Những trường mầm non Nhật Bản cho trẻ hạ bút màu, cầm iPad

Trong khi nhiều chuyên gia giáo dục đang cảnh báo về hệ quả của việc cho trẻ dùng thiết bị công nghệ quá sớm, thì các trường mầm non Nhật Bản lại đang có xu hướng cho trẻ mầm non làm quen với chúng.
Học sinh trường mẫu giáo Coby (Yoshikawa, Saitama, Nhật Bản) đang học vẽ trên một thiết bị công nghệ. Ảnh: AP.
Học sinh trường mẫu giáo Coby (Yoshikawa, Saitama, Nhật Bản) đang học vẽ trên một thiết bị công nghệ. Ảnh: AP.

Đến giờ học vẽ của một trường mẫu giáo thuộc ngoại ô tỉnh Saitama, Nhật Bản, thay vì dùng bút chì màu, những ngón tay nhỏ xíu của bọn trẻ đang loáy hoáy trên bảng màu ở màn hình iPad rồi chụp ảnh “selfie”. Trường học kỹ thuật số đã đến với một quốc gia từ lâu chỉ được biết đến với những cam kết trung thành với “3 chữ R trong giáo dục” – là đọc (reading), viết (writing) và số học (arithmetic).

Trường mầm non Coby ở thị trấn Yoshikawa là một trong số gần 400 trường mầm non Nhật Bản đang sử dụng các ứng dụng phần mềm điện thoại thông minh được thiết kế dành riêng cho trẻ mẫu giáo – hay còn được gọi là KitS.

Gần 400 ngôi trường này chỉ chiếm 1% số trường mầm non của đất nước Nhật Bản. Nhưng đó là một sự khởi đầu. Coby đang dẫn đầu một sáng kiến quốc gia về “digital play”.

Các bậc phụ huynh trên khắp thế giới đều có một nỗi lo chung là con em mình bị tụt lại phía sau. Phụ huynh Nhật Bản cũng không ngoại lệ.

Mới đây, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh chính sách giáo dục công nghệ trên quy mô quốc gia ngay cả khi Nhật Bản đã thực hiện được mục tiêu cứ 3 đứa trẻ có 1 chiếc máy tính.

Với KitS, bọn trẻ có thể tô màu những chú chim, những bông hoa một cách sống động như hình ảnh đồ họa 3D. Bọn trẻ cũng vẽ được nhiều sinh vật khác có thể bơi, trôi nổi trong các ảnh ảo.

Những đứa trẻ vốn nhút nhát cũng trở lên sôi nổi, tranh luận đầy hứng khởi về các ý tưởng có thể tạo nên từ một hình tam giác: chiếc bánh sandwich, con cá heo, một ngọn núi…

Bọn trẻ sau đó được khuyến khích đứng trước lớp để giải thích về hình ảnh mình đã vẽ trên màn hình lớn.

“Không có câu trả lời đúng hay sai” – Akihito Minabe, hiệu trưởng trường mầm non Coby cho hay.

Vấn đề là nuôi dưỡng sự sáng tạo, sự tập trung và các kỹ năng lãnh đạo.

“Chúng tự suy nghĩ và thấy vui khi nghĩ ra những ý tưởng” – ông Minabe nói.

Ở Mỹ, 98% trẻ dưới 8 tuổi có một thiết bị di động trong nhà, trong khi 43% có một chiếc máy tính bảng riêng.

Ở Nhật Bản, mỗi người trưởng thành có trung bình hơn 1 chiếc điện thoại thông minh và khoảng một nửa trẻ mầm non có quyền truy cập vào một thiết bị di động – số liệu từ cơ quan dữ liệu trung ương.

Ở các trường mầm non và tiểu học ở Mỹ, châu Á và châu Âu, giáo viên sử dụng công nghệ để kể truyện, bật nhạc hay trình bày các thông tin khác. Các nhà giáo dục cũng đang nghiên cứu về sự phát triển xã hội của trẻ em thông qua cách chúng học chia sẻ thiết bị kỹ thuật số.

Dùng sớm có giỏi hơn không?

Những trường mầm non Nhật Bản cho trẻ hạ bút màu, cầm iPad - 2

Việc máy tính có lợi ích hay gây hại cho việc học tập còn đang gây tranh cãi. Ảnh minh họa.

Phần lớn nguyên nhân thúc đẩy việc sử dụng máy tính bảng ở các trường mầm non Mỹ là niềm tin rằng việc sử dụng sớm có làm trẻ giỏi công nghệ hơn – Patricia Cantor, giáo sư về giáo dục sớm ở ĐH Bang Plymouth, New Hampshire cho hay.

Tuy nhiên, nghiên cứu ban đầu về việc máy tính bảng và các ứng dụng ảnh hưởng như thế nào đến việc học của trẻ từ 2 đến 5 tuổi thì không đưa ra kết luận.

Media player poster frame“Những thiết bị cảm ứng khá trực quan. Chúng không cần phải dạy” – bà Cantor nói.

Đã có một số nghiên cứu cho thấy những kết quả tích cực giữa việc trẻ nhỏ sử dụng thiết bị di động với việc cải thiện khả năng đọc viết, khoa học, toán. Nhưng cũng có một số ít nghiên cứu so sánh việc học tập với máy tính bảng với các phương pháp giảng dạy truyền thống – theo bản đánh giá 19 nghiên cứu của bà Christothea Herodotou, giảng viên tại ĐH Open, Anh.

Bà Herodotou cho biết, hiện chưa rõ tính năng nào có thể giúp ích hay cản trợ việc học.

Nhiều năm nay các chuyên gia đã thừa nhận rằng, với trẻ, chơi chính là học. Đồ chơi có thể dạy trẻ những lập trình đơn giản.

Trong khi đó, ông Yuhei Yamauchi, giáo sư nghiên cứu thông tin tại ĐH Tokyo, cố vấn của KitS chỉ ra những lợi ích thiết thực của việc đưa công nghệ vào trường học từ sớm.

Ông nói, vào thời điểm mà những đứa trẻ 5 tuổi hiện tại bước chân vào thị trường lao động, phần lớn công việc sẽ đòi hỏi kỹ năng máy tính. Với dân số ngày càng thu hẹp của Nhật Bản, người ta có thể vẫn phải làm việc ở tuổi 80, thay đổi công việc nhiều lần. Lúc đó, các kỹ năng số thậm chí còn quan trọng hơn.

Ngược lại, các chuyên gia thì cảnh báo rằng việc dán mắt vào máy tính quá lâu sẽ gây hại cho mắt và làm giảm tư duy sáng tạo. Đây là một vấn đề phức tạp.

Chính vì thế, sáng kiến KitS chỉ giới hạn thời gian tiếp xúc với iPad của trẻ là 15 phút và chỉ có 30 tiết học như thế này trong 1 năm học.

Ở trường Coby, bọn trẻ tỏ ra rất thích thú khi nói về những chiếc iPad. Khi được hỏi, chúng nói rằng muốn trở thành diễn viên múa ba-lê, cầu thủ bóng đá. Không đứa nào muốn trở thành lập trình viên khi lớn lên.

Nhưng chúng thích KitS.

“Nó rất vui” – cô bé Yume Miyasaka, 6 tuổi chia sẻ.

Với một chút tự hào, cô bé kể, bố mình cũng sử dụng iPad để làm việc. Nhưng khi nói về những việc Yume làm với chiếc iPad của mình, cô bé bảo: “Bố thường không vẽ món kem đá bào”.

Theo Khám Phá

http://khampha.vn/giao-duc/nhung-truong-mam-non-nhat-ban-cho-tre-ha-but-mau-cam-ipad-c42a681860.html