Nửa đầu năm 2017, hơn 6.000 website của Việt Nam bị tấn công

VietTimes -- Tính từ đầu năm đến 27/6, cả nước đã có hơn 1.500 máy tính bị tấn công theo kiểu lừa đảo, gần 1.000 máy tính bị tấn công theo hình thức thay đổi giao diện và hơn 3.700 máy tính khác bị cài mã độc. Tin tặc cũng không hoạt động đơn lẻ mà có tổ chức, thậm chí còn được tài trợ.
Ông Nguyễn Khắc Lịch cho rằng: “Có thể nói, hiện nay không có ai an toàn 100% trên môi trường mạng, chỉ là khi nào sẽ bị tấn công và có thường xuyên bị tấn công hay không”.
Ông Nguyễn Khắc Lịch cho rằng: “Có thể nói, hiện nay không có ai an toàn 100% trên môi trường mạng, chỉ là khi nào sẽ bị tấn công và có thường xuyên bị tấn công hay không”.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho hay, hiện nay hacker tấn công tinh vi hơn, tấn công trên diện rộng, có chủ đích. Mã độc được điều khiển và thực hiện theo kế hoạch.

Mục tiêu tấn công an toàn thông tin cũng khác trước. Tin tặc không chỉ đơn thuần đánh cắp thông tin cá nhân, mà còn lợi dụng thông tin để phục vụ các mục đích kinh tế và chính trị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay nhiều cơ quan và đơn vị vẫn chủ quan, chưa ý thức được những mối nguy hiểm này. Nếu lãnh đạo cũng như chủ quản của các hệ thống công nghệ thông tin tiếp tục không coi trọng tăng cường nhận thức cũng như đầu tư cho an toàn thông tin thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nằm trong top đầu thế giới về mức độ lây nhiễm mã độc.

Trước đó, cũng theo thống kê của VNCERT, từ tháng 1 - 3/2017, Việt Nam đã ghi nhận gần 7.700 sự cố tấn công mạng vào các website tại Việt Nam, gồm 2.848 trang bị tấn công Deface (thay đổi giao diện), 3.783 trang bị cài Malware (mã độc) và 1.050 website bị đặt Phishing (lừa đảo).
Nhận định về tình hình an toàn thông tin, Phó Giám đốc VNCERT Nguyễn Khắc Lịch cho rằng hiện nay an toàn thông tin có tính toàn cầu. Trên thế giới, hiện sự cố an toàn thông tin và tấn công mạng diễn ra mỗi phút. Các thiết bị di động đã trở thành mục tiêu tấn công phổ biến, cài cắm mã độc và tấn công doanh nghiệp. Một số tin tặc được chính phủ tài trợ nhằm do thám và phá hoại các cơ sở hạ tầng quan trọng. “Có thể nói, hiện nay không có ai an toàn 100% trên môi trường mạng, chỉ là khi nào sẽ bị tấn công và có thường xuyên bị tấn công hay không”, ông Lịch nói.