Cách mạng công nghiệp là khái niệm về cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất, xuất phát ở nước Anh trong thế kỷ 18, sau đó lan tỏa ra toàn cầu.
Từ những phát minh thuở sơ khai như động cơ hơi nước cho đến những công nghệ hiện đại ngày nay như công nghệ xe tự lái hay robot lắp ráp tự động đều để lại dấu ấn đậm nét, những thay đổi mang tính đột phá đối với không chỉ nền sản xuất công nghiệp mà cả cuộc sống con người nói chung.
Đến nay, thế giới đã trải qua tổng cộng ba cuộc cách mạng công nghiệp và hiện đang ở trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghệ số.
Cũng giống như những cuộc cách mạng trước, Công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ tiếp tục giải phóng con người khỏi dây chuyền sản xuất công nghiệp, đồng thời tạo đột phá bằng cách cung cấp cơ hội phát triển cho từng cá nhân lên tầm cao hơn, với sự hỗ trợ của nhiều loại thông tin, tri thức và công nghệ mới.
Tuy nhiên, người ta vẫn nói “Không con đường thành công nào trải đầy hoa hồng”. Báo cáo mang tên “Tự động hóa và kết nối cực độ: Những tác động đối với toàn cầu, khu vực và đầu tư của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của ngân hàng Thụy Sỹ UBS, cùng những nhận định mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) được đưa ra trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đã phác họa một cách rõ nét nhất về những rủi ro mà nền kinh tế vĩ mô toàn cầu phải đối mặt trong kỷ nguyên số.
Cốt lõi của Công nghiệp 4.0
Công nghiệp 4.0 đã bắt đầu được vài năm và cho ra đời khái niệm về sản xuất thông minh dựa trên những thành tựu đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ số như điện toán đám mây, thiết bị di động thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) và vạn vật kết nối Internet (IoT)…
Hai yếu tố cấu thành nên IR4 đó là tự động hóa cực độ (extreme automation) và kết nối cực độ (extreme connectivity), đi kèm với điểm cốt lõi là AI. AI có khả năng tự động hóa một số kỹ năng mà trước đây chỉ con người mới có thể làm, trang bị cho máy móc có khả năng của trí thông minh con người, ví dụ như khả năng lập luận, khả năng ngôn ngữ, khả năng tự học…
AI tạo ra lợi ích lớn nhất khi xử lý những khối dữ liệu lớn, xử lý ngôn ngữ và hình ảnh, điều mà thế hệ máy tính hiện nay không dễ dàng làm được. Hiện nay những ứng dụng công nghệ đang sử dụng AI có thể kể đến như ứng dụng dịch văn bản tự động hay dịch thuật qua giọng nói của Google và Facebook.
Cùng với tự động hóa cực độ, robot có trí tuệ nhân tạo có thể cùng tham gia vào quy trình sản xuất, phân tích các kết quả, đưa ra những quyết định phức tạp và thích nghi với các yếu tố môi trường.
Trong khi đó, kết nối cực độ cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn, xa hơn, tạo điều kiện phát triển những mô hình kinh doanh mới như Uber, Facebook, WhatsApp, Pinterest, Snapchat, Twitter và Instagram hay công nghệ xe tự lái đang được thử nghiệm rộng rãi trên toàn thế giới.
Kết nối cực độ tạo điều kiện phát triển những mô hình kinh doanh mới. Ảnh: AFP/TTXVN
Nước chảy chỗ trũng?
Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng cảm giác của những tài xế taxi truyền thống khi đứng trước sự đổ bộ mạnh mẽ của những ứng dụng vận tải như Uber hay Grab hay nhìn vào thực tế rằng số thuê bao facebook hiện nay đã cao hơn dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc.
Với những ứng dụng rất thiết thực và đột phá, IR4 mặc dù đang mang lại cho cuộc sống con người những tiến bộ và tiện nghi, song thách thức mà nó đặt ra cũng đang khiến giới chuyên gia phải đau đầu.
Báo cáo mang tên “Tự động hóa và kết nối cực độ: Những tác động đối với toàn cầu, khu vực và đầu tư của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của UBS nhận định rằng đối tượng chịu thiệt thòi nhất từ Công nghiệp 4.0 có lẽ là những lao động từng tưởng như “vô can” trước sự “đổ bộ” của robot, cụ thể là những đầu việc có chuyên môn ở tầm trung như văn thư, dịch vụ khách hàng…
Đối với những lao động chuyên môn thấp hơn, ngân hàng Thụy Sỹ cho rằng tự động hóa sẽ tác động tiêu cực nhiều đến thị trường mới nổi ở Mỹ Latinh và Ấn Độ, vốn được hưởng lợi nhờ nguồn lao động giá rẻ, khi đánh mất lợi thế cạnh tranh này vào tay những chú robot thông minh, hơn là những nền kinh tế đã phát triển của Thụy Sỹ, Singapore và Vương quốc Anh.
Các công ty sử dụng nhiều lao động sẽ tính cách nâng cao lợi nhuận bằng việc thay thế những nhân công này với thế hệ robot thông minh có chi phí thấp hơn.
Trong khi đó, nhóm người giàu sẽ giành được lợi thế cao hơn từ Công nghiệp 4.0 so với những người nghèo.
Chủ tịch của UBS Axel Weber nhận định bất bình đẳng gia tăng không chỉ giữa những quốc gia đã, đang phát triển và mới nổi mà còn ở bên trong xã hội, tác động đến các tầng lớp giàu nghèo và ở mọi lứa tuổi.
Điều này sẽ dẫn đến hiện tượng phân cực trong lực lượng lao động và khoét sâu hơn nữa khoảng cách về thu nhập trong xã hội.
WB ước tính rằng tiến trình tự động hóa sẽ đe dọa 57% việc làm của 35 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), con số này đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 47% và 77%.
Trong khi nhiều công việc sẽ bị xóa bỏ hoặc chuyển đổi, đặc biệt là những công việc thủ công và thường nhật dễ thay thế, thì những công việc mới cần kỹ năng khác biệt sẽ phát triển.
Một ước tính khác cho rằng 65% trẻ em đi học tiểu học ngày nay sẽ phải chuẩn bị hành trang cho công việc trong những lĩnh vực chưa từng tồn tại. Do đó, khả năng ứng biến linh hoạt là vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0.
Trong khi tự động hóa tạo ra lực cạnh tranh trực tiếp đối với những lao động tay nghề thấp thì lợi ích sẽ tập trung vào những nhóm người vốn đã ở trên “đỉnh cao” của thu nhập, kỹ năng và sự giàu có, đi kèm với khả năng thích ứng linh hoạt.
Báo cáo viết: “Đây là những cá nhân sẽ khai thác được một cách tốt nhất lợi thế của tự động hóa và kết nối cực độ; Họ thường có nguồn tiền dự trữ mạnh và sẽ hưởng lợi từ việc nắm giữ nhiều tài sản mà giá trị của chúng sẽ tăng cao nhờ Công nghiệp 4.0”. Do đó, những người giàu sẽ càng giàu hơn.
Ở tầm cỡ quốc gia, hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những nền kinh tế có khả năng linh hoạt cao. Những nền kinh tế mới nổi với lao động tay nghề thấp và khả năng linh hoạt kém sẽ phải hứng chịu “cơn gió ngược” từ tự động hóa nhiều hơn so với những nước đã phát triển.
Báo cáo viết rằng có nhiều nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được những thách thức của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Nền kinh tế và việc làm vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất trên quy mô nhỏ trong khi lĩnh vực dịch vụ chưa thật sự phát triển.
Đây là những nền kinh tế có vốn đầu tư thấp nhưng tỷ lệ dân số lại tăng cao, dẫn đến hậu quả là họ sẽ để mất những việc làm có tay nghề thấp trong khi vẫn không có đủ khả năng và tiến bộ công nghệ để tận dụng những lợi ích được phân phối lại của Công nghiệp 4.0./.
Theo BNews/TTXVN