Những vụ thảm sát và hiện tượng trả thù xã hội - vấn đề cấp bách cần giải quyết ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần đây, tại Trung Quốc liên tiếp xảy ra một số vụ thảm sát bừa bãi người vô tội gây chấn động xã hội và rúng động đến giới lãnh đạo cấp cao nhất, khiến người ta lo ngại về hiện tượng trả thù xã hội.
Ngô X, kẻ gây ra vụ thảm sát ở An Khánh, An HUy hôm 5/6 bị bắt giữ (Ảnh: Đa Chiều).
Ngô X, kẻ gây ra vụ thảm sát ở An Khánh, An HUy hôm 5/6 bị bắt giữ (Ảnh: Đa Chiều).

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc ngày 6 và 7/6 đều đưa tin ngày 5/6 một vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra tại thành phố An Khánh, tỉnh An Huy. Trang Weibo chính thức của chính quyền thành phố An Khánh thông báo, khoảng 16 giờ chiều ngày 5/6 xảy ra vụ một người đàn ông mang dao xông ra phố đi bộ thương mại Nhân Dân, vung dao chém giết bừa bãi, khiến ít nhất 5 người chết tại chỗ, 15 người bị thương. Tính đến 12 giờ ngày 6/6, sự cố an ninh công cộng này đã khiến 20 người thương vong, trong đó có 6 người chết (5 người chết tại chỗ, 1 người chết sau khi điều trị không thành công), 14 người bị thương, có 1 đang nguy kịch, 13 người đã an toàn.

Những nhân chứng có mặt kể lại, kẻ giết người đầu chít dải ruy-băng trắng, chạy dọc con phố đông người, gặp người là chém, vừa chém vừa cười, nhiều người không tránh kịp bị gục trong vũng máu, cảnh tượng rất ghê sợ...

Kẻ sát nhân bị khống chế (Ảnh: Đa Chiều).

Kẻ sát nhân bị khống chế (Ảnh: Đa Chiều).

Theo thông báo chính thức, cảnh sát nhận được tin báo lúc 16h27, đến hiện trường lúc 16h31, nghi phạm bị bắt lúc 16h36. Sau khi điều tra, đã xác nhận nghi phạm tên là Ngô X, nam, 25 tuổi, người huyện Hoài Ninh, thành phố An Khánh, không nghề nghiệp, đã trút giận lên xã hội do bi quan chán đời và gia đình không hòa thuận, anh ta đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự.

Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an Trung Quốc đã khẩn cấp cử tổ công tác đến An Khánh để hướng dẫn giám sát việc xử lý vụ việc. Bí thư tỉnh ủy An Huy Lý Cẩm Bân và Tỉnh trưởng Vương Thanh Hiến đã đưa ra chỉ thị phải dốc mọi khả năng để cứu sống những người bị thương và làm tốt công tác giải quyết hậu quả.

Theo tin của trang tin "Tài Kinh", các nhân chứng nói rằng "nghi phạm đã đâm mọi người trên đường phố"; sau khi sự việc xảy ra, nhiều người dân địa phương đã hiến máu miễn phí để cứu chữa những người bị thương.

Bài báo trên Tài Kinh tiết lộ Ngô X sinh tháng 5/1996. Khi anh ta học lớp 4 trường tiểu học vào năm 2006 (10 tuổi), cha mẹ đã ly hôn do bất hòa. Đây là một cú kích động lớn khiến Ngô không muốn đi học tiếp rồi bỏ học, tính cách dần trở nên hướng nội, thu mình, không thích giao tiếp với người ngoài, ở nhà không làm gì, thỉnh thoảng bỏ nhà đi lang thang.

Một phụ nữ trẻ bị Ngô X sát hại (Ảnh: Đa Chiều).

Một phụ nữ trẻ bị Ngô X sát hại (Ảnh: Đa Chiều).

Do có những biểu hiện không bình thường và trạng thái tâm thần khác, Ngô X được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhân dân số 6 thành phố An Khánh vào ngày 13/5/2013 để điều trị; đến 22/5/2013, được xuất viện về nhà để phục hồi sức khỏe.

Đầu năm 2015, người cha đưa Ngô X cùng đến thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam làm công, hai tháng sau, Ngô bỏ đi không lời từ biệt. Tháng 7/2015, cha Ngô X nhận được tin từ cảnh sát Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc thông báo Ngô X đang bị tạm giữ hình sự vì tình nghi cố ý gây thương tích. Sau đó, Ngô bị Tòa án quận Giang Hán, thành phố Vũ Hán, tuyên phạt một năm hai tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày 4/9/2016, Ngô được trả tự do rồi về quê.

Sự cố an ninh công cộng tồi tệ ở An Khánh ngày 5/6 không chỉ gây sốc cho các quan chức địa phương mà còn gây ra sự lo lắng về an ninh tập thể trong dư luận Trung Quốc.

Video hình ảnh hiện trường vụ thảm sát ở An Khánh chiều 5/6 (Video: Đông Phương).

Theo trang tin Đa Chiều ngày 7/6, trên thực tế, đằng sau vụ thảm sát bừa bãi trên đường phố An Khánh, gần đây ở Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ bạo lực với xu hướng trả thù xã hội rất rõ rệt. Trong tuần qua, hầu như ngày nào cũng xảy ra những vụ tương tự ở Trung Quốc. Điển hình, vào ngày 29/5, tại quận Tần Hoài, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, một người đàn ông thất nghiệp (41 tuổi) đã thuê một chiếc xe để lái đâm vào vợ cũ và người bạn trai của vợ cũ rồi tiếp tục dùng dao đâm bị thương người này; sau đó quay xe đè tiếp lên vợ cũ. Khi lái xe chạy khỏi hiện trường anh ta tiếp tục đâm gục nhiều người đi bộ vô tội, thậm chí còn dùng dao hành hung cho đến khi bị cảnh sát khống chế. Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát công bố kết quả điều tra cho thấy hung thủ gây án cũng vì mâu thuẫn do tranh chấp tình cảm.

Trước đó, trưa ngày 22/5, một người đàn ông họ Lưu ở Đại Liên, Liêu Ninh, khi đang dừng xe hơi chờ đèn tín hiệu giao thông đã bất ngờ tăng tốc và đâm thẳng vào người qua đường với tốc độ 100 km/h khiến 5 người chết và 5 người bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, theo kết quả điều tra chính thức, Lưu do thất bại trong đầu tư, bị mất niềm tin vào cuộc sống nên nảy sinh tâm lý trả thù xã hội.

Những vụ việc tương tự hiện có khá nhiều ở Trung Quốc, xét từ bề ngoài chúng đều mang tính chất chống đối xã hội. Dù dư luận đều tỏ thái độ phản đối các hung thủ, cho rằng họ không thể dùng bạo lực với những người vô tội để giải tỏa áp lực tâm lý nhưng thực tế những lời chỉ trích này vẫn không có ý nghĩa gì, bi kịch vẫn tiếp tục xảy ra. Vấn đề là, những sự việc tương tự liên tiếp xảy ra đã nói lên điều gì?

Thực tế, những vụ việc tương tự không chỉ tăng mạnh ở Trung Quốc trong những năm gần đây, điều này khiến người ta liên tưởng đến những vụ tấn công bạo lực vào các trường mẫu giáo trong hơn 10 năm qua ở nước này. Thực ra, tất cả điều này phản ánh sự biến đổi nhanh chóng của xã hội Trung Quốc và người dân (đặc biệt là nhóm người ở tầng lớp cuối xã hội) lo lắng về cuộc sống thực tại và tương lai. Đồng thời, cũng giống như những tệ nạn chung gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm trước, xã hội Trung Quốc đang từ chỗ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng chuyển sang suy giảm liên tục, thậm chí phục hồi kinh tế diễn ra chậm chạp dưới tác động của đại dịch COVID-19. Điều này chắc chắn phản ánh cuộc sống và tâm lý xã hội của những người dân tầng lớp bình thường.

Bàn về vấn đề này, trang tin Đa Chiều viết, ngay từ năm 2004, ông Hồ Cẩm Đào, người lãnh đạo đứng đầu Trung Quốc khi đó, khi đối mặt với sự chuyển đổi xã hội của Trung Quốc và các vấn đề về phân hóa phát triển và bất bình đẳng giữa người giàu và nghèo nàn làm ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, đã đưa ra ý tưởng chính trị về một "xã hội hài hòa". Tuy nhiên, rõ ràng các vấn đề xã hội vẫn không được giải quyết một cách hiệu quả. Khi đó, bầu không khí trong xã hội Trung Quốc vẫn đầy thù địch và thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực.

Kẻ lái xe đâm vào đám đông làm 5 người chết, 5 người bị thương ở Đại Liên hôm 22/5 (Ảnh: Đa Chiều).

Kẻ lái xe đâm vào đám đông làm 5 người chết, 5 người bị thương ở Đại Liên hôm 22/5 (Ảnh: Đa Chiều).

Tất nhiên, trong bất kỳ thời đại nào, cũng đều có các vấn đề phát triển, mất cân bằng xã hội và tâm lý, cuối cùng sẽ dẫn đến xảy ra các vụ việc trả thù xã hội, nhưng điều này không có nghĩa là những người nắm quyền có thể bỏ qua việc giải quyết vấn đề. Ngày nay, chính phủ Trung Quốc đang hô hào phục hồi nguyên khí sau đại dịch, nhưng dưới sự tấn công kép của chuyển đổi kinh tế và tác động của dịch bệnh, việc khôi phục tâm lý xã hội còn lâu mới đạt được. Nếu không quan tâm đến “cảm giác bị tước đoạt” của người dân tầng lớp dưới, e rằng những vụ việc tương tự sẽ không dừng lại.

Bài báo của Đa Chiều kết luận, điều cấp bách hiện nay là Bắc Kinh phải quyết liệt trong việc trấn áp những tội phạm tương tự, đồng thời cũng cần mạnh dạn thúc đẩy giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội, như vấn đề quyền phát triển công bằng và trực tiếp là vấn đề "ba ngọn núi mới" (tức là vấn đề giá cả ngày càng đắt đỏ trong ba lĩnh vực chữa bệnh, giáo dục và nhà ở).