Từ nhu cầu thực tiễn
Đến Trường THCS Hồ Xuân Hương, Quỳnh Lưu, Nghệ An, hầu hết xe máy của các thầy cô giáo đã được lắp khóa chống trộm. Điều đặc biệt, thiết bị này chính là sản phẩm của 2 em HS trong trường: Nguyễn Quang Kiên (lớp 9A) và em Nguyễn Văn Trung (lớp 8).
Giải thích cho mọi người hiểu về cơ chế hoạt động của khóa chống trộm xe máy, Kiên và Trung cho biết: Hoạt động của thiết bị này tác động vào dòng điện xoay chiều trong xe. Sau khi bật công tắc, dòng điện xoay chiều sẽ bị ngắt, vì thế, nếu trộm phá được khóa xe thì cũng không nổ được xe để chạy.
Kiên chia sẻ, em bắt đầu ý tưởng sáng tạo ra thiết bị này bắt đầu từ tháng 5/2015. Lý do “vì gia đình 1 bạn trong lớp em bị mất xe máy, sau đó bạn lên lớp và kể lại cho em nghe. Em cũng thấy “tức” thay cho bạn, và nghĩ: Sao mình không nghĩ ra một thiết bị nào đó để báo động hoặc chống lại hành vi trộm xe máy”.
Nhờ đến sự trợ giúp của các thầy cô giáo, Kiên và Trung còn đến rất nhiều tiệm sửa chữa xe máy tìm hiểu cấu tạo, các mạch điện, dây điều khiển của mỗi loại xe… để hoàn thành thiết bị. Đến nay, 2 em đã có thể lắp khóa chống trộm xe máy của mình cho tất cả các loại xe, vào các vị trí mà chủ xe yêu cầu.
Sáng tạo khoa học kỹ thuật, đi từ kiến thức trong sách vở ứng dụng vào thực tế từ lâu đã là một phong trào trong các trường học ở Nghệ An. Điều đáng quý là các dự án của HS được xuất phát từ thực tiễn và nhằm mục đích quay trở lại phục vụ cuộc sống, sinh hoạt được thuận lợi hơn.
Hai em Võ Hùng Vương và Nguyễn Đình Sáng, Trường THCS Lê Xuân Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An sáng tạo ra quạt hút bắt muỗi “vì cách đây mấy tháng, quê em có dịch sốt xuất huyết, nhiều người bị lây lan do muỗi đốt. Em mong sẽ góp phần nào đấy để bảo vệ sức khỏe cho mọi người”.
Còn các em HS Trường THCS xã Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An lại có 2 dự án khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sóng làm nguồn điện cho người dân vùng biển bởi đây là nguồn năng lượng sạch và có trữ lượng lớn nhưng chưa được khai thác nhiều. Cụ thể, biến những nguồn năng lượng này thành điện năng hay cơ năng để bơm nước, thắp sáng hay làm quay cánh quạt nước ở hồ nuôi thủy sản, phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Phong trào sáng tạo KH-KT được phát huy rộng khắp tại các trường học, từ miền xuôi lên đến các trường miền núi, vùng xa. Nhiều dự án trồng rau sạch, máy rửa chén bát, máy xay sinh tố, máy gieo hạt, máy phun sương… hết sức thiết thực với chi phí chưa chưa đến 1 triệu đồng khiến nhiều người ngạc nhiên vì hiệu quả và giá rẻ.
Sáng tạo không giới hạn
Có những dự án được cả thầy và trò dày công chuẩn bị và đầu tư công sức như dự án “nhà thông minh” của em Nguyễn Đức Linh, Nguyễn Ngọc Đăng, Trường THPT Phan Đăng Lưu, Yên Thành, Nghệ An. Dựa trên cơ sở khoa học là kết nối các thiết bị có sẵn trong ngôi nhà lại thành một hệ thống, các thiết bị sẽ được kết nối với nhau thông qua mạch điện tử. Người dùng có thể điều khiển các thiết bị đó thông qua điện thoại hoặc một số thiết bị di động khác bằng mạng Internet.
Qua đó, sẽ dễ kiểm soát thiết bị điện trong nhà từ xa, tiết kiệm năng lượng ở mức tối đa. Đồng thời, tăng thêm tính tiện nghi cho ngôi nhà, cảnh báo trộm, kiểm soát môi trường… dựa vào hệ thống cảm biến nhiệt, chuyển động, độ ẩm, phát hiện khí gas…
Tất nhiên, những sáng chế của các nhà khoa học “nhí” vẫn còn một số hạn chế do thiếu thời gian, nguyên vật liệu, kinh phí… nhưng điều quan trọng nhất là ý tưởng tìm tòi, sáng tạo, và tính khả thi của dự án. Các em không chỉ muốn dừng lại ở việc sáng tạo, đem đi thi và rồi để đấy, mà tiếp tục cải tiến, nâng cấp để thiết bị đa năng hơn, cũng như thẩm mỹ hơn.
Em Vi Thị Nương, HS người dân tộc Thái, Trường THCS Hương Tiến, Ngọc Lâm, Thanh Chương sáng tạo ra chiếc thắt lưng cảnh báo đuối nước. Chiếc thắt lưng gồm 1 công tắc cảm ứng nước, dây điện nối với 2 cục pin 9V và còi báo động. Khi người đeo chiếc thắt lưng này mà bị rơi xuống nước, công tắc tự động đóng, còi báo động kêu xa khoảng 50m, giúp người xung quanh biết được đến cứu.
Nương cho biết, em mong muốn cải tiến chiếc thắt lưng báo động đuối nước này nhỏ gọn hơn thành chiếc vòng tay, hoặc vòng cổ, tiếng còi vang xa hơn, kết nối thiết bị với điện thoại, hoặc máy tính, kèm theo xác định vị trí GPRS để việc tìm kiếm, cấp cứu người gặp nạn nhanh hơn.
Còn em Hồ Thảo Ngân, (Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã nghĩ ra thiết bị cảnh báo sớm lũ quét bằng siêu âm. Bằng việc tính toán đưa ra mực nước hiện tại và liên tục, khi mực nước vượt quá mức quy định, bo mạch tự động điều khiển cho bộ phát truyền tín hiệu cảnh báo đi xa. “Thực ra sau khi thử nghiệm thành công dự án, em mới nhận ra gọi thiết bị này là “thiết bị đo khoảng cách bằng sóng siêu âm” thì đúng hơn. Và ngoài ứng dụng trong việc cảnh báo khi mức nước thay đổi, ta có thể lắp ở trước cửa nhà để làm thiết bị cảnh báo trộm, hoặc lắp trong ô tô để cảnh báo chủ xe khi lùi xe gặp vật cản”, Ngân cho biết.
Từ năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức thi sáng tạo KH - KT dành cho HS trung học, nhằm tạo sân chơi để các em được phát huy, thể hiện đam mê sáng tạo của mình. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Các dự án sáng tạo KH - KT của HS khiến nhiều người rất bất ngờ, thán phục. Đây cũng là một trong những mục tiêu “đổi mới” GD Nghệ An, không chỉ cung cấp cho HS kiến thức tự nhiên, xã hội cơ bản, mà còn nhằm phát huy cá tính, sáng tạo, sở trường của từng em, khuyến khích các em biết ứng dụng, vận dụng những điều đã học vào thực tế.
Theo Báo Giáo dục