lý do vì sao” – TS. Khắc Thái cho biết.
“Vì đã qua thời điểm nguy cấp về tính mạng và thiếu đói đột xuất, may mắn có mấy ngày nắng ráo, thuận lợi trong chuyện khắc phục hậu quả, đa số vùng miền tại “rốn lũ” giờ đã có nước sinh hoạt, áo quần đã có thể giặt giũ, phơi khô để sử dụng. Trong khi đó, số thực phẩm ăn nhanh (bánh chưng, mì ăn liền, nước sạch đóng chai) và áo quần cứu trợ khẩn cấp đã đáp ứng kịp thời đúng lúc hiểm nghèo nhất, cần thiết nhất, hiện vẫn còn rất nhiều chưa kịp phân phối hết” – TS Khắc Thái chia sẻ.
Sinh viên Đại học Quảng Bình tiếp tục trở lại trường (Ảnh: TS Khắc Thái) |
Chuyển sang hoạt động thiện nguyện
TS. Khắc Thái nhấn mạnh: “Xin bà con và các nhà hoạt động thiện nguyện thông cảm. Số hàng hóa, vật dụng cứu trợ đã chuyển và đang trên đường chuyển đến miền Trung nên chuyển giao cho chính quyền và các đoàn thể quần chúng để cân đối lại danh sách nhận cứu trợ và tiếp tục chuyển đến cho các hộ dân bị bỏ sót, chưa có cơ hội nhận cứu trợ hoặc cho những hộ đúng mặt hàng cần thiết theo điều kiện cụ thể của hộ đó. Giai đoạn khẩn cấp qua rồi, bây giờ là lúc điều chỉnh sự cứu trợ sao cho đảm bảo công bằng, giữ gìn sự đoàn kết cộng đồng. Đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của các vùng, các gia đình mà cứu trợ thời gian qua chưa đến được”.
“Lúc này, rất cần chuyển từ giai đoạn cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp sang hoạt động thiện nguyện để giúp nhân dân vùng lũ lụt ổn định cuộc sống theo hướng bền vững bằng cách chuyển từ việc quyên góp các mặt hàng khẩn cấp sang hỗ trợ các mặt hàng đảm bảo duy trì sự ổn định như lương thực (chủ yếu là gạo), thực phẩm (chủ yếu là phụ gia chế biến) và sách vở cho học sinh. Nếu được thì xin cộng đồng hỗ trợ bằng tiền để nhân dân có thể sửa chữa những đồ dùng bị hỏng do ngâm nước lũ hoặc giúp dân có điều kiện mua lại những vật dụng cần thiết nhất đã bị nước cuốn trôi” – TS Khắc Thái cho biết.
"Người hùng chân đất", ông Bình (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) với con đò gẫy đôi sau khi cứu hàng trăm người dân vùng lũ, vừa được tặng một con đò mới (Ảnh: Lê Hữu Chính) |
“Đến thời điểm này, bà con miền Trung cần nhất là thuốc men, chăn ấm chuẩn bị cho mùa lạnh sắp đến. Với người dân nghèo vùng lũ, mua được tấm chăn ấm không phải chuyện đơn giản. Nếu các nhà hảo tâm có lòng, xin quyên góp trao tặng những thứ bà con thực sự cần” – Hoạ sĩ Trần Ngọc Bảy trăn trở.
Nhà báo Lê Hữu Chính trao đổi: “Nên ủng hộ gì thì còn tuỳ vào “lực” của mỗi đoàn thiện nguyện. Nhưng rất nên có hướng cụ thể, chẳng hạn nhắm vào học sinh thì gom sách vở, hướng tới người dân thì ủng hộ thuốc men, áo ấm, chăn ấm… Nhưng các đoàn thiện nguyện rất nên làm việc với cơ quan chức năng tại địa phương, để được hướng dẫn cụ thể, tránh việc tặng trùng gây lãng phí không cần thiết, không đem đến những thứ bà con không thực sự cần”.