Những mảng sáng - tối của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bất chấp những "cơn gió nghịch" đẩy kinh tế toàn cầu năm 2023 vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất, Việt Nam vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, theo BambuUP.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Với xếp hạng 46/132 trên Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về Đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Hệ sinh thái ĐMST mở Việt Nam trải qua một năm với nhiều mảng sáng tối.

Bên cạnh những khó khăn chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn có không ít điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của hệ sinh thái ĐMST mở. Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2023 (GII 2023) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, đạt xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Với xếp hạng 46/132 trên Bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu, Việt Nam đang duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, xếp sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua và cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Tuy vậy, cũng theo báo cáo, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ ĐMST của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.

Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0.4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021. Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này, và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2.2% (tăng 3 hạng), Malaysia: 1%. "Nhìn vào con số này, chúng ta nhận thấy điểm tương đồng giữa việc đầu tư vào R&D của một quốc gia so với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó" - báo cáo nêu.

Doanh nghiệp Việt còn gặp nhiều trở ngại khi ĐMST. Trong đó, 75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của ĐMST mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.

Trong bối cảnh hệ sinh thái ĐMST năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy sự thay đổi về ưu tiên thực hiện ĐMST mở giữa các lĩnh vực hoạt động, cụ thể: lĩnh vực marketing & bán hàng được 73% số doanh nghiệp khảo sát lên kế hoạch thực hiện ĐMST ,ở trong tương lai, tăng 48% so với năm 2022, trong khi đó lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch ĐMST với 51%.

IoT, AI dẫn đầu quy mô về thị trường đến năm 2030

Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2023, công nghệ có quy mô về mặt thị trường tầm nhìn đến 2030 lớn nhất vẫn là IoT (internet vạn vật), xếp kế là trí tuệ nhân tạo AI. Ngoài ra, hydrogen xanh, hay công nghệ xe điện là nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, tài sản vô hình sẽ là nguồn vốn tăng trưởng mới quan trọng mà doanh nghiệp cần chú trọng.

doanh-nghiep-can-quan-tam-nhieu-hon-den-tai-san-tri-tue-6588-3769-1817.png

Theo BambuUP, năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới. Quá nhiều "cơn gió nghịch" đã đẩy kinh tế toàn cầu năm 2023 vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008.

Báo cáo chỉ ra, tính đến tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187.6 tỉ USD, giảm 46.4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23.4 tỉ đô la được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỉ đô/tháng của năm 2022.

Báo cáo đánh giá, “tài sản trí tuệ” là động lực tăng trưởng quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm, để có thể phát triển bền vững trước sự thay đổi chóng vánh của thị trường công nghệ. Đặc biệt với nhóm startup, hay vì chỉ dừng lại ở thương hiệu hay giải pháp công nghệ, tài sản trí tuệ được bảo đảm mới là động lực về vốn quan trọng hơn hết.

Từ các kết quả phân tích của báo cáo năm nay, bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP và cũng là trưởng ban dự án Báo cáo chia sẻ: “Năm 2023 là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Trước những biến động khó lường về địa chính trị và địa kinh tế như hiện nay thì nhiều dự báo cho thấy năm 2024 sẽ vẫn tiếp tục là một năm với rất nhiều thách thức".

“Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023” do Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở BambuUP thực hiện dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC).

Đây là cơ sở dữ liệu uy tín toàn diện và cập nhật nhất về hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam dành cho các nhà lãnh đạo, quản trị, phát triển chiến lược doanh nghiệp. Báo cáo tổng hợp số liệu khảo sát, phân tích, dự báo với sự cố vấn của hơn 45 chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị, phát triển chiến lược, khởi nghiệp, công nghệ, đầu tư, v.v..