Thấy gì từ thất bại của các startup Việt trị giá triệu USD?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều startup Việt đình đám đã không tồn tại được trên thị trường. Nguyên nhân thất bại có thể khác nhau, nhưng nó cho thấy khởi nghiệp thành công chưa bao giờ là điều dễ dàng, cho dù huy động được hàng triệu USD.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khởi nghiệp đã trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng những người trẻ. Khởi nghiệp cũng trở thành từ khóa hot trên mạng xã hội. Theo Google, mỗi tháng tại Việt Nam có đến 15.000 lượt tìm kiếm cho từ khóa này.

Với nhiều ý tưởng mới cùng sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư, một số công ty khởi nghiệp (startup) của Việt Nam đã nhận được hàng chục triệu USD để đưa ý tưởng vào thực tiễn.

Tuy nhiên, chặng đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Thống kê tcho thấy cứ 10 startup thành lập thì chỉ 1 startup tồn tại được.

Bài viết này điểm lại một số startup triệu USD đã thất bại tại Việt Nam.

1. WeFit

wefit.jpg

WeFit được thành lập vào năm 2016. Nhà sáng lập WeFit là Khôi Nguyên, người từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017 và trong danh sách "30 người thành đạt tuổi dưới 30" do Forbes bình chọn.

WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng. Người tập chỉ cần thanh toán một lần duy nhất là có thể đến bất cứ phòng tập nào được liên kết trong hệ thống để tập luyện không giới hạn. Điều này giúp người tiết kiệm được chi phí, thời gian và tiền bạc. Hệ thống các phòng tập bao gồm hơn 20 môn như Gym, Yoga, Boxing, Zumba... Ý tưởng liên kết các phòng tập dưới một hệ thống khiến người tập trở nên hào hứng và đăng ký ào ạt. Đã có lúc WeFit đạt mức tăng trưởng trung bình tháng là 40%.

Tháng 12/2017, WeFit nhận được khoản đầu tư 155.000 USD từ quỹ ESP Capital. Ngoài ra, quỹ Vietnam Innovative Startup Accelerator và KB Investment cũng tham gia vào các vòng gọi vốn của WeFit, song họ không công bố số tiền đầu tư.

Tới năm 2019, WeFit thông báo gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư pre-series A từ CyberAgent Capital và một số quỹ đầu tư thiên thần khác.

Tuy nhiên, nhiều lỗ hổng trong cách quản lý, phát triển quy mô hệ thống cũng như tác động của dịch bệnh đã khiến WeFit tuyên bố phá sản vào tháng 5/2020.

Nguyên nhân thất bại đầu tiên có thể kể đến là WeFit đã "vung tay quá trán" với số tiền nhận được từ các nhà đầu tư. Startup này tung ra các gói ưu đãi rất mạnh như người tập chỉ cần đóng 2,6 triệu cho một gói tập không giới hạn trong 3 tháng tại TP.HCM. Người tập cũng thường được tặng túi thể thao, 3-4 buổi spa miễn phí.

Khi đầu tư mở rộng, WeFit đã không lường trước được những khó khăn của các phòng tập trong giai đoạn mùa đông là mùa thấp điểm của ngành fitness. Thêm nữa, lỗ hổng trong chính sách quản lý khiến nhiều người tập dùng chung tài khoản hoặc đăng ký ảo khiến WeFit thua lỗ nặng. Đại dịch Covid-19 đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực cuối cùng của WeFit.

2. LuxStay

LuxStay được thành lập vào năm 2017, nhà sáng lập là ông Steve Nguyễn (Nguyễn Văn Dũng). Đây là nền tảng đặt phòng khách sạn, homestay rất nổi tiếng khi từng có mặt trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 và gọi vốn thành công 6 triệu USD. Vào thời điểm đó, Luxstay trở thành startup gọi được số vốn nhiều nhất và được định giá cao nhất trong chương trình Shark Tank.

Giữa năm 2017, Luxstay nhận được vốn đầu tư từ 2 quỹ Genesia Ventures và ESP Capital. Đến tháng 3/2018, Luxstay tiếp tục nhận được 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư Genesia Ventures, Founders Capital, Y1 Ventures và 2 nhà đầu tư khác.

Đầu năm 2019, Luxstay lại được rót thêm 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent và một số nhà đầu tư. Tháng 5/2019, Luxstay công bố hoàn tất vòng gọi vốn Bridge với sự tham gia của hai nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping và Bon Angels với giá trị lên đến 4,5 triệu USD.

Startup này cũng từng khiến người dùng chú ý khi công bố ca sĩ Sơn Tùng MTP là nhà đầu tư, cũng như kỳ vọng doanh thu hàng năm trên 300 triệu USD vào năm 2023.

Đến năm 2022, LuxStay bất ngờ đổi tên thành LuxWorld, thay đổi cả nhận diện thương hiệu và màu nền trên fanpage chính thức. Tuy nhiên, trên website của startup này thì lại vẫn giữ cái tên cũ và nhận diện thương hiệu cũ.

luxworld.jpg

Vào tháng 6/2022, website chính thức của LuxStay đã ngừng hoạt động vài ngày không rõ lý do, trong khi fanpage cũng không cập nhật bài đăng mới từ ngày 2/5. Tới ngày 4/6, fanpage này đưa ra thông báo "Chúng tôi đang tái cấu trúc thương hiệu" và im ắng cho đến nay. Người ta cho rằng ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến những công ty làm dịch vụ du lịch như LuxStay ảnh hưởng nặng nề dẫn đến ngừng hoạt động.

3. Propzy

Propzy được thành lập vào năm 2015 bởi ông Tony Le, một Việt kiều Mỹ. Đây là startup tiên phong trong lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech). Hệ sinh thái của Propzy bao gồm nhiều dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu về bất động sản của khách hàng.

Propzy đã từng gây tiếng vang lớn với những vòng gọi vốn thành công, lên đến hàng chục triệu USD. Tính đến tháng 6/2020, sau 3 vòng gọi vốn, Propzy đã huy động thành công 36,9 triệu USD, trong đó có 25 triệu USD từ quỹ Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia.

Trước đó, vào tháng 6 năm 2017, startup này đã nhận được khoản đầu tư vòng seed 1,9 triệu USD từ Frontier Digital Ventures.

Trong quá trình hoạt động, Propzy cũng đã gọi vốn được từ một số quỹ khác như Next Billion Ventures, RHL Ventures, Breeze, FEBE Ventures, RSquare, TNB Aura và Insignia.

propzy.jpg

Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, Propzy bất ngờ tuyên bố đóng cửa. Tờ Deal Street Asia tiết lộ nội dùng email nội bộ mà ban lãnh đạo Propzy gửi cho nhân viên, cho thấy lý do đóng cửa là vì phải đối mặt với tình hình đại dịch kéo dài cũng như tình hình tài chính toàn cầu ảm đạm cho cuộc xung đột của Nga tại Ukraine.

"Nỗ lực của chúng ta để phát triển kinh doanh trong giao đoạn này đã phát sinh những khoản lỗ lớn mà chúng ta không thể phục hồi được với tình trạng giãn cách xã hội liên tục ở Việt Nam”, email có đoạn viết.

Việc đóng cửa của Propzy là điều không thể tránh khỏi, bởi trước đó đã có những dấu hiệu thua lỗ. Startup này đã phải sa thải 50% nhân sự từ tháng 9/2021 và đến tháng 6/2022, Propzy Services - công ty con của Propzy Việt Nam, cũng đã thông báo giải thể.

4. Món Huế

mon hue 2.jpg

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2007, Món Huế là cái tên đình đám trong lĩnh vực F&B (dịch vụ nhà hàng và ăn uống) một thời. Thương hiệu này đã phát triển rất nhanh ngay khi bắt đầu, với hàng loạt các nhà hàng được mở ra trên các thành phố lớn. Startup này đã huy động được 30 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí ông Mark Mobius - người từng rót 15 triệu USD vào Món Huế đã từng khẳng định sẽ rót thêm vốn bất cứ khi nào startup này có nhu cầu.

Tuy nhiên, đến năm 2017, 2018, Món Huế đã phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng. Nhiều đối tác và nhân viên của Món Huế tố startup này nợ lương, chậm thanh toán. Khoản lỗ mà startup này phải gánh mỗi năm là hơn 50 tỉ đồng.

Theo giới phân tích, thất bại của Món Huế nằm ở việc quảng cáo một đằng nhưng làm một nẻo. Startup này quảng cáo thực phẩm đều được nhập từ Huế và do đầu bếp Huế chế biến, nhưng trên thực tế việc này chỉ được áp dụng trong giai đoạn mới thành lập. Món ăn dở tệ, phục vụ lề mề, không gian bẩn thỉu là những gì mà khách hàng nhận xét về chuỗi cửa hàng Món Huế.

Thực tế thì startup này đã sai lầm khi xây dựng mô hình kinh doanh giống với cửa hàng đồ ăn nhanh đã làm mất đi giá trị của ẩm thực Việt. Món ăn tại chuỗi cửa hàng mang tính chất đại trà, không gây ấn tượng cho khách, tỷ lệ khách hàng quay trở lại rất thấp. Chi phí mặt bằng cao cũng là một nguyên nhân khiến Món Huế dần thua lỗ phải đóng cửa trả lại nhiều mặt bằng. Trong khi các đối thủ cạnh tranh cho ra nhiều món ăn ấn tượng và cung cách phục vụ chuyên nghiệp, thì Món Huế lại có chất lượng đi xuống và việc đóng cửa là không thể tránh khỏi.

5. The Kafé

the kafe.jpg

Mặc dù là startup triệu USD thuở ban đầu, nhưng The Kafé đã mắc những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến thất bại.

Thời điểm ban đầu, CEO Chi Anh được coi là một ngôi sao startup. The Kafe có 4 thương hiệu gồm The Kafe, The Kafe Village, The Kafe Box và The Burger Box cùng với 2 dòng đồ uống riêng biệt.

Mặc dù The Kafé chỉ nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD, ít hơn nhiều so với các startup đề cập ở trên, nhưng The Kafé đã từng được quỹ Cassia Investments đánh giá là “một mô hình táo bạo, mới mẻ, một hình ảnh mới cho ẩm thực Việt Nam”.

Nếu nhìn ở cái tên The Kafé, mọi người sẽ nghĩ đây là mô hình kinh doanh cà phê, nhưng thực chất The Kafé lại là sự kết hợp giữa ăn và uống. Việc không xác định được đâu là sản phẩm chính, cũng như không phát triển được song song cả 2 dòng sản phẩm, đã khiến The Kafé thất bại.

Những khách hàng từng dùng đồ ăn và đồ uống tại The Kafé cho biết đồ ăn tại cửa hàng không phù hợp với người Việt, vì nó là những món vừa Á vừa Âu, nhắm vào ăn trưa là chủ yếu nhưng hầu hết là bánh ngọt, bánh mì, mì tươi, salad, pizza - phù hợp với người nước ngoài.

Mô hình kết hợp vừa ăn vừa uống của The Kafé cũng không tạo ra sự khác biệt và nổi bật. Không gian trang trí của quán đẹp và hiện đại nhưng không có phong cách riêng.

Các nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều startup không trụ lại được trên thị trường

Hãng nghiên cứu thị trường CB Insight trong báo cáo phát hành năm 2021 đã liệt kê 12 nguyên nhân khiến startup thất bại. Báo cáo này được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn của 110 startup đã thất bại trước đó. Chúng tôi xin trích lại một vài nguyên nhân tiêu biểu:

- Cạn vốn, không thể tiếp tục gọi vốn đầu tư. Đây là nguyên nhân được CB Insights liệt kê hàng đầu với 38% startup mắc phải. Nếu không biết cách gọi vốn, hoặc gọi vốn được rồi nhưng không thể gọi vốn bổ sung cho các giai đoạn phát triển tiếp theo, startup có thể lâm vào tình trạng khó khăn. Việc sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư một cách hợp lý là chìa khóa để startup có thể tồn tại, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các startup đang trong thời điểm "mùa đông gọi vốn" - các quỹ đầu tư thận trọng khi rót vốn do sự suy yếu chung của nền kinh tế thế giới.

- Không có nhu cầu thị trường, sai lầm từ ý tưởng. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai, chiếm 35% số startup được CB Insights khảo sát. Nhiều startup có ý tưởng kinh doanh mới lạ và họ cảm thấy có thể kinh doanh và phát triển được, nhưng trên thực tế nhiều ý tưởng hay nhưng thị trường lại không có nhu cầu. Những người lãnh đạo startup không lường được tính khả thi của ý tưởng.

- Mô hình kinh doanh có vấn đề. Khi ý tưởng đã được triển khai vào thực tiễn, nhiều startup lại gặp vấn đề với mô hình kinh doanh, khiến các nhà đầu tư chần chừ không muốn rót vốn thêm. Nguyên nhân này chiếm tới 19%.

- Đội ngũ quản lý thiếu kinh nghiệm. Một công ty khởi nghiệp từng than thở rằng việc công ty không có khả năng tuyển dụng người tài giỏi là một trong những lý do khiến công ty xuống dốc. Một số startup sau khi đã phát triển với tốc độ cao, khi mở rộng quy mô hoạt động lại không có được nhân sự điều hành đủ tài giỏi ở quy mô đó, dẫn đến thua lỗ và phá sản. Thiếu kinh nghiệm, quản lý yếu kém là điểm yếu tồn tại ở nhiều startup.

- Sản phẩm ra mắt không đúng thời điểm. Nếu sản phẩm ra mắt quá sớm, người dùng có thể cho rằng sản phẩm đó chưa đủ tốt. Một khi ấn tượng đầu tiên của họ về sản phẩm không mấy tích cực, sẽ khiến họ khó lòng lựa chọn. Ngược lại, nếu tung sản phẩm ra thị trường quá muộn, startup có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội hiện có, hoặc không thể cạnh tranh được với những người khổng lồ trên thị trường. Nguyên nhân này được CB Insights nhận thấy tồn tại ở 10% startup được khảo sát.

Ngoài ra, startup còn gặp những vấn đề khác về định giá, chi phí; vấn đề về pháp lý; sự bất hòa giữa lãnh đạo startup và nhà đầu tư; việc duy trì niềm đam mê; chuyển đổi mô hình kinh doanh...

Tuy nhiên, những nguyên nhân thất bại nói trên không hề làm giảm nhuệ khí của các cá nhân ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp. Đúng như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: "Thành công không phải là cuối cùng. Thất bại không phải là chết người. Đó là sự can đảm để tiếp tục".