Theo những gì được nhà sản xuất công bố, Nokia 8 có màn hình 5,3 inch, độ phân giải 2K (2560 x 1440) được tăng cường sức mạnh bởi bộ vi xử lý Snapdragon 835, bộ nhớ 4 GB và dung lượng lưu trữ 64 GB.
Những thông số này đã thuộc dạng “đỉnh” mà người dùng có thể tìm thấy ở hầu hết các smartphone cao cấp có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, HMD vẫn giữ lại một số yếu tố thiết kế cổ điển như viền màn hình dày (viền trên và dưới), nút Home vật lý tích hợp máy quét vân tay. Trong khi đó, các mẫu điện thoại cao cấp ngày nay đang chạy theo xu hướng màn hình không viền và máy quét vân tay được đặt ở phía mặt lưng.
Nokia 8 có chiều dày 7,3 mm. Máy có thiết kế nhôm nguyên khối với các đường ăng ten chạy dọc ở đỉnh và cạnh dưới của máy, giống như thiết kế mà chúng ta thấy trên các mẫu điện thoại của Meizu, Apple và thậm chí là OnePlus/Oppo.
Nokia 8 có 4 lựa chọn màu sắc là xanh bóng, vàng đồng, xanh nhám và xám. Những người được tận mắt chứng kiến chiếc Nokia 8 mới đều đánh giá cao các màu nhám.
Đặc điểm nổi bật Nokia 8 nằm ở camera. Cả camera trước và sau của Nokia 8 đều sử dụng ống kính của hãng Carl Zeiss và có cảm biến 13 megapixel, khẩu độ f/2.0. Camera kép phía sau bao gồm một bộ cảm biến đơn sắc và một bộ cảm biến màu. Cảm biến đơn sắc giúp giảm nhiễu vì đã loại bỏ lớp lọc màu, đồng thời được dùng để chụp ảnh đen trắng.
HMD đã không tùy chỉnh nhiều phần mềm camera ở Nokia 8, nhưng hãng đã cung cấp một tính năng “cực hay” gọi là “bothie” (tạm dịch là Cả Hai).
Chế độ “bothie” tương tự những gì chúng ta đã thấy Samsung và LG làm trong quá khứ. Nó sẽ kích hoạt cả camera phía trước và phía sau để chụp ảnh hoặc quay video. Người dùng cũng có thể phát trực tiếp (livestream) video này lên Facebook hoặc YouTube thông qua giao diện máy ảnh. Tính năng này sẽ rất hữu dụng khi người dùng livestream trực tiếp một sự kiện mà vẫn có thể quay khuôn mặt biểu cảm của mình.
Nokia 8 cũng có một ưu điểm khác, đó là nó được trang bị công nghệ Ozo Audio. Ozo vốn là công nghệ tổng thể được dành riêng cho máy ảnh tương lai của Nokia để quay phim thực tế ảo (VR), nhưng HMD đã quyết định đưa phần âm thanh của Ozo lên Nokia 8. Với Ozo Audio, ngoài việc phát nhạc âm thanh vòm, Nokia 8 còn có khả năng thu âm 360 độ nhờ 3 micro được đặt ở mặt lưng, cạnh dưới và loa thoại phía trước. Người dùng có thể phát trực tiếp các âm thanh khi thu âm. Nếu bạn dùng tai nghe và nghe một đoạn nhạc phát trực tiếp trên Facebook từ Nokia 8, bạn sẽ nghe được âm thanh vòm 360 độ.
Từ xưa, Nokia đã là một trong những hãng đầu tiên đưa các thông báo và thông tin lên màn hình khi nó đã tắt. Hiện tại, một số hãng đã bắt chước tính năng này, chẳng hạn như Samsung với màn hình Always On. Nokia 8 cũng được trang bị một chế độ hiển thị như vậy. Mặc dù việc hiển thị trên màn hình LCD phức tạp hơn OLED một chút, nhưng HMD đã xây dựng một giải pháp độc quyền với chế độ năng lượng thấp cho một phần màn hình. Nó sẽ hiển thị các cuộc gọi, email, tin nhắn văn bản, và HMD đang có kế hoạch bổ sung thêm các thông báo từ những ứng dụng mạng xã hội.
Tuy vậy, những người được trải nghiệm trực tiếp Nokia 8 đã không đánh giá quá cao mẫu điện thoại này. Họ cho rằng đây là mẫu điện thoại cao cấp “ở mức trung bình” nếu so với iPhone 8 và Galaxy S8. HMD đã tạo ra một sản phẩm với thiết kế cũ rích, không có khả năng chống nước và không hỗ trợ sạc không dây. Và mức giá của sản phẩm này cũng không hề rẻ so với các đối thủ có cùng thông số kỹ thuật như OnePlus 5. HMD đã định giá sản phẩm này là 705 USD, tức là khoảng 16 triệu đồng.