Ủy viên Bộ Chính trị nghiện game
Tờ Kinh tế Tham khảo của Tân Hoa Xã hôm 3/8/2021 đã đăng một bài báo chỉ trích trò chơi điện tử là "thuốc phiện tinh thần”, “ma túy điện tử”. Hai ngày sau đó, Tôn Chính Tài cựu ngôi sao chính trị của chính trường Trung Quốc vốn bặt tin kể từ vào nhà tù Tần Thành, đã bị chế giễu trên Twitter. Tài khoản Twitter @ TuCaoFakeNews ngày 5/8 đưa tin “Tôn Chính Tài bị quản ngục tịch thu điện thoại di động khi đang chơi Vương giả Nông dược ở nhà tù Tần Thành”. Tính chân thực của dòng tweet không có nguồn gốc này còn nhiều nghi vấn, nhưng thông tin Tôn Chính Tài nghiện game đã được lan truyền rộng rãi cách đây 4 năm khi ông ta vừa ngã ngựa.
Tôn Chính Tài khi còn giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh (Ảnh: Xinhua). |
Vào tháng 7/2017, vào đúng dịp Tôn Chính Tài bị tuyên bố chính thức ngã ngựa, Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo "Vương giả Vinh diệu hay Vương giả Nông dược - Trò chơi lành mạnh không bằng ngăn ngừa nghiện game", kêu gọi các gia đình, xã hội và các nhà phát triển game cùng chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn tình trạng nghiện game của giới trẻ. Thật trùng hợp khi đó có tin đồn rằng Tôn Chính Tài đã nghiện game di động Vương giả Vinh diệu (còn gọi Vinh Quang Bá Vương) trước khi ngã ngựa, từng có rất nhiều lần cả hội nghị phải lúng túng chờ đợi không thể khai mạc đúng thời gian vì ván chơi chưa kết thúc nên ông ta không chịu xuống xe. Khi đó đã có dư luận chế giễu "Tôn Chính là lãnh đạo cấp cao nhất nghiện Vinh quang Bá vương".
Là một ủy viên Bộ Chính trị có độ tuổi 6X từng được bàn luận sôi nổi trên chính trường Trung Quốc, từng được coi là người kế nhiệm ông Tập Cận Bình, Tôn Chính Tài, hiện đang ở trong nhà tù Tần Thành, có thể được xem là quan chức chính trị cấp cao của Trung Quốc có sự nghiệp thay đổi lớn nhất kể từ sau Bạc Hy Lai. Cho dù đó là tin đồn nghiện game, hay "âm mưu chiếm đoạt đảng và chính quyền" trong đời sống hiện thực, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói rằng điều khiến Tôn Chính Tài từ một ngôi sao chính trường trở thành một tù nhân chính là một thảm họa do trò chơi Vương giả Vinh diệu gây nên.
Tôn Chính Tài sau khi được bầu vào Bộ Chính trị tháng 11/2012 (Ảnh: Xinhua). |
Một sự đảo ngược sự nghiệp đáng kinh ngạc
Ngày 15/11/2012, Tôn Chính Tài, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 cùng với một người cùng tuổi là Hồ Xuân Hoa (khi đó là Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông). 5 ngày sau, Tôn Chính Tài được điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh kế nhiệm Trương Đức Giang, người được đề bạt vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Vào thời điểm đó, giới quan sát đều cho rằng với tư cách là một quan chức trẻ và giàu kinh nghiệm trong chính trường, Tôn Chính Tài sẽ có sự nghiệp quan lộ sáng chói cùng với Hồ Xuân Hoa.
Không ai có thể ngờ rằng Tôn Chính Tài lại đột ngột ngã ngựa ngay trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc. Vào ngày 15/7/2017, Trung ương ĐCSTQ tuyên bố cách bãi bỏ các chức vụ Ủy viên, Ủy viên Thường vụ và Bí thư Thành ủy Trùng Khánh của Tôn Chính Tài. Ngày 24/7, Tân Hoa xã được ủy quyền chính thức thông báo Tôn Chính Tài bị "nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" và đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương "lập hồ sơ điều tra". Do đó, Tôn Chính Tài trở thành Ủy Bộ Chính trị đầu tiên đang tại chức bị điều tra kể từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm (phải) và Bí thư Tôn Chính Tài đón ông Tập Cận Bình về thăm năm 2016 (Ảnh: Xinhua). |
Mặc dù cú ngã ngựa của Tôn Chính Tài rất đột ngột, nhưng không phải là không có dấu hiệu.
Ngày 15/7/2017, khi ông Triệu Lạc Tế, lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trần Mẫn Nhĩ, người kế nhiệm Tôn Chính Tài, được cử đến Hội nghị cán bộ Trùng Khánh để thông báo việc bổ nhiệm nhân sự của Ủy ban Trung ương, Tôn Chính Tài vắng mặt bất thường trong cuộc họp này. Một ngày trước đó, chương trình thời sự trực tiếp của Đài truyền hình Trung ương CCTV khi đưa tin về Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia Trung Quốc họp từ ngày 14 đến ngày 15/7 ống kính máy quay đã cố tình không đưa hình ảnh Tôn Chính Tài dù ông đang dự hội nghị.
Xa hơn trước đó, vào tháng 2/2017, đoàn thanh tra của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm tra kiểu "hồi mã thương" và nhận xét một cách nghiêm khắc rằng chính trường của Trùng Khánh không chỉ có vấn đề "vai trò lãnh đạo của đảng bị suy yếu", mà còn chưa thực hiện các biện pháp đầy đủ để loại bỏ ảnh hưởng của Bạc Hy Lai và của cựu Giám đốc Công an Vương Lập Quân. Khi đó, trưởng đoàn thanh tra về Trùng Khánh là Từ Lệnh Nghĩa, một cấp dưới của ông Tập Cận Bình trong thời gian ở Chiết Giang.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng tiết lộ, đoàn thanh tra do Từ Lệnh Nghĩa dẫn đầu đã nhận được nhiều manh mối về vấn đề của Tôn Chính Tài trong chuyến thị sát tại Trùng Khánh từ ngày 6/11/2016 đến ngày 5/1/2017.
Sáu nhân vật bị cho là "âm mưu cướp đảng đoạt quyền": Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch (Ảnh: thepaper). |
Kẻ "cướp đảng đoạt quyền" khó hiểu
Ngày 19/10/2017, ông Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban Giám sát chứng khoán Trung Quốc khi phát biểu thảo luận tổ tại Đại hội 19 khi nói về thành tựu chống tham nhũng 5 năm sau Đại hội 18 đã công khai chỉ trích 6 người gồm Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Tôn Chính Tài “Chức cao quyền trọng trong đảng, vừa tham lam hủ bại vừa âm mưu cướp đảng đoạt quyền”. Phát biểu của Lưu Sĩ Dư được coi là một "sự rò rỉ" có chủ ý do lãnh đạo cấp cao chỉ đạo.
Điều mà thế giới bên ngoài không thể hiểu là 5 người Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, mỗi người đều có bối cảnh hoặc vòng tròn quyền lực, không mấy ngạc nhiên khi họ bị nghi ngờ là "có âm mưu chính trị". Còn Tôn Chính Tài, một trong những ngôi sao chính trị chói sáng nhất trên chính trường, sinh ở nông thôn, tốt nghiệp trường nông nghiệp nhưng rất khó để tìm ra các dấu hiệu có thể chứng minh rằng ông có năng lượng chính trị để "lật đổ". Một người như vậy bị gán tội “cướp đảng đoạt quyền”, trong mắt người thường, thực sự không phù hợp với chỉ số IQ và EQ của một “ngôi sao chính trị” như Tôn Chính Tài.
Tôn Chính Tài tại một hội nghị Bộ Chính trị (Ảnh: Thepaper). |
Tôn Chính Tài, sinh năm 1963, là một người quê Sơn Đông. Từ khi học tiểu học ở làng đến trường Đại học Nông nghiệp Lai Dương Sơn Đông, Tôn Chính Tài có thể được coi là một người thành công trong số các bạn cùng trang lứa. Sau khi tốt nghiệp, Tôn Chính Tài đã rất thuận buồm xuôi gió trong quan lộ: Từ năm 1997 đến năm 2006, giữ chức huyện trưởng huyện Thuận Nghĩa Bắc Kinh, bí thư Quận ủy Thuận Nghĩa và Tổng thư ký thành ủy Bắc Kinh.
Năm 2002, khi 39 tuổi Tôn Chính Tài đã được bầu làm Ủy viên thường vụ kiêm Tổng thư ký thành ủy Bắc Kinh; năm 2006 được bổ nhiệm Bộ trưởng Nông nghiệp, là bộ trưởng trẻ nhất Quốc Vụ viện khi đó; tháng 11/2009 được điều chuyển làm Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm; năm 2012 về Trùng Khánh làm Bí thư thành ủy rồi vào Bộ Chính trị tại Đại hội 18, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất, cùng với Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông là 2 thành viên Bộ Chính trị thế hệ 6X.
Tôn Chính Tài luôn được giới bình luận chính trị coi là “ngôi sao chính trường tương lai”, từng được dự đoán sẽ vào Ban thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19 để chuẩn bị cho việc lên cao nữa vào nhiệm kỳ sau. Tuy nhiên, ngày 15/7/2017, ông đột ngột bị trung ương miễn chức Bí thư Trùng Khánh và thay thế bởi Bí thư tỉnh ủy Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ.
Tôn Chính Tài và Hồ Xuân Hoa, hai "ngôi sao chính trường" trẻ vào Bộ Chính trị khóa 18 năm 2012 (Ảnh: Dwnews). |
Ngày 24/7/2017 Tân Hoa xã đưa tin Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) quyết định lập hồ sơ điều tra Tôn Chính Tài vì có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Qua điều tra, kết luận ông ta “dao động niềm tin lý tưởng, xa rời tôn chỉ của đảng, đánh mất lập trường chính trị, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị; vi phạm nghiêm trọng 8 điều quy định của trung ương và kỷ luật quần chúng, phô trương, thích đặc quyền; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, tuyển chọn sử dụng nhân sự theo tình thân và lợi ích, tiết lộ bí mật tổ chức; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm khiết, lợi dụng chức quyền và ảnh hưởng mưu cầu lợi ích cho người khác rồi tự mình hoặc cùng nhân vật có quan hệ đặc biệt nhận hối lộ số tiền cực lớn; giúp người thân mưu giành lợi ích lớn trong hoạt động kinh doanh, nhận nhiều đồ vật đắt tiền; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật công tác; quan liêu nghiêm trọng, lười biếng; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật sinh hoạt, sa đọa trụy lạc, dùng quyền đổi sắc. Trong đó, việc lợi dụng chức quyền mưu lợi cho người khác rồi nhận tiền và vật đã có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ. Ngoài ra còn phát hiện Tôn Chính Tài có các manh mối phạm tội khác”.
Ngày 29/9/2017, Hội nghị Bộ Chính trị Trung Quốc xem xét, thông qua báo cáo của UBKTKLTW, quyết định khai trừ đảng và cách chức Tôn Chính Tài, chuyển vấn đề phạm tội và các manh mối sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật.
Tôn Chính Tài bị đưa ra xét xử tại Tòa án Thiên Tân (Ảnh: Dwnews). |
Ngày 12/4/2018, Tòa án Thiên Tân nêu trong văn bản chính thức: “Tôn Chính Tài, từ khi giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Thuận Nghĩa của Bắc Kinh đến Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã giúp đỡ các đơn vị và cá nhân có liên quan trong các vấn đề như nhận thầu công trình, hoạt động kinh doanh, điều chỉnh chức vụ, v.v. và nhận được số tiền hối lộ hơn 170 triệu Nhân dân tệ”.
Bị kết án tù chung thân vào tháng 5/2018, Tôn Chính Tài được đưa vào giam giữ tại nhà tù Tần Thành ngày 4/6/2018. Nếu không có gì bất thường xảy ra, ông ta cùng với Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng từng "âm mưu cướp đảng đoạt quyền" sẽ phải sống suốt phần đời còn lại trong nhà tù Tần Thành. Không giống như Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài hầu như không có bất cứ thông tin gì sau khi vào tù.
Tuy nhiên, điều để suy ngẫm là làm thế nào mà một quan chức như Tôn Chính Tài từng bước thăng tiến trên quan trường lại có thể không lượng sức mình khi muốn “cướp đảng và đoạt quyền” như vậy? Những thông tin công khai hiện nay khó có thể củng cố tính logic và hợp lý của vụ án Tôn Chính Tài. Dư luận cho rằng trong số rất nhiều thông tin nhạy cảm chưa được công khai về Tôn Chính Tài và các quan chức khác bị ngã ngựa trong giới chính trị, có vấn đề chế độ tuyển chọn nhân sự cần được xem xét lại.
Bà Hồ Dĩnh (phải), vợ Tôn Chính Tài (Ảnh: Dwnews). |
“Anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân”
Sau khi Tôn Chính Tài ngã ngựa, vấn đề lối sống dâm ô, trụy lạc, có nhiều người tình cùng con riêng của ông ta cũng bị phanh phui.
Báo chí nêu, Tôn Chính Tài có 4 người tình, 3 là thương gia, 1 là sinh viên đang học đại học – cô này được yêu chiều nhất. Ngoài ra, ông ta còn sử dụng sai 1 tỉ NDT tiền vốn của chương trình “Một hành lang, một con đường” chuyển vào tài khoản công ty của người tình ở Hongkong, có bộ sưu tập đồng hồ đeo tay đắt tiền; bà vợ Hồ Dĩnh là thành viên “Câu lạc bộ quý phu nhân” của Ngân hàng Dân sinh. Vợ chồng Tôn Chính Tài – Hồ Dĩnh chỉ có 1 con gái, nhưng sau khi tới Trùng Khánh giữ chức Bí thư, Hà Đình - người đồng hương Sơn Đông, Giám đốc CA thành phố - đã sắp đặt để Tôn Chính Tài có các cuộc tình ngoài luồng và sinh 3 con riêng với các người tình.
Hoàng Tô Chi, Phó Chủ tịch Tập đoàn IZP, người tình của Tôn Chính Tài (Ảnh: Dwnews). |
Sau khi Tôn Chính Tài bị bãi chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh (ngày 14/7/2017), tạp chí Tài tân chu san số ra ngày 18/9 đã đăng bài “Sự hưng suy của tập đoàn Ức Tán Phả (IZP Group) Trùng Khánh”, cho biết, IZP do một phụ nữ trẻ bí ẩn tên là Hoàng Tô Chi kiểm soát. Ban đầu IZP chỉ là một công ty “vô danh tiểu tốt”, nhờ dựa thế Tôn Chính Tài và các quan chức Trùng Khánh, lợi dụng chương trình “Một vành đai, một con đường” mà trở nên giàu có.
Tôn Chính Tài có mối quan hệ tình ái với Hoàng Tô Chi. Thông qua tâm phúc là Phó thị trưởng Mộc Hoa Bình, Tôn Chính Tài đã chuyển 1 tỉ NDT tiền vốn của chương trình “Vành đai và con đường” vào tài khoản công ty của người tình ở Hong Kong. Khi khoản tiền lớn này được chuyển, một cán bộ ở ủy ban thành phố đã phản đối quyết liệt. Ông này bị trù đập, trước nguy cơ bị sát hại liền bỏ trốn về Quảng Châu và tố giác vụ việc liên quan đến Tôn Chính Tài lên trung ương. Sau đó Hoàng Tô Chi và cả Mộc Hoa Bình đều bị điều tra từ tháng 4/2017 rồi dẫn đến Tôn Chính Tài.
Lưu Phượng Châu, người tình lâu năm của Tôn Chính Tài (Ảnh: Dwnews). |
Lưu Phượng Châu là người tình thứ hai của Tôn Chính Tài bị báo chí nêu tên và phanh phui mối quan hệ tình – tiền kiểu “quan thương câu kết” này. Tạp chí Tài Tân số 6/2018 đã đăng bài chỉ mặt nữ doanh nhân này đứng sau Tôn Chính Tài, nắm giữ mấy chục tỉ NDT tiền vốn của các công trình thông tin hạng mục khác của Trùng Khánh, lại còn mua cả áo Long bào cho ông ta.
Lưu Phượng Châu là người tình Tôn Chính Tài quen sớm nhất và có quan hệ lâu dài nhất. Hai người có quan hệ từ khi ông ta là quận trưởng Thuận Nghĩa, Bắc Kinh năm 1998. Sau đó Tôn Chính Tài thăng tiến, việc làm ăn của Lưu Phượng Châu cũng ngày càng mở rộng. Bà ta theo người tình từ Bắc Kinh qua Cát Lâm, Trùng Khánh, lập nên một “vương quốc thương mại” riêng.
Đoàn Vĩ Hồng, 1 trong 4 người tình của Tôn Chính Tài (Ảnh: Dwnews). |
Người tình thứ ba của Tôn Chính Tài là Đoàn Vĩ Hồng, 49 tuổi, cũng là một nữ doanh nhân. Bà ta là người sáng lập và điều hành Quỹ công ích Khải Phong, người sáng lập Tập đoàn Thái Hồng, Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp thanh niên Trung Quốc...
Tháng 9/2017, sau khi Tôn Chính Tài ngã ngựa, Đoàn Vĩ Hồng đột nhiên biến mất, ngày 2/4/2018, tạp chí Tài Tân chu san số 13/2018 đã đăng bài “Nữ thương gia bí ẩn họ Đoàn mất tích liên quan đến vụ án Tôn Chính Tài”.
Bài báo của Tài Tân đã kể lại quá trình làm ăn thành công của Đoàn Vĩ Hồng, vạch ra những mối liên hệ giữa người phụ nữ trẻ đẹp này với Tôn Chính Tài cùng những sự giúp đỡ mà bà ta nhận được từ Tôn Chính Tài.
(Còn tiếp).